Người Việt... dán nhãn ngoại

PHAN VĂN MINH 02/04/2016 12:03

Những người Việt nổi tiếng có danh tính kèm theo tiếng tây đầu tiên có lẽ là Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký, 1837 - 1898) và Paulus Của (Huỳnh Tịnh Của, 1834 -  1907). Cả hai ông đều du học nhiều năm tại trường dòng ở Pénang, Malaysia. Pétrus và Paulus là tên thánh theo quy định của đạo Thiên Chúa. Hai ông tuy thường xuyên tiếp xúc với văn hóa Tây Âu nhưng lại rất tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa Việt. Với việc sáng lập tờ Gia Định báo năm 1865, Pétrus Ký được xem là ông tổ của nghề báo tiếng Việt. Còn Đại Nam quốc âm tự vị là bộ từ điển quốc ngữ đầu tiên của nước ta do Paulus Của biên soạn.

Minh họa: V.THỌ
Minh họa: V.THỌ

Trong giới showbiz ở Sài Gòn trước tháng 4.1975, dường như chỉ có hai người mang nghệ danh “nửa tây nửa ta” được biết đến nhiều, đó là Elvis Phương và Julie Quang. Elvis Phương là ca sĩ theo dòng nhạc rock ở nước ta thời những năm 60. Chữ Elvis đi kèm trong nghệ danh là do ông rất ngưỡng mộ giọng hát của “vua rock” Elvis Presley ở Mỹ. Còn Julie Quang thì mang dòng máu lai Ấn - Việt và từng sống nhiều năm ở Ấn Độ trước khi trở về Việt Nam làm ca sĩ. Cái tên Julie có lẽ bắt nguồn từ đó. Và Julie được ghép với Quang là do cô có một giai đoạn làm vợ ca sĩ Duy Quang, con trai nhạc sĩ Phạm Duy. Như thế, cả hai ca sĩ trên đều có “lý do chính đáng” để “đính kèm” tiếng tây vào nghệ danh của mình.

Trong khoảng vài chục năm sau 1975, trên truyền thông quốc nội không hề nghe nhắc đến một ca sĩ, diễn viên mang tên tây nào. Ở hải ngoại, những ca sĩ từ Sài Gòn ra đi như Khánh Ly, Thanh Lan, Lệ Thu, Hương Lan, Chế Linh, Tuấn Ngọc... vẫn giữ nguyên tên Việt cho tới... già; còn các ca sĩ mới nổi sau này thì tên tuổi vẫn là “gà ta 100%” như Quang Lê, Tuấn Vũ, Thanh Bùi, Như Quỳnh, Phi Nhung, Trường Vũ... Họ không chỉ nổi danh trong cộng đồng người Việt hải ngoại mà còn được công chúng trong nước đón nhận nồng nhiệt khi về làm liveshow, thậm chí tiền cát-sê còn cao chót vót.

Nhưng nay tình hình đã khác. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ mang tên kép tây - Việt, mặc dù phần lớn họ đều nhận thù lao từ khán giả nhà. Những Lilly, Elly, Reno, Angela, Hamlet... đi kèm với tên Việt xuất hiện ngày càng nhiều. Tiếp theo là những cái tên Nakun, Nukan, Mi Du, Chi Pu, Arika, Chan Than San... không rõ là Ấn, Trung, Nhật, Hàn hay Thái. Lại có ban nhạc mà tất cả diễn viên đều mang tên ngoại như 365 Band: Issac, Jun, Will, và ST.

Không chỉ giới ca sĩ diễn viên, xu hướng người Việt “dán nhãn ngoại” đã lây sang cả lứa tuổi nhi đồng, nhất là đối với con cái nhà khá giả ở thành phố. Những Tí, Tèo, Beo, Cún... đã được thay bằng những cái tên tiếng Anh thân mật  như Tom, Bill, Alan, Cindy... hoặc những cái tên dài thoòng như  Brian, Elizabeth, Jennifer, Stephanie ..., đến nỗi ông nội bà ngoại phải đọc chệch thành Bi - ần, Lỳ - bệt, Gien - phờ, Phá - nì... cho dễ nhớ. Nhiều cháu mẫu giáo, tiểu học trở nên “nghiện” tên tây đến mức không thèm chuyện trò hoặc hờn dỗi nếu ai đó gọi chúng bằng tên khai sinh. Theo các chuyên gia giáo dục, cái bệnh này có nguyên nhân từ các bậc cha mẹ nặng tâm lý sính ngoại. Có lẽ họ cho rằng cái tên cũng giống như...hàng hóa, phải là đồ ngoại thì mới sang. Ngay cả thú nuôi trong nhà, nhiều gia đình vẫn gọi bằng những tên tây rất...người như Max, Jack, Charlie, Sparky..., đến nỗi khi mới nghe, người ngoài không hiểu là họ đang gọi chó hay... gọi trẻ.

Đối với người Việt sống ở nước ngoài thì có một cái tên bản ngữ cho dễ ghi chép, dễ đọc sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn trong công việc. Phần lớn thế hệ người Việt sinh ra hoặc trưởng thành ở hải ngoại đều chọn cách thêm tên tây vào họ Việt khi  giao dịch, chẳng hạn Tony Tran, Cindy Pham... Cũng có nhiều người vẫn “lưu luyến” giữ lại tên Việt sau tên tây như Alan Thu Le, Calvin Tuan Ly... Nhưng khi đó, trong cách hiểu của người phương tây, tên Việt sẽ chỉ là tên đệm (middle name). Tuy nhiên, nếu ai muốn giữ nguyên tên họ theo ngôn ngữ dân tộc mình thì cũng chẳng sao, miễn là đừng quá khó đọc kiểu như... Trạch Văn Đoành trong truyện ngắn Nam Cao, hoặc mang những cái tên lân cận với những âm gây... khó chịu cho người bản xứ. Có người kể rằng ở Úc, những cái tên Việt như Cúc, Cốc, Phát, Phước... nhiều khi làm cho người đối diện phải trợn mắt vì ngạc nhiên.

Lướt qua một số trang mạng, ta thấy rất nhiều người Việt đang thành công trên khắp thế giới mà vẫn được xướng danh đầy đủ họ tên theo tiếng mẹ đẻ. Có thể điểm qua một vài: tiến sĩ vật lý Võ Đình Tuấn ở Mỹ, tiến sĩ Chu Hoàng Long ở Úc, nhà doanh nghiệp Nguyễn Văn Hiền ở Đức, hay tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, người được bổ nhiệm làm cố vấn cho Tổng thống Mỹ năm 2011...

Vậy thì lý giải thế nào về hiện tượng một số người ở trong nước Việt, ăn cơm Việt, nói tiếng Việt, huyết thống thuần Việt... lại ưa “dán nhãn ngoại” lên tên mình hoặc con cái mình đến vậy?

PHAN VĂN MINH

PHAN VĂN MINH