Tây Giang chăm lo cho giáo dục mầm non

LÊ PHƯỚC LAN NHI 30/03/2016 10:30

Thời gian qua, huyện Tây Giang đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để phát triển giáo dục mầm non. Đến cuối năm 2015, toàn huyện đã xóa thôn bản trắng về giáo dục mầm non, đặc biệt có một trường mầm non đủ tiêu chí công nhận đạt chuẩn.

Nhiều khó khăn

Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, cơ sở vật chất tại các điểm trường thôn còn tạm bợ là những tồn tại, hạn chế trong giáo dục mầm non ở huyện Tây Giang nói riêng, miền núi Quảng Nam nói chung. Điểm trường liên thôn A Ró - Ja Da của Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Lăng, huyện Tây Giang) hiện có 2 lớp: 1 lớp lớn với 1 lớp nhỡ. Nhưng lớp nhỡ là lớp ghép với 19 cháu là con em đồng bào Cơ Tu 3 - 4 tuổi học chung. Cơ sở mượn tạm lại đang xuống cấp, trang thiết bị hạn chế, đời sống của các gia đình có con em học tại điểm trường này còn khó khăn nên việc dạy và học chưa đảm bảo. Cô giáo Zơrâm Thị Hái (Trường Mầm non Tuổi Hoa) cho biết: “Lớp em có 19 cháu nhưng chỉ có 6 cái bàn và 14 cái ghế, bàn giáo viên cũng không có. Do không học bán trú và cha mẹ không đưa đón nên học sinh ra lớp không đều, có hôm 4 - 5 cháu không ra lớp”.

Lớp ghép 3 - 4 tuổi ở điểm trường liên thôn A Ró - Ja Da của Trường Mầm non Tuổi Hoa, huyện Tây Giang. Ảnh: L.P.L.N
Lớp ghép 3 - 4 tuổi ở điểm trường liên thôn A Ró - Ja Da của Trường Mầm non Tuổi Hoa, huyện Tây Giang. Ảnh: L.P.L.N

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang, về cơ sở vật chất tại nhiều điểm trường, nhất là các điểm thôn còn thiếu thốn, như A Vương là xã vùng thấp nhưng đến nay vẫn chưa có điểm trường mầm non nên phải mượn tạm nhà dân và trường tiểu học để làm phòng học cho các cháu. Nhiều điểm trường thực hiện loại hình lớp ghép 2, 3 độ tuổi, chiếm 51% tổng số lớp học mầm non trên địa bàn. Bên cạnh đó, dân cư sống không tập trung, đường giao thông về các thôn bản là đường đất, đi lại rất khó khăn trong mùa mưa nên ảnh hưởng đến việc dạy và học của bậc học mầm non. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết: “Cơ sở vật chất các lớp mẫu giáo ở thôn đều tạm bợ, nhiều xã tuy có trường mầm non nhưng phòng học không đảm bảo yêu cầu, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính, đồ dùng dạy học, đồ dùng ngoài trời... Giáo viên mầm non hợp đồng ở các huyện miền núi còn nhiều; trong khi đó giáo viên nuôi dạy ở các lớp ghép mầm non không được hưởng chế độ như giáo viên dạy các lớp ghép cấp tiểu học nên các cô chưa yên tâm công tác”.

Nỗ lực nâng cao chất lượng

Thời gian qua, huyện Tây Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn. Khi thành lập huyện vào năm 2003, huyện Tây Giang chỉ có vài cơ sở giáo dục mầm non, nhưng đến nay đã có 7/10 xã trên địa bàn huyện có trường mầm non, mẫu giáo; hầu hết các thôn đã xóa thôn bản trắng về giáo dục mầm non. Cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học và vui chơi tại các điểm trường chính cấp học mầm non được đầu tư khá khang trang. Đội ngũ giáo viên có trên 90% là người địa phương nên rất thuận lợi trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ ra lớp. Cuối năm 2015, Trường Mầm non Họa Mi (xã A Tiêng) là trường mầm non đầu tiên của Tây Giang được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, đến nay đội ngũ giáo viên bậc mầm non - mẫu giáo trên địa bàn huyện tương đối đảm bảo. Từ năm 2010, huyện phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Trường Đại học Quảng Nam tổ chức mở lớp giáo dục sư phạm mầm non cho 47 học sinh là người tại chỗ đã tốt nghiệp THPT. Qua đào tạo sơ cấp, trung cấp, vừa qua các giáo viên này đã thi tốt nghiệp đại học. Ngành giáo dục huyện cũng thường xuyên tổ chức đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên mầm non. “Huyện xác định bậc mầm non là nền tảng để cho các em lên các bậc tiểu học và THCS. Vì thế, huyện tổ chức rà soát lại, trong năm 2015 đã xây dựng mới Trường Mẫu giáo liên xã Ch’Ôm - Ga Ry và Trường Mẫu giáo xã Dang. Hai trường này trước đây là trường ghép thuộc trường tiểu học và THCS chứ chưa có trường mầm non độc lập. Cùng với việc huy động nguồn lực tại chỗ, huyện đã vận động và được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại điểm trường mầm non các thôn Kanoonh 1, Kanoonh 2,  Kanoonh 3 xã A Xan và Trường Mẫu giáo xã Dang” - ông Arất Blúi nói.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

LÊ PHƯỚC LAN NHI