Khởi nghiệp công nghệ cao tại Philippines

QUỐC HƯNG 28/03/2016 10:38

Chính phủ Philippines đang đặt mục tiêu phát triển chương trình khởi nghiệp (start-up) tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao.

Philippines hiện là quốc gia có tốc độ phát triển những chú kỳ lân công nghệ-unicorns (những công ty công nghệ tư nhân trị giá khoảng 1 tỷ USD trở lên) nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Vào tháng 8.2015, Chính phủ Philippines đưa ra lộ trình khởi nghiệp với mục tiêu tăng số lượng các khởi nghiệp công nghệ cao tại Philippines lên đến con số 500 vào năm 2020. Qua đó nhằm tạo đà phát triển và tạo tính cạnh tranh cho các nhà đầu tư. Vốn được biết đến với nền kinh tế phát triển năng động của khu vực và phát triển nhanh thứ hai của thế giới, Philippines được kỳ vọng là mắt xích quan trọng giúp đỡ các công ty công nghệ tiếp cận tài năng một cách hiệu quả và bền vững.

Thành phố khởi nghiệp Bonifacio Global sôi động và nhộn nhịp của Philippines. (Ảnh: buravi)
Thành phố khởi nghiệp Bonifacio Global sôi động và nhộn nhịp của Philippines. (Ảnh: buravi)

Trên trang web điện tử hbr.org cho biết, Philippines có ưu thế trong quá trình khởi nghiệp công nghệ cao khi nước này sở hữu ngành công nghiệp gia công phần mềm như phát triển ứng dụng và phân tích dữ liệu di động, phân tích tài chính rất phát triển, thu hút hơn một triệu lao động. Dự kiến, lĩnh vực gia công phần mềm giúp đem về doanh thu 25 tỷ USD cho Philippines vào năm 2016. Con số này đặc biệt gây ấn tượng trong bối cảnh tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 270 tỷ USD.  Bonifacio Global được xem là một trong những thành phố khởi nghiệp nổi bật tại Philippines. Cách đây 15 năm,  Fort Bonifacio từng là khu căn cứ quân sự được xây dựng từ thời Thế chiến thứ hai, nay trở thành Bonifacio Global hiện đại và nhộn nhịp với khu tài chính, trung tâm mua sắm, các tòa nhà chọc trời. Thành quả đó là nhờ vào chính sách tư nhân hóa và chương trình chuyển đổi của chính phủ Philippines.

Đến nay, có nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt từ Mỹ, châu Âu tìm đến Philippines. Ngoài việc giảm được chi phí sản xuất, tạo việc làm trong công nghệ, lực lượng lao động trẻ Philippines được đào tạo rất bài bản về kỹ năng, ngôn ngữ để đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp, thu hút chất xám từ các quốc gia phát triển. Mỗi năm, hơn 130 nghìn sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật tốt nghiệp tại các trường đại học Philippines, đều có khả năng lập trình các ngôn ngữ phổ biến và tạo ứng dụng iOS lẫn Android. Thumbtack - công ty chuyên về tuyển dụng từ Mỹ thuê gần 1.000 nhà thầu tại Philippines để giúp đỡ những hoạt động kinh doanh. Hay như ý tưởng từ Galleon.ph - trang web thương mại điện tử bán hàng từ Mỹ, giúp người dân tại Philippines có thể mua các sản phẩm từ Mỹ mà không gặp cản trở về hình thức thanh toán. Các mặt hàng trên Galleon bao gồm chi phí như liên lạc, vận chuyển và các loại thuế. Hiện gian hàng này có hơn 100 nghìn mặt hàng khác nhau.

Mặc dù phải cạnh tranh với nhiều công ty khởi nghiệp đến từ nhiều nước, các doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ đắc lực từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Sự hiện diện của nhiều công ty khởi nghiệp nước ngoài giúp các công ty gia công phần mềm tại Philippines có thể trở thành đối tác chiến lược và tiếp nhận vốn đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, Philippines được xem là thị trường khởi nghiệp có vị thế khá lý tưởng. “Philippines là cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á rộng lớn hơn và đầy tiềm năng, là nơi hiện thực hóa phòng thí nghiệm hoàn hảo nhất cho những sản phẩm có ý định xâm nhập các thị trường mới nổi khác” - Nix Nolledo - Giám đốc điều hành Xurpas, công ty thiết kế ứng dụng và game cho thị trường Đông Nam Á, nhận định.

Vào tháng 6 tới, Philippines sẽ soạn thảo một kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm việc ra các quy định và chính sách nhằm thúc đẩy chương trình khởi nghiệp.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG