Chuyển giao nghề lưới rê hỗn hợp khai thác vùng biển khơi

HOÀNG LIÊN 27/03/2016 17:12

(QNO) - Ngày 25.3, Sở Khoa học - công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu hỗ trợ chuyển giao nghề lưới rê hỗn hợp khai thác vùng biển khơi tại Quảng Nam”. Đề tài do Th.S Nguyễn Trọng Thảo (Đại học Nha Trang) chủ nhiệm, thực hiện trong vòng 2 năm với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. 

Quang cảnh nghiệm thu. Ảnh: Hoàng Liên
Quang cảnh nghiệm thu. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Qua 2 năm, ban chủ nhiệm đề tài đã thi công, sản xuất thử nghiệm sản phẩm lưới rê hỗn hợp cải tiến; chuyển giao kỹ thuật chế tạo ngư cụ cải tiến và kỹ thuật khai thác nghề lưới rê hỗn hợp; chuyển giao công nghệ khai thác bằng nghề lưới rê hỗn hợp cho ngư dân tại các địa phương: Núi Thành, Hội An và Duy Xuyên.

Qua đối chứng, trên 9 chuyến biển (35 mẻ lưới), năng suất đánh bắt trung bình của nghề lưới rê cải tiến cao hơn 2,8 lần so với nghề lưới rê truyền thống, trong đó năng suất đánh bắt về cá thu cao hơn 2,6 lần. Mẫu lưới rê hỗn hợp cải tiến hoàn thiện được đề nghị chuyển giao là mẫu lưới có kích thước mắt lưới 140-160mm, sợi 1 lần xe, sử dụng giềng chì bọc thay cho chì viên và tuyệt đối không dùng phao PVC làm phao ganh. Ưu điểm của giải pháp này là giảm thải chì ra môi trường biển, kỹ thuật lắp ráp đơn giản và giảm thời gian thi công.

Hiệu quả xã hội của việc sử dụng lưới rê hỗn hợp trong khai thác vùng khơi là giảm lực lượng lao động cho nghề, bởi nghề lưới vây sử dụng 17 - 18 người thì nghề lưới rê hỗn hợp chỉ cần khoảng 7 - 8 lao động. Nghề lưới rê hỗn hợp cho lợi nhuận cao hơn, cường độ lao động giảm, tạo động lực cho thuyền viên bám tàu, theo nghề.

Mục tiêu đề tài góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao năng suất lao động cho ngư dân, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hải sản, tăng cường lực khai thác xa bờ, giữ vững an ninh chủ quyền vùng biển.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN