Định danh thể thao xứ Quảng

TƯỜNG VY 25/03/2016 09:20

Khi tái lập tỉnh năm 1997, thể thao Quảng Nam gần như là con số không khi tinh hoa của xứ Quảng ở lại TP.Đà Nẵng. Đi lên bằng đôi chân của mình, hiện nay thể thao Quảng Nam đã khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao cả nước.

Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam chật kín khán giả tại giải Bóng chuyền trẻ toan quốc 2015. Ảnh: TƯỜNG VY
Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam chật kín khán giả tại giải Bóng chuyền trẻ toan quốc 2015. Ảnh: TƯỜNG VY

Định hướng Olympic

Một thời gian dài, thể thao thành tích cao Quảng Nam gắn liền với các môn võ thuật. Đất Quảng từng đào tạo được nhiều vận động viên xuất sắc, trong đó tiêu biểu nhất là môn Pencak Silat. Môn võ thuật đến từ Indonesia này du nhập vào Việt Nam và không lâu sau đã đưa Việt Nam trở thành cường quốc Pencak Silat. Với Quảng Nam, Pencak Silat được xem là “mỏ vàng”, giúp cho thể thao xứ Quảng được nhiều người biết tới, với những cái tên đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam như Đặng Thị Thúy, Đặng Văn Chín, Lê Thị Hồng Ngoan. Thành tích đến muộn hơn Pencak Silat nhưng Karatedo lại có bước phát triển khá vững chắc. Người mang lại khởi đầu thành công của Karatedo Quảng Nam là Bùi Thị Nhung với tấm huy chương bạc giải trẻ châu Á. Sau khi Nhung buộc phải chia tay sự nghiệp thi đấu do sức khỏe, thế hệ đàn em đã tiếp nối và phát huy được tố chất cần cù, thông minh và mạnh mẽ của con người Quảng Nam. Đến nay, khi nói đến Karatedo Quảng Nam, không thể không nhắc tới Bùi Như Mỹ, Nguyễn Phi Tuấn và đặc biệt là Bùi Thị Triều. Trước khi chia tay sự nghiệp có thể coi là lẫy lừng của mình, Bùi Thị Triều đã sưu tập rất nhiều huy chương nhưng đáng kể nhất là 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc SEA Games, 2 huy chương bạc giải trẻ châu Á.

Với mục tiêu góp mặt ở những sân chơi lớn hơn, đẳng cấp hơn, những năm qua ngành TD-TT đã dành sự quan tâm đầu tư cho các môn thể thao Olympic, chẳng hạn như Taekwondo. Thành quả gặt hái được của môn võ truyền thống của người Hàn Quốc này cho đến hôm nay có thể nói là khá khả quan, bước đầu góp phần định danh thể thao xứ Quảng trên bản đồ thể thao cả nước. Lần đầu tiên, Quảng Nam có vận động viên tranh tài tại đấu trường Asiad là Phạm Thị Thu Hiền và giành tấm huy chương đồng - một trong hai huy chương đồng của đội tuyển Taekwondo Việt Nam. Ngoài ra, cô gái trẻ này còn giành 1 huy chương vàng SEA Games khi mới 18 tuổi và nhiều huy chương vàng, bạc tại các giải quốc tế khác.

Những năm trước đây, nói đến thể thao thành tích cao Quảng Nam thì nhiều người nghĩ ngay đến các môn võ thuật, thậm chí có người nói vui rằng “Quảng Nam là một lò võ”. Nhưng bây giờ đã hoàn toàn khác! Bên cạnh việc quan tâm đến các môn võ thuộc chương trình thi đấu Olympic, các môn thể thao khác như bắn súng, bóng chuyền cũng được đầu tư khá nhiều. Ít ai biết rằng, hiện nay thể thao Quảng Nam có tuyển thủ quốc gia môn bắn súng, đó là xạ thủ còn khá trẻ Hồ Viết Thanh Sang. Sau thành tích huy chương vàng tại Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2014 khi mới 17 tuổi, Thanh Sang tiếp tục chứng tỏ tài nghệ của mình trong năm 2015 với 5 huy chương vàng ở tất cả các giải đấu mà mình tham gia (giải vô địch, trẻ và cúp quốc gia). Với những người làm công tác thể thao, xứ Quảng có 2 “báu vật” cần được giữ gìn là vận động viên Phạm Thị Thu Hiền và Hồ Viết Thanh Sang.

Điểm đến các giải quốc gia

Không chỉ được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng về thể thao, Quảng Nam những năm gần đây còn là điểm đến của nhiều giải đấu cấp quốc gia, đặc biệt là các môn thể thao có sức hút lớn đối với người hâm mộ. Trong những ngày qua, giải Futsal vô địch quốc gia 2016 diễn ra tại  Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam thu hút khá nhiều người đến dự xem. Đây là lần đầu tiên Quảng Nam đăng cai môn bóng đá trong nhà này, càng có ý nghĩa hơn khi ở thời điểm vừa sau sự kiện đội tuyển Futsal Việt Nam giành quyền có mặt tại vòng chung kết giải Futsal vô địch thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên, đội Futsal V&V Quảng Nam góp mặt tại sân chơi toàn quốc và đội bóng non trẻ của HLV Nguyễn Văn Vĩ ít nhiều để lại dấu ấn.

Trước đó, một giải đấu hấp dẫn khác là Bóng chuyền trẻ toàn quốc năm 2015 cũng được Quảng Nam “kéo” về địa phương. Điều này đã giúp cho người hâm mộ bóng chuyền trong tỉnh lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến các trận đấu chất lượng, trong đó có cả các tuyển thủ quốc gia, của 24 đội tuyển trẻ đến từ các tỉnh, thành, ngành trên cả nước. Và cũng lần đầu tiên, Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam xảy ra tình trạng quá tải do số lượng khán giả quá đông. Đội bóng chuyền nam Quảng Nam trong lần đầu trình làng cũng đã tạo được dấu ấn trong làng bóng chuyền trẻ toàn quốc khi giành giải ba.

Để đăng cai tổ chức một giải đấu quốc gia tại địa phương không phải đơn giản. Ngoài điều kiện sân bãi, nhà tập đáp ứng yêu cầu, điều kiện ăn ở cho các đoàn vận động viên thuận lợi, cần có sự nỗ lực rất lớn của địa phương trong công tác phối hợp tổ chức giải. Nói cách khác, kéo được một giải toàn quốc về Quảng Nam, ngành TD-TT phải thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc đua giành quyền đăng cai với nhiều địa phương khác để thuyết phục được Tổng cục TD-TT, các liên đoàn thể thao quốc gia. Đồng thời, điều kiện sân bãi phải đạt chuẩn chuyên môn cho các trận đấu diễn ra chất lượng. Chẳng hạn như để tổ chức giải Bóng chuyền trẻ toàn quốc năm 2015, ngành TD-TT phải đi thuê đệm mặt sân đạt chuẩn, đảm bảo cho vận động viên thi đấu chất lượng, không bị chấn thương. Theo kế hoạch, thời gian tới Quảng Nam sẽ tiếp tục đăng cai thêm một số giải đấu có sức hút lớn hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân trong tỉnh.

TƯỜNG VY

TƯỜNG VY