Say diễn, sá chi nghèo!

HOÀNG LIÊN 24/03/2016 10:07

Hơn thế kỷ, mạch sống của tuồng cứ âm ỉ chảy qua nhiều thế hệ của đại gia đình nghệ sĩ Thu Trang - Trưởng đoàn tuồng Sông Thu. Thu Trang và 8 diễn viên trong cùng đoàn tuồng vốn là những người con của cố nghệ sĩ Diệu Thông, nghệ nhân tuồng cổ nổi tiếng xứ Quảng.

Căn nhà nhỏ của nữ nghệ sĩ Thu Trang nằm khiêm nhường ở đường Hà Duy Phiên, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, lưu giữ nhiều chân dung nghệ nhân tuồng, huy chương, hình ảnh hoạt động tuồng và các vai diễn trên sân khấu. Nghệ sĩ Thu Trang kể, gia đình chị có 15 người thì đã có 9 người thuộc Đoàn tuồng Sông Thu. Họ đã gặt hái được nhiều giải thưởng, huy chương vàng, huy chương bạc tại các kỳ liên hoan. Gần đây nhất, Liên hoan tác phẩm sân khấu của Tống Phước Phổ, Đoàn tuồng Sông Thu tham dự liên hoan với vở “Lữ Bố hý Điêu Thuyền”, các diễn viên đã mang về 2 giải vàng, 2 giải bạc và giải “Diễn viên nhỏ tuổi nhất” thuộc về Cao Quốc Hưng (9 tuổi), con trai út của nữ nghệ sĩ Thu Trang.

Diễn viên Đoàn tuồng Sông Thu biểu diễn tại lễ hội Bà Phường Chào (Ái Nghĩa, Đại Lộc). Ảnh: H.Liên
Diễn viên Đoàn tuồng Sông Thu biểu diễn tại lễ hội Bà Phường Chào (Ái Nghĩa, Đại Lộc). Ảnh: H.Liên

Đã mang lấy nghiệp vào thân…

Họ vốn thuộc “nòi tuồng”, trưởng thành từ những năm tháng cơ hàn theo mẹ là nghệ sĩ Diệu Thông cùng gánh hát ngược xuôi nam - bắc. “Ông nội theo nghề hát, ba là nghệ sĩ cải lương, má theo nghiệp hát tuồng, đến đời anh chị em tôi lại nối nghiệp tuồng” - nghệ sĩ Thu Trang nói. Chị nhớ, khi ba chị - nghệ sĩ Ngọc Sơn qua đời sau tai nạn, má chị dắt các con đi diễn khắp nơi để kiếm sống. Đêm đêm, tiếng trống chầu vang lên, người người rạo rực đốt đèn đốt đuốc đi xem tuồng. Đi theo má và gánh hát, hằng đêm ngồi dưới sân khấu giữ em cho má diễn, tuồng đã ngấm vào máu thịt của cô thiếu nữ Thu Trang như một thứ men say. Thuộc làu các trích đoạn, các vở tuồng do má và gánh hát diễn, tới lúc Thu Trang nằng nặc đòi má cho diễn những vai phụ như tì nữ, quân sĩ và được nghệ sĩ Diệu Thông chấp thuận. Các anh chị em Thu Trang là Thu Trinh, Hoài Thu, Ngọc Hoàng, Ngọc Hùng, Ngọc Việt… lần lượt cũng “đòi” nối nghiệp má. “Vốn là con nhà nòi nên chúng tôi chẳng mấy khó để tiếp cận các vai diễn. Có máu đam mê, lại được học hỏi kinh nghiệm từ những nghệ sĩ cả đời sống với sân khấu là má, cậu Cẩm Phô… những vai diễn đầu tiên được tán thưởng là niềm động viên để tôi đi suốt con đường mình đã chọn” - Thu Trang chia sẻ.

Những năm 1987, tuồng xuống dốc. Không nuôi nổi đàn con, nghệ sĩ Diệu Thông phải dắt díu đàn con rày đây mai đó. Các anh chị em Thu Trang nhiều người vẫn còn nhớ như in: cứ đến mùng 2 tết là mẹ con dắt nhau đi khỏi nhà và đi mãi, đi mãi tới tận cuối tháng Chạp mới quay trở về tổ ấm. “Rồi một ngày, má vĩnh viễn ra đi khi chưa được phong danh hiệu gì. Cả đời má lao động vất vả, sống cho nghệ thuật, cho từng vai diễn” - nghệ sĩ Ngọc Hoàng tâm sự. Nếu nghệ sĩ Diệu Thông, Cẩm Phô… là những diễn viên gạo cội thì Thu Trang tiếp bước nổi lên như một gương mặt, cái tên sáng giá của tuồng cổ xứ Quảng. Chị được đào tạo hát tuồng cổ, thuộc nhiều tuồng tích cổ, điều mà không nhiều diễn viên có được, lại sở hữu gương mặt khả ái kết hợp lối diễn xuất sắc sảo, điệu bộ nhuần nhuyễn… nên những vai diễn của chị đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Vai diễn để đời của Thu Trang là vai Lữ Bố trong vở “Lữ Bố hý Điêu Thuyền” và vai Đào Tam Xuân trong vở “Đào Tam Xuân loạn trào”. Đó là những vai diễn khó, chị phải hóa thân thành nhân vật nam mạnh mẽ, rắn rỏi với lối hát kết hợp cử chỉ, điệu bộ khắt khe của tuồng cổ. Song đó chính là những vai diễn khiến tên tuổi chị tỏa sáng.

Chật vật giữ nghề

Từ chỗ là loại hình nghệ thuật được công chúng yêu thích, ái mộ, tuồng đã dần mai một ngay trên chính mảnh đất sản sinh ra nó. Dù những năm qua, Đoàn tuồng Sông Thu có được sự quan tâm của Hội Bảo trợ tuồng xứ Quảng, đặc biệt tâm huyết của cụ Nguyễn Quỳnh, song nguồn hỗ trợ chủ yếu chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, động viên tinh thần. “Đất sống” hạn hẹp, đoàn tuồng bán chuyên nghiệp lại không được nhà nước quan tâm, diễn viên không có cơ hội phát huy tài năng, sở trường, những nghệ nhân am hiểu tuồng cổ dần khuất bóng trong khi tuồng đương đại dần xa rời truyền thống. Niềm ái mộ tuồng mất dần. Giới trẻ quay lưng. Nhiều diễn viên trẻ không còn mặn mà nối nghiệp cha ông bởi đời sống không đảm bảo.

Những đêm diễn thưa vắng dần, 9 diễn viên chính của Đoàn tuồng Sông Thu ngậm ngùi tìm kế sinh nhai bằng những công việc chẳng ăn nhập gì với đam mê chảy trong huyết quản. Hoài Thu mở tiệm cắt tóc ở Tam Kỳ; Ngọc Hoàng ngoài hát tổng cho đám ma, sống bằng nghề dán vàng mã, may trang phục tuồng; Thu Trang đã 5 năm đi hát tổng, dán vàng mã; có người kinh tế khó khăn, phải chạy xe ôm, phụ hồ… Nghệ sĩ Ngọc Hoàng chia sẻ: “Hát tổng cũng là kiếm sống nhưng cũng là để giữ lửa với tuồng. Dù khó khăn đến mấy thì anh em tôi cũng không bỏ tuồng, còn sống thì còn giữ nghề”. Trước bộn bề khó khăn, để giảm tối đa chi phí cho buổi diễn, anh em nghệ sĩ Thu Trang phải tự xoay xở, toàn bộ trang phục, đạo cụ trong tuồng do nghệ sĩ Ngọc Hoàng và anh em, con cháu xúm xít tự may lấy; âm thanh ánh sáng được Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên hỗ trợ. Có những đêm, sau ánh hào quang sân khấu, với đồng thù lao ít ỏi trước chật vật của đời sống, nhưng chẳng ai trong họ buồn.

Nếu trước, chỉ trong dịp xuân đoàn biểu diễn từ 30 - 40 đêm thì Tết Bính Thân 2016 này, đoàn chỉ diễn vỏn vẹn 7 đêm ở Điện Thắng (Điện Bàn), thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) và Ái Nghĩa (Đại Lộc). Đáng quý là, dù muôn nẻo mưu sinh nhưng khi nghe tin có nơi mời diễn tuồng, ai nấy hào hứng khăn gói lên đường. Nhập vai, họ lại “lột xác” hóa thân thành những nhân vật của tuồng thực thụ trên sân khấu. “Dù diễn ít song niềm an ủi là đêm nào nơi chúng tôi diễn cũng chật kín khán giả, họ là những người cũ, vẫn còn yêu tuồng lắm. Chúng tôi diễn bằng cảm xúc, bằng trái tim, từng lời từng câu hát từng điệu bộ là khởi đi từ trong ruột, trong tim mà ra” - nghệ sĩ Thu Trang nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN