Bắc Trà My hôm nay
Cách đây 45 năm, chiến thắng Xã Đốc là biểu tượng chói ngời của tinh thần đánh Mỹ và thắng Mỹ. Còn hôm nay, đất và người xứ sở “cao sơn ngọc quế” đang vượt khó đi lên, thay đổi diện mạo đời sống mỗi ngày.
Chiến thắng đồi Xã Đốc
Những năm 1969 - 1971, trên chiến trường Quảng Nam, Lữ đoàn 196 và Lữ đoàn 198 thuộc Sư đoàn bộ binh 23 của Mỹ ở Chu Lai liên tiếp mở các cuộc càn quét vào vùng giải phóng. Chúng dùng trực thăng đổ quân đóng các cứ điểm, chốt điểm trong căn cứ hậu phương của ta như Núi Chúa (Tứ Mỹ - Nam Tam Kỳ), Liệt Kiểm - Chư Gan (Quế Tiên, nay là Hiệp Đức), Xã Đốc (Trà My). Đồng thời chúng dùng máy bay B57, B52 thả bom đánh phá suốt ngày đêm; kèm theo đó rải chất độc hóa học hủy hoại núi rừng. Rồi chúng cày ủi lên san bằng hai mỏm A và B của đồi Muln Luốk (còn gọi là đồi Xã Đốc), đào chiến hào, công sự, làm đường giao thông, xây dựng cứ điểm trên đồi nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn Trà My. Cứ điểm này rất kiên cố, có bãi đỗ trực thăng, có trận địa pháo và hệ thống hầm ngầm vững chắc. Quân Mỹ ở Xã Đốc thường xuyên tung lực lượng tìm kiếm đánh phá các hành lang, kho tàng của ta. Tuy nhiên, bằng quyết tâm phá bằng được cứ điểm quan trọng này, Tiểu đoàn Đặc công 409 nhiều lần tổ chức trinh sát, lập sa bàn để chuẩn bị tập kích đồi Xã Đốc.
Đường vào trung tâm huyện Bắc Trà My. |
Đặc công 409 qua nhiều lần trinh sát đã nắm vững cách bố trí mìn, hầm hào, lô cốt, khu chỉ huy, khu hỏa lực, khu vực tuần tra canh gác... Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị cho trận đánh hoàn thành trước 16 giờ ngày 27.3.1971. Đêm hôm đó, dù địch canh gác cẩn mật, nhưng với nghệ thuật ngụy trang tiếp cận mục tiêu của bộ đội đặc công, chỉ sau vài giờ, 8 mũi tiến công của Tiểu đoàn Đặc công 409 đã bao vây cứ điểm. Thế trận “nở hoa trong lòng địch” hình thành. Lúc này 7 mũi đã lọt vào trong cứ điểm nhưng mũi chủ yếu còn ở ngoài bờ rào đã nhanh chóng dùng bộc phá mở rào. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khắc Minh và Chính trị viên tiểu đoàn Lê Thanh Cượng, bộ đội ta bắn B40, B41, giật bộc phá, quăng thủ pháo, lựu đạn dồn dập đánh vào các mục tiêu đã định. Hơn nửa giờ chiến đấu, ta đã làm chủ chiến trường, địch bị tê liệt trước đòn tấn công bất ngờ, đầy mưu trí của bộ đội ta. Cả đơn vị lính Mỹ đồn trú tại cứ điểm Xã Đốc bị tiêu diệt sạch. Chiến thắng Xã Đốc ngày 27.3.1971 không những góp phần quyết định để giải phóng hoàn toàn Trà My, mà còn buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam sau đó không lâu.
Kinh tế rừng đã giúp người dân huyện Bắc Trà My giảm nghèo bền vững. |
Phát huy nội lực
Với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, Bắc Trà My trải qua một thời gian dài chậm phát triển. Hơn 50% dân số trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao và hàng loạt vướng mắc phát sinh làm đảo lộn cuộc sống người dân sau khi xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2. Yếu kém về hạ tầng giao thông càng nới xa khoảng cách phát triển các vùng. Vì vậy, tận dụng các nguồn lực khác nhau, Bắc Trà My đang từng bước thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Đó là khớp nối tuyến Trà Giác - Trà Ka, tuyến Trà Dương - Trà Nú, cầu bê tông Trà Giác - Trà Nú, cầu bê tông thị trấn Trà My - Trà Sơn, đường Trà Đốc - Trà Bui. Nhờ thế, hạ tầng kỹ thuật nội thị đã khang trang hơn. Từ “vùng lõm” về điện, nay 13/13 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. Đường ô tô về trung tâm các xã vùng cao cơ bản được đầu tư xây dựng. Mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Trà My cụ thể hóa bằng cách trồng rừng, phát triển kinh tế rừng. Mô hình trồng keo giúp cho hàng trăm hộ nơi đây thoát nghèo. Xã Trà Dương hiện tại đã hoàn thành tất cả tiêu chí nông thôn mới.
Theo ước tính của Phòng NN&PTNT huyện, địa phương trồng 9.300ha cây keo nguyên liệu, mỗi năm khai thác khoảng 600ha, thu hơn 33 tỷ đồng. Để tiêu thụ lâm sản dễ dàng, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy băm gỗ, bóc gỗ nguyên liệu và công ty tổ chức thu mua, chế biến gỗ nguyên liệu. Còn các xã vùng cao tập trung phát triển mô hình nuôi bò sinh sản, trồng chuối mốc. Đặc biệt hai xã Trà Giáp, Trà Giác đang hình thành, bảo tồn vùng dược liệu quế Trà My nhằm khôi phục lại thương hiệu cây quế Trà My vang bóng một thời. Nhờ có định hướng phát triển đúng nên giá trị sản phẩm trồng trọt của huyện đạt gần 55 triệu đồng/ha (tăng 22,4 triệu đồng/ha so với thời điểm năm 2010). Để tăng giá trị nông sản và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, Bắc Trà My phát triển kinh tế cân đối trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Gần 300 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn hình thành là minh chứng cho những nỗ lực đưa công nghiệp lên vùng cao của địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn khẳng định, giảm nghèo được xem như mục tiêu, động lực phấn đấu. Công tác này thực hiện có hiệu quả với mức giảm bình quân 3 - 4%/năm nhưng hiện vẫn còn cao - đến 52% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. “Chúng tôi tiếp tục khai thác triệt để nội lực kinh tế bản địa, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị sản xuất. Tập trung nguồn lực để các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thêm vào đó, nâng cao giá trị thương mại, dịch vụ” - ông Tuấn nói.
TRẦN HỮU