Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021: Chọn sự phát triển cho quê hương
Quảng Nam đã và đang tập trung chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công tốt đẹp. Hiện toàn tỉnh triển khai tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với các đại biểu ứng cử và tự ứng cử, trên cơ sở đó Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiến hành hiệp thương lần thứ ba để thảo luận thống nhất danh sách ứng viên ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong không khí phấn khởi hướng về ngày hội lớn của toàn dân, Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Bầu cử tỉnh.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh báo cáo với đoàn giám sát của trung ương về công tác chuẩn bị bầu cử. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng - Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, phụ trách công tác bầu cử HĐND các cấp:
“Sự phát triển của quê hương phụ thuộc vào lá phiếu cử tri”
Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp - phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lần này là lần thứ hai được tổ chức trong cùng một ngày, diễn ra trong bối cảnh cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo Hiến pháp 2013, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Từ nay đến ngày 22.5, để cuộc bầu cử diễn ra thành công cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ ý nghĩa, tính chất pháp lý của cuộc bầu cử. Một điều quan trọng là phải lựa chọn được những người ra ứng cử đại biểu bảo đảm tiêu chuẩn, có phẩm chất và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại diện nhân dân; bảo đảm được cơ cấu, thành phần, tính đại diện cho các giới, lĩnh vực. Các cơ quan có trách nhiệm và được mời tham gia hiệp thương lần thứ ba cần phát huy tính dân chủ trong việc lựa chọn ứng cử viên. MTTQ Việt Nam cấp xã và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là tổ chức lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cử tri nơi cư trú đối với các đại biểu được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử. Các ý kiến nhận xét, đánh giá này là cơ sở để Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức ứng cử viên ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo tôi, cử tri kỳ vọng nhất là đại biểu phải thể hiện được năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn. Vì vậy, những đại biểu đại diện cho cử tri tham gia HĐND các cấp phải thực sự có khả năng chuyển hóa tính dân chủ, tính nhân dân thành hiện thực, đi vào cuộc sống; khả năng đó thể hiện ở năng lực trí tuệ, năng lực hoạt động thực tiễn của đại biểu. Song chức năng, nhiệm vụ đó được thể hiện như thế nào tùy thuộc ở năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức các vị đại biểu. Do vậy, rất cần có những tiêu chuẩn, yêu cầu thật cụ thể, rõ ràng về năng lực, phẩm chất đối với đại biểu để cử tri có cơ sở tín nhiệm lựa chọn. Mỗi đại biểu khi được cử tri lựa chọn cần ý thức được vinh dự và trách nhiệm. Nếu trúng cử đại biểu HĐND các cấp cần lắng nghe ý kiến của cử tri, có giải pháp cụ thể. Đối với cử tri cần phải nhận thức rằng, thông qua lựa chọn người đại biểu cho mình vào các cơ quan dân cử là đang hướng đến lợi ích của chính mình, của địa phương. Bởi, mỗi cử tri cần có trách nhiệm trong suốt quá trình bầu cử. Cử tri cần hiểu rằng, sự phát triển của địa phương sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của mình. Lựa chọn được các đại biểu thật sự có đủ đức, đủ tài là lựa chọn cho sự phát triển chung của quê hương, đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, phụ trách công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV:
“Chọn người đủ đức, đủ tài, đủ tầm”
Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, toàn tỉnh đã tập trung triển khai chu đáo, chặt chẽ các nội dung công việc theo đúng quy trình và thời gian ấn định. Đối với công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã trình Hội đồng Bầu cử quốc gia ban hành nghị quyết công bố Quảng Nam có 3 đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XIV với 8 đại biểu được bầu (2 đơn vị bầu 3 đại biểu và 1 đơn vị bầu 2 đại biểu). UBND tỉnh cũng đã thành lập 3 Ban Bầu cử ĐBQH khóa XIV tương ứng với 3 đơn vị bầu cử trên. Việc hiệp thương nhân sự đã được tiến hành chặt chẽ, đúng hướng dẫn, đảm bảo số lượng, cơ cấu thành phần theo định hướng. Nhìn chung, quá trình chuẩn bị, triển khai công tác bầu cử đang được tiến hành khẩn trương, chu đáo nhằm góp phần bảo đảm cuộc bầu cử lần này diễn ra dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Theo chủ trương chung, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV phải bầu đủ số lượng 500 đại biểu; trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời đảm bảo cơ cấu hợp lý; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ, đại biểu các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu chung đặt ra là người ứng cử ĐBQH khóa XIV phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội. Tại Quảng Nam, tổng số người được giới thiệu ứng cử là 12 người (chưa kể 3 đại biểu ứng cử do trung ương giới thiệu) với cơ cấu, thành phần đảm bảo như Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phân bổ.
Tôi rất hoan nghênh đối với các trường hợp tự ứng cử ĐBQH khóa XIV tại Quảng Nam. Tôi tin cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp, cử tri Quảng Nam sẽ lựa chọn đúng người đủ đức, đủ tài, đủ tầm để bầu vào Quốc hội khóa XIV.
HÀN GIANG - VINH ANH