Tam Kỳ gặp mặt kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng quê hương
(QNO) - Sáng nay 23.3, Thành ủy Tam Kỳ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 41 năm giải phóng thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam (24.3.1975 - 24.3.2016).
Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Tham dự có đồng chí Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Minh Thắng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, người trực tiếp chỉ đạo giải phóng Tam Kỳ, Quảng Nam; cùng các đồng chí lão thành cách mạng, những người từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng.
Sau năm 1954, Tam Kỳ là vùng trọng điểm địch thực hiện chính sách “Tố cộng, diệt cộng”. Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, quân dân Tam Kỳ đã đồng loạt nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải phóng Tứ Mỹ (Tam Trà), tạo bàn đạp giải phóng nhiều xã trong huyện, góp phần làm thất bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Chiến thắng Núi Thành ngày 26.5.1965 trở thành chiến công trận đầu đánh Mỹ vang dội cả nước. Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, cùng với quân dân trong tỉnh, quân dân Tam Kỳ mở cuộc tổng tiến công vào dinh lũy của địch ở nội ô Tam Kỳ, góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi đàm phán tại Pari.
Sau ký Hiệp đinh Pari, Mỹ rút quân về nước, thế và lực của địch trên chiến trường miền Nam giảm sút. Tuy nhiên Mỹ, ngụy vẫn ngoan cố tìm cách lấn chiếm vùng giải phóng. Tại Tam Kỳ, chúng tăng cường huy động lính địa phương, cùng quân chủ lực đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng, giành dân, đồng thời phân loại các đối tượng cảm tình cách mạng và bí mật thủ tiêu.
Trước tình hình đó, quân dân Tam Kỳ, Quảng Nam tiếp tục kiên cường bám trụ, giữ đất, giữ dân, chiến đấu đến cùng.Chớp lấy thời cơ, quân dân Quảng Nam đồng loạt nổi dậy tiến công giải phóng quê hương. Tiên Phước là địa phương được giải phóng đầu tiên trong tỉnh. Quân dân Tam Kỳ cũng đồng loạt nổi dậy tấn công quyết liệt vào tỉnh đường Quảng Tín.
Đúng 10 giờ 30 phút ngày 24.3.1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tòa nhà tỉnh đường Quảng Tín. Tam Kỳ hoàn toàn giải phóng, là đô thị đầu tiên ở đồng bằng ven biển Trung Trun g bộ được giải phóng, tạo bàn đạp để giải phóng các địa phương khác, góp phần cùng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ tặng hoa cho nguyên Bí thư Thị uỷ Tam Kỳ Trần Chí Thành (đứng giữa) - người vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: MỸ LINH |
Từ sau giải phóng đến nay, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đạt được những thành tựu quan trọng.
Năm 2015, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ tăng 24,3%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 13,2 %; nông nghiệp tặng 5%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng, đạt 137% kế hoạch năm.
Đặc biệt ngày 5.2.2016, thành phố Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại II. Đây là những thành quả rất đáng tự hào của chính quyền và nhân dân thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng nhấn mạnh: “Truyền thống và kết quả đạt được là kết tinh, vun đắp bằng mồ hôi, nước mắt, trí tuệ, xương máu của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí Tam Kỳ, Quảng Nam. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Tam Kỳ phải phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, tạo sức bật để xây dựng thành phố Tam Kỳ ngày càng phát triển”.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Chí Thành ôn lại kỷ niệm ngày giải phóng Tam Kỳ. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Ông Phạm Thanh Tuấn, 86 tuổi, trú tại phường Tân Thạnh, người đã trực tiếp tham gia giải phóng Tam Kỳ, rất vui mừng trước sự đổi thay của thành phố. “Tam Kỳ đi lên ngoài sức tưởng tượng. Những cánh đồng khô cháy trước đây giờ đã tươi tốt, Tam Kỳ giờ rất đẹp, mọi thứ thay đổi tốt hơn hơn rất nhiều, bác vui lắm” - ông Tuấn vui mừng.
Dịp này, ông Trần Chí Thành - Nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ trong chiến tranh, người trực tiếp lãnh đạo giải phóng Tam Kỳ, vừa được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xúc động kể lại thời khắc lịch sử của quê hương.
MỸ LINH - XUÂN KHÁNH