Hướng về cộng đồng

NGUYỄN DƯƠNG 23/03/2016 08:45

Báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, số lượng người mắc HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh những năm gần đây giảm nhưng có xu hướng nhắm đến nhóm đối tượng ít nguy cơ. Điều này đòi hỏi cần có biện pháp tuyên truyền sâu rộng, hướng về cộng đồng để cùng chung tay đẩy lùi căn bệnh này.

Liệu pháp methadone

“Chiếm đa số trong các ca lây nhiễm HIV/AISD là do dùng chung kim tiêm khi sử dụng ma túy. Chính vì vậy, việc đầu tiên là phải giảm thiểu được số người nghiện ma túy. Ở khía cạnh này, methadone đang làm rất tốt…”- Bác sĩ Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết.

Methadone là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, thay thế các loại ma túy dạng thuốc phiện như heroin. Tuy là chất gây nghiện nhưng ưu điểm của methadone là không tiêm chích, không tăng liều, có tác dụng trong 24 giờ đồng hồ nên mỗi ngày chỉ dùng một lần. Methadone cũng không tạo những kích thích, hưng phấn cao. Người nghiện khi dùng methadone vẫn có khoái cảm nhưng yếu, nên đây được gọi là phương pháp điều trị thay thế, dùng ma túy chống lại ma túy. Khi không còn bị những cơn vật vã, bệnh nhân có thể lao động và sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, methadone dùng bằng cách uống nên không làm lây nhiễm HIV.

Tuyên truyền, vận động cho những người mang bệnh sẽ góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Ảnh: N.D
Tuyên truyền, vận động cho những người mang bệnh sẽ góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Ảnh: N.D

Tại Quảng Nam, cơ sở điều trị methadone bắt đầu hoạt động từ tháng 12.2014, đến nay đã tư vấn, điều trị cho trên 300 người. Hiện nay, đã có 2 cơ sở ở Tam Kỳ và huyện Tiên Phước. Dự kiến, thời gian tới sẽ tiến hành ở các huyện trọng điểm như: Thăng Bình, Hiệp Đức, Quế Sơn và Điện Bàn.

“Dù mới đưa vào hoạt động nhưng hiệu quả của cách điều trị này rất cao, nhất là trong việc phòng chống bệnh HIV. Trong các đợt xét nghiệm định kỳ cho nhóm đối tượng đã tham gia điều trị, ngoại trừ người đã nhiễm HIV trước khi tham gia, tuyệt đối không phát sinh thêm ca nhiễm mới HIV nào” - bác sĩ Kiệm cho biết.

Cùng với việc triển khai điều trị cai nghiện bằng methadone, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS nói chung, chương trình cai nghiện bằng methadone nói riêng xuống tận các thôn, xã. Bác sĩ Trần Văn Kiệm khẳng định, công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống HIV/AIDS, đồng thời người nghiện ma túy cũng sẽ tự giác đến cơ sở cai nghiện. Để xóa tâm lý “bị kỳ thị”, việc tuyên truyền cho các đối tượng này được triển khai dưới nhiều hình thức riêng, phù hợp với họ.

Đẩy lùi HIV

Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 902 trường hợp nhiễm HIV, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng là 0,054% dân. “Trong khoảng chừng 5 năm trở lại đây, số lượng người nhiễm bệnh đã giảm dần (dưới 0,1% so với mức trung bình của cả nước là 0,3%). Đây là một dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên căn bệnh này vẫn tiếp tục lây lan với một số thay đổi đáng chú ý là sự gia tăng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ. Điều đó có nghĩa, mặc dù chúng ta đã giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng diễn biến vẫn khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn…” - bác sĩ Trần Văn Kiệm cho biết.

Theo bác sĩ Kiệm, để chung tay góp phần đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này, đội ngũ cán bộ của trung tâm luôn cố gắng tuyên truyền, vận động, trở thành người bạn gần gũi, sẻ chia những khó khăn đối với từng người bệnh. Điều đặc biệt là trung tâm sử dụng những người đã từng là đối tượng nghiện hút, nhiễm HIV trở thành tuyên truyền viên, nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng làm nhiệm vụ truyền thông. “Họ là những người đã từng trải qua nên họ có thể hiểu được cảm giác của những người như mình. Từ đó cách tuyên truyền của họ cũng rất riêng, rất khác biệt mà hiệu quả lại cao”- bác sĩ Kiệm giải thích.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 phòng khám hoạt động hỗ trợ điều trị HIV/AIDS được đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 1 phòng khám dành cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Trong năm 2015, số người nhiễm HIV/AIDS được khám, chăm sóc, điều trị nhiễm trùng cơ hội là 234 người, trong đó có 12 trẻ em. Tổng số bệnh nhận AIDS đang được quản lý, điều trị ARV là 255 người, trong đó có 10 trẻ em.

Hiện nay, thuốc đặc trị dùng cho người nhiễm HIV chính là ARV. Nếu điều trị ARV hiệu quả thì có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, làm giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS. “Trong thời gian qua cũng như sắp đến, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu 90-90-90 khi tiến hành điều trị bằng ARV cho các bệnh nhân. Nghĩa là phải phát hiện được 90% số người thực chất bị mắc bệnh HIV, 90% trong số đó phải được điều trị bằng ARV và 90% trong số được điều trị phải khống chế được vi rút, không lây lan nữa”- bác sĩ Kiệm lý giải.

Đặc biệt là những trường hợp bà mẹ mang thai cần được điều trị bằng phương thuốc này để giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho con. Theo bác sĩ Kiệm, nếu không sử dụng thuốc thì khả năng trẻ bị dương tính với HIV là 50% nhưng nếu dùng thuốc chỉ giảm xuống còn 2 - 3% nếu được điều trị đúng cách, đúng liều lượng.

Nhắc lại chuyện 10 năm trước, một phụ nữ nông dân ở Hiệp Đức đến trung tâm để chữa HIV. Chị kể, vì khốn khó, chồng chị theo chân những trai làng vào rừng đào vàng trái phép. Đi chừng hơn 3 tháng thì về, không đi nữa vì không đủ sức. Ấy thế mà trong người đã mang mầm bệnh thế kỷ trong một lần không kiềm chế nổi bản thân, dùng chung kim tiêm với bạn vàng. Chỉ đến khi chị mang thai, đi khám mới vỡ lẽ. Anh chồng cũng chỉ biết cúi mặt. Đứa trẻ đó sinh ra đã mang trong mình căn bệnh HIV. Nhưng hai vợ chồng vẫn đau đáu về một đứa con lành lặn, và các cán bộ trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ điều trị bằng ARV cho hai mẹ con, đứa trẻ thứ hai hoàn toàn khỏe mạnh.

“Câu chuyện đó khiến chúng tôi luôn đau đáu trong lòng. HIV/AIDS  luôn tiềm ẩn ở mọi nơi, mọi lúc với mọi đối tượng không hề nghĩ tới. Chính vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực để làm thế nào đó giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ. Chúng tôi sẵn sàng là những người bạn, là tri kỷ san sẻ những khó khăn với họ, để ít ra họ thấy rằng, mình không lạc lõng…”- bác sĩ Kiệm nói.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG