Sông nước chưa yên bình
Có dịp tâm tình với người có trách nhiệm của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh mới thấy, sai phạm liên quan đến trật tự ATGT đường thủy nội địa và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa cứ tái diễn bức xúc. Mặc dù, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú; hay tổ chức phát động xây dựng mô hình “Đoạn, tuyến sông văn hóa - an toàn” song chưa thể lay chuyển sở thích “làm theo bản năng” của một bộ phận người dân. Rất thẳng thắn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê chia sẻ, nguyên cớ cũng còn do hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, hiệu lực và kỷ cương của lực lượng thực thi công vụ chưa được tăng cường đúng nghĩa. Các ngành chức năng phối hợp thiếu nhịp nhàng trong tuần tra, thế nên hành vi vi phạm…nằm ngoài tầm kiểm soát. Một cán bộ quản lý đường sông thì bày tỏ, chúng ta chưa có chế tài xử lý người đi đò không mặc áo phao, mà chỉ mới dừng lại ở khâu vận động. Thế nên, lực lượng chức năng yêu cầu chủ phương tiện “cấm cửa” hành khách không chịu mặc áo phao lên đò. Nhưng là người kinh doanh, chẳng lẽ họ lại cấm cửa “thượng đế” của mình.
Bến “chui” vẫn lén lút hoạt động; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm cứ ngang nhiên lưu thông; việc khai thác, tập kết cát, sạn tấp nập… lộn xộn. Sóng nước chưa yên. Bao nhiêu điều trái ngang của hoạt động đường thủy nội địa đang diễn ra nhức nhối. Vừa qua, Ban ATGT tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch phối hợp kiểm tra liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa năm 2016. Tổ chuyên trách có cả Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam, Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở Giao thông vận tải), Văn phòng Ban ATGT tỉnh cùng đại diện lãnh đạo địa phương nơi kiểm tra. Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh yêu cầu, khi thi hành công vụ phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình, chế độ công tác của từng lực lượng. Nghiêm cấm việc tiếp tay, sách nhiễu gây phiền hà cho chủ ghe, thuyền và người điều khiển phương tiện.
Kế hoạch đã vạch, quy chế làm việc quy định rõ ràng. Chỉ chờ thêm chút ít thời gian, các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, tàu cao tốc, nhà hàng nổi, phương tiện thủy du lịch cư trú qua đêm; cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa; bến bãi khai thác, tập kết vật liệu hay công trình xây dựng vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được tổ kiểm tra liên ngành “ghé thăm”. Hội An, Duy Xuyên, Nông Sơn, Núi Thành…có tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa phức tạp cũng phải vào cuộc, “nâng cao” ý thức phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn, bức xúc. Nếu đúng như kịch bản đã duyệt, sông nước quê hương sẽ bình yên hơn trước. Song, vấn đề là hiệu quả thực thi liệu có trôi chảy, hay rồi lặp lại điệp khúc “đánh trống bỏ dùi”.
SÁU CÒI