Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp: Quy nạp sức mạnh nhân dân
Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã và đang khẩn trương triển khai ở trung ương và các địa phương. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức tuần qua, nhiều ý kiến nhấn mạnh tới vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của đại biểu trong hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.
Huyện Duy Xuyên tổ chức hội nghị triển khai nghiệp vụ công tác bầu cử. Ảnh: HOÀI NHI |
Phải là chủ thể gần dân
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ví von Quốc hội của chúng ta như “đầu dây thần kinh” kết nối các lợi ích trong xã hội. Mối quan hệ giữa ĐBQH đối với cử tri và nhân dân có thể được coi là sự gắn bó máu thịt, một sợi dây liên kết bền chặt, gắn kết lợi ích của cử tri và các nhóm dân cư trong xã hội; vì thế sẽ được ĐBQH thể hiện vào các quyết sách của Quốc hội. Thông qua Quốc hội, những quyết sách hệ trọng của đất nước đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của đa số nhân dân. Các mặt hoạt động này thể hiện trách nhiệm của ĐBQH với cử tri, đó là ghi nhận và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri vào quá trình xây dựng pháp luật; chủ trương quyết sách lớn của Nhà nước; đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giám sát việc thực hiện chủ trương chính sách pháp luật... Do vậy, Quốc hội, ĐBQH phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó, phục vụ hiệu quả nhất hoạt động của Quốc hội, góp phần làm cho Quốc hội ngày càng thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBQH, đại biểu HĐND phải là những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội, HĐND các cấp. Nếu đại biểu đáp ứng được yêu cầu cả về tính đại diện, cả về cơ cấu và chất lượng thì sẽ quy nạp được sức mạnh nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, dám nói, dám có ý kiến để giải quyết những vấn đề cuộc sống đang đặt ra. Để nâng cao chất lượng đại biểu dân cử, cần tập trung thực hiện có hiệu quả cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp tới mà trọng tâm là lựa chọn đúng cơ cấu, chất lượng các ứng cử viên trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định và quy trình bầu cử theo luật định. Người đại biểu phải là những chủ thể gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, ngày càng đáp ứng tốt hơn mong đợi của cử tri và người dân.
Bản lĩnh - vấn đề quan trọng
Theo ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế thị trường và đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế; phấn đấu cho mục tiêu ấm no, hạnh phúc và phát triển toàn diện của nhân dân, đòi hỏi phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách là một yêu cầu cấp bách để bảo đảm Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc này cần phải có lộ trình từng bước để bảo đảm cả cơ cấu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các thành phần trong xã hội, vừa bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu nhân dân. Ông Lợi đánh giá việc tăng ĐBQH chuyên trách có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu. Một trong những yếu tố thiết yếu cần phát huy, đó là tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri, nhân dân, bởi mối quan hệ giữa ĐBQH với nhân dân là điều kiện cơ bản bảo đảm Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để Quốc hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ông Lợi hy vọng rằng những nhân tố mới trong đời sống chính trị đang xuất hiện sẽ mang lại những sự đổi thay hữu ích cho đất nước và người cầm lá phiếu đi bầu cử sẽ tin tưởng vào những người xứng đáng được bầu và xứng đáng với sự trông cậy của cử tri.
Khẳng định ĐBQH và đại biểu HĐND phải là người có năng lực, trình độ, hiểu biết, có kinh nghiệm, ông Xuyền cho rằng để chọn được những người thực sự là đại biểu của dân, quá trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử phải chọn được người có năng lực, có học vấn, kinh nghiệm công tác. Nếu trẻ tuổi, người đó cần có năng lực xuất sắc trong lĩnh vực công tác hay học tập, từ đó để có thể đưa ra các ứng cử viên đáp ứng yêu cầu, tiêu chí và có chất lượng. Đối với mỗi người đại biểu của nhân dân trong giai đoạn hiện nay, ngoài chất lượng, năng lực, trình độ, cần phải có phẩm chất về chính trị, đạo đức lối sống. Cơ quan dân cử là cơ quan đại diện cho nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân cho nên người đại biểu phải thực sự là người đại diện cho phẩm chất chính trị trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng thời đại biểu phải có tư cách đạo đức tốt, phải gương mẫu thì dân mới tin tưởng, mới tín nhiệm; phải có bản lĩnh chính trị dám nói, dám làm.
Nhìn nhận bản lĩnh của đại biểu là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay, ông Xuyền cho rằng, đại biểu có trình độ, năng lực nhưng không có bản lĩnh để nói ra hay ngại nói, ngại va chạm thì không ổn. Đại biểu cho dân phải nói được, phải diễn đạt được, trình bày được, lập luận được để thuyết phục được mọi người và không ngại va chạm. Bên cạnh đó, làm đại biểu của nhân dân phải có tầm hiểu biết về chính sách pháp luật để khi gặp phải bất cứ công việc gì trong giám sát hay trong xây dựng pháp luật có thể đưa ra chính kiến để bảo vệ ý kiến của mình, bảo vệ được quyền con người, quyền công dân.
L.V (tổng hợp)