Hướng dẫn tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016
(QNO) - Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ (gọi chung là các trường), các sở GD-ĐT về công tác tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.
Kết thúc việc xét tuyển hệ đại học vào ngày 20.10.2016
Đối với các trường sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia để xét tuyển, chỉ xét tuyển các thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển ĐH, CĐ; công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng quy định xét tuyển vào các ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành) của trường bao gồm: tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển; cách thức xét tuyển giữa ngành thứ nhất và thứ hai theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh; chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành theo từng phương thức xét tuyển (nếu trường có đề án tự chủ tuyển sinh).
HƯỚNG DẪN ĐIỀN THÔNG TIN VÀO PHIẾU ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN 1. Số báo danh, số CMND: Cần ghi chính xác và thống nhất với thông tin trong Hồ sơ đăng ký dự thi. 2. Mã ĐKXT: Ghi chính xác mã đăng ký xét tuyển được quy định trong Giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh. 3. Mục "Đề nghị trường điều chỉnh chế độ ưu tiên": Nếu thí sinh cần điều chỉnh chế độ ưu tiên (so với thông tin trong Phiếu ĐKDT), cần đánh dầu "X" vào ô tương ứng và trong mục "khu vực ưu tiên" điền một trong các mã KV1, KV2-NT, KV2 hoặc KV3 tương ứng với khu vực ưu tiên của mình; trong mục "đối tượng ưu tiên" điền một trong các ký hiệu từ 01 đến 07 tương ứng với đối tượng ưu tiên của mình (nếu không thuộc đối tượng ưu tiên thì không điền). 4. Mục "Diện ưu tiên xét tuyển": Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy chế tuyển sinh, khi ĐKXT vào trường cần đánh dấu "X" vào ô bên cạnh đồng thời: a) Điền sau mục "Đối tượng" một trong các ký hiệu từ 1 đến 4 theo quy định sau: - Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: 1; - Thí sinh đoạt giải trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia:2; - Thí sinh đoạt huy chương vàng các giải vô địch hạng nhất quốc gia tổ chức một lần trong năm: 3; - Thí sinh được Ủy ban TDTT có quyết định công nhận là kiện tướng quốc gia: 4. b) Điền sau mục "Loại giải, Huy chương": giải, huy chương mình đã đạt được; c) Điền sau mục "Môn đoạt giải": môn học hoặc môn thể thao đã đoạt giải hoặc huy chương. Đối với thí sinh đoạt giải trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, ghi tóm tắt tên đề tài đã đoạt giải. 5. Thí sinh khẳng định lại chế độ ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng tuyển sinh. Nếu chế độ ưu tiên khác so với hồ sơ đăng ký dự thi thì phải đánh dấu vào ô ”Chế độ ưu tiên có thay đổi so với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia”. Thí sinh chịu trách nhiệm tính chính xác của thông tin này. 6. Mục "Các nguyện vọng đăng ký": Thí sinh không nhất thiết phải đăng ký đủ tất cả các nguyện vọng. Những nguyện vọng không đăng ký phải gạch chéo để khẳng định. 7. Mục "Có đăng ký xét tuyển vào trường khác" - Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 trường hoặc 1 nhóm trường: không điền thông tin vào mục này; - Thí sinh đăng ký xét tuyển vào 2 trường hoặc 1 trường và 1 nhóm trường: đánh dấu "X" vào ô bên cạnh và điền đầy đủ các thông tin về trường thứ 2 mà thí sinh đăng ký xét tuyển. |
Tổ chức nhận ĐKXT của thí sinh theo các phương thức được quy định tại Quy chế tuyển sinh; cập nhật dữ liệu ĐKXT của thí sinh lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; thông báo công khai kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường. các trường có tổ chức sơ tuyển và các trường tổ chức thi môn năng khiếu, cần xây dựng kế hoạch sơ tuyển hoặc thi các môn năng khiếu đảm bảo có kết quả sơ tuyển trước ngày 1.8.2016; có kết quả thi môn năng khiếu trước ngày bắt đầu của mỗi đợt xét tuyển.
Đối với các trường tuyển sinh theo nhóm, xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của nhóm trường và báo cáo Bộ GDĐT. Sau khi được Bộ GDĐT xác nhận bằng văn bản đề án phù hợp với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, các trường trong nhóm công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của các trường; thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh trong tổ chức xét tuyển và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đối với các trường tuyển sinh riêng, tổ chức tuyển sinh theo Đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chế tuyển sinh và được Bộ GDĐT xác nhận bằng văn bản. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 20.10.2016 đối với hệ ĐH và 15.11.2016 đối với hệ CĐ.
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh
Các xã khu vực I (KV1), bao gồm các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.
Các xã mà thí sinh được hưởng chế độ ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú bao gồm: các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.
Về ưu tiên khu vực đối với thí sinh học tại các trường THPT có sự thay đổi chế độ ưu tiên, theo Bộ GD-ĐT: đối với các trường THPT do thay đổi địa giới hành chính, chuyển địa điểm hoặc thay đổi cấp hành chính dẫn đến thay đổi mức ưu tiên khu vực thì mỗi giai đoạn hưởng mức ưu tiên khác nhau, trường sẽ được gán một mã trường khác nhau cùng với một mức ưu tiên khu vực phù hợp. Thí sinh căn cứ thời gian học tập tại trường THPT chọn và điền đúng mã trường theo các giai đoạn để được hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực.
Mức điểm ưu tiên được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30, phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.
Điều kiện tham gia xét tuyển
Đối với thí sinh đăng ký vào trường tổ chức tuyển sinh riêng phải có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh; đáp ứng các yêu cầu xét tuyển quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh của trường. Đối với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, phải có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh; đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ; tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống; đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường công bố công khai trên tang thông tin điện tử của trường.
Công bố thông tin liên quan tới từng đợt xét tuyển
Trước mỗi đợt xét tuyển, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường các nội dung sau: chỉ tiêu của các ngành đối với đợt xét tuyển đó. Trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc chỉ tiêu dành cho mỗi tổ hợp. Lưu ý: đối với những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống (khối thi áp dụng từ năm 2014 trở về trước); cách thức xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển; các điều kiện bổ sung (nếu có); điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định.
Xét tuyển đợt I, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển. Xét tuyển các đợt bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.
Đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm (gọi chung là nhóm trường), thí sinh có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm. Các nhóm trường quy định mẫu phiếu ĐKXT phù hợp với qui định này và công bố công khai cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu ĐKXT.
BẢO NGUYÊN