Cần phổ cập bơi lội trong trường học
Liên tiếp trong 4 ngày đã có 4 em học sinh bị đuối nước. Một lần nữa, vấn đề quản lý, tập huấn kỹ năng sống cho học sinh được đưa ra.
Theo thống kê của Phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), trong năm 2015 có 29 trường hợp trẻ em mất mạng vì đuối nước; năm 2016 đã có 7 em bị đuối nước. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (CSVBVTE) cho biết, trẻ em gặp nạn đuối nước là do chưa được trang bị kỹ năng cần thiết khi gặp trường hợp xấu, một phần từ sự quản lý chưa chặt chẽ của gia đình. “Ở các khu vực thị trấn, thành phố còn có các điểm gửi trẻ chứ ở nông thôn, hầu hết đều tự quản lý. Như trường hợp 2 chị em bị đuối nước thương tâm ở Quế Sơn. Cha mẹ lo đồng áng vào mùa vụ, để con lên 6 tuổi giữ đứa mới lên 2 tuổi. Cạnh nhà có một hố nước nhỏ, đứa nhỏ 2 tuổi bò ra và rơi xuống, chị kéo em không nổi, cuối cùng bị đuối cả hai. Bởi vậy, việc tuyên truyền, vận động, trang bị kỹ năng cho cả người lớn lẫn trẻ em là hết sức cần thiết để giảm thiểu tối đa những rủi ro”- bà Hồng nói.
Tập huấn kỹ năng phòng chống thiên tai, thảm họa cho các em học sinh ở huyện Thăng Bình. Ảnh: N.D |
Phòng CSVBVTE trong giai đoạn 2014-2015 đã tổ chức 13 lớp tập huấn về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ quân dân chính thôn, xã và người dân ở những vùng trọng điểm và biên giới. “Thông thường, nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức hết những tiềm ẩn nguy cơ đối với con em mình. Chỉ đến khi chúng tôi đưa ra những dẫn chứng thì họ mới nhận thấy. Bên cạnh tổ chức các lớp tuyên truyền, chúng tôi còn phát tờ rơi trang bị những nội dung thiết yếu giúp họ có kiến thức trong việc phòng tránh rủi ro cho trẻ em…”- bà Hồng cho biết thêm.
Trong những năm qua, Phòng CSVBVTE đều hỗ trợ cho 18/18 huyện, thị xã, thành phố trong công tác truyền thông CSVBVTE (trung bình mỗi huyện 12 - 15 triệu đồng). Tiếp tục duy trì 18 mô hình tại 16 huyện có từ năm 2012 (trong đó có 3 mô hình về chống tai nạn, thương tích trẻ em) nhằm bảo trợ cho trẻ em tốt nhất. “Tuy nhiên, nguồn kinh phí đến nay vẫn còn hạn hẹp, do trước đây có nguồn từ trung ương chuyển về 700 - 800 triệu đồng hỗ trợ cho các công tác này, nhưng năm 2016 thì nguồn từ dự án hết. Trước mắt, UBND tỉnh cũng đã cấp cho chúng tôi 420 triệu đồng phục vụ công tác này”- bà Hồng nói.
Trước mắt, việc tập huấn kỹ năng sống cũng như đưa môn bơi lội vào trường học đang được gấp rút tiến hành. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có điều kiện thực hiện. Chị Phạm Thị Thủy, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh cho rằng, việc đưa môn bơi lội vào trường học là hết sức cần thiết, bởi không phải lúc nào cha mẹ, nhà trường cũng có thể quản lý các em được. “Vợ chồng chúng tôi đều làm cơ quan nhà nước, sáng đi tối về, nếu nhà trường cho nghỉ đột xuất, dù có thông báo cũng khó quản lý. Nếu các cháu được học bơi lội thì phần nào yên tâm hơn. Tuy nhiên, điều kiện các trường học ở đây lại không có…”- chị Thủy nói.
Ở một số địa phương như TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn đã đưa môn bơi lội vào trường học và đang vận hành rất tốt, nhận được phản ứng tích cực của phụ huynh học sinh. Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho hay, trường đã đưa môn bơi lội thành một môn học chính thức từ 6 năm nay (bắt đầu từ lớp 6). “Môn bơi lội là môn học cần thiết cho những học sinh vùng sông nước như ở Tam Kỳ. Đồng thời đây là môn học nâng cao được thể lực cho học sinh, tạo điều kiện để nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai…” - thầy Sĩ nói.
Cũng theo thầy Sĩ, hoạt động này của trường đã nhận được thư khen ngợi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước Đông Nam Á năm 2013. Đến nay, học sinh toàn trường hầu như 100% đều biết bơi.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng CSVBVTE cho rằng, việc bảo vệ trẻ em phải có 3 cấp độ: truyền thông, tập huấn và trợ giúp các em trong những tình huống xấu có thể xảy ra, đảm bảo khi có sự cố sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc. “Tất cả những vụ trẻ em mất mạng chủ yếu đều do đuối nước. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là cần phổ cập môn bơi lội vào các trường học” - bà Hồng cho biết.
NGUYỄN DƯƠNG