Tín hiệu vui cho các nước phát triển

QUỐC HƯNG 17/03/2016 10:49

Tại các nước phát triển hay giàu có, số lượng thanh thiếu niên hút thuốc và sử dụng đồ uống có cồn trên đà giảm đáng kể.

Đó là tín hiệu lạc quan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố sau khi WHO tiến hành nghiên cứu và khảo sát tại 42 quốc gia phát triển. Theo đó, số thanh thiếu niên bắt đầu tiếp xúc với đồ uống có cồn hay thuốc lá trước 14 tuổi đã giảm, đặc biệt là nữ giới. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2014, số lượng các nam giới độ tuổi 15 tại các quốc gia khu vực châu Âu, Canada, Israel sử dụng thuốc lá khi 13 tuổi vốn chiếm 26%, giảm xuống còn 22%, trong khi nữ giới sử dụng loại thuốc trên chiếm 22%, giảm xuống còn 13%. Tương tự, số lượng thanh thiếu niên sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu giảm xuống 10%. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu - bà Zsuzsanna Jakab nói rằng: “Hành vi sức khỏe cùng thói quen trong xã hội hay thái độ, quan niệm sống có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của thanh thiếu niên khi trưởng thành, thậm chí cả cuộc đời sau này. Tuy nhiên, kết quả của WHO tại các nước phát triển cho thấy những thanh thiếu niên có sự khởi đầu tốt sẽ có lối sống tốt hơn trong cả cuộc đời”.

Thể dục thể thao giúp thanh thiếu niên có chất lượng cuộc sống tốt hơn. (Ảnh: theherald)
Thể dục thể thao giúp thanh thiếu niên có chất lượng cuộc sống tốt hơn. (Ảnh: theherald)

Vào năm 2014, tỷ lệ thanh thiếu niên tại Greenland, Lithuania, Estonia, Latvia và Cộng hòa Séc sử dụng đồ uống có cồn và thuốc lá thuộc hàng cao nhất, chiếm 38 - 56% trong tổng số nam giới và 36 - 53% trong tổng số nữ giới. Trong khi đó, tỷ lệ này rất thấp tại các quốc gia là Iceland, Albania, Canada, Na Uy và Tây Ban Nha. Đáng quan ngại hơn là 16% số ca tử vong ở những người trên 30 tuổi tại châu Âu lại liên quan đến thuốc lá - một tỷ lệ cao nhất so với nhiều khu vực do WHO kiểm soát. Các chuyên gia của WHO luôn khuyến cáo, các độc chất trong thuốc lá sẽ gây ra nhiều căn bệnh phổ biến về tim, phổi, ung thư…

Đến nay, nhiều quốc gia tại châu Âu như Pháp, Anh, Ireland đẩy mạnh phòng chống thuốc lá như ban hành lệnh cấm hút thuộc nơi công cộng, cấm quảng cáo, cấm trưng bày lên các kệ hàng, đánh thuế cao mặt hàng thuốc lá, các công ty sản xuất thuốc lá bắt buộc phải in những hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ bao. Ngoài hình ảnh, Pháp nói không với thuốc lá bằng bao “không nhãn” vì trên đó không có lô gô cũng như nhãn hiệu của nhà sản xuất, các bao thuốc lá phải có cùng kích cỡ, hình dáng, màu sắc để tránh “hấp dẫn” người tiêu dùng.

Tuy vậy, WHO đặc biệt quan tâm đến Bulgaria - quốc gia có tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng đồ uống có cồn cao nhất (chiếm 13 - 20% số người tuổi 13, 17 - 32% số người tuổi 15) tại các quốc gia thịnh vượng, sử dụng ít nhất một lần trong một tuần. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng bia, rượu ở các nước phát triển giảm đáng mừng. WHO mong công dân toàn cầu ý thức về tác hại bia rượu, thuốc lá đến chất lượng cuộc sống, những hệ lụy từ đó gây ra cho bản thân, gia đình, xã hội.

Ngược lại, WHO đưa ra cảnh báo về vấn đề tình trạng sức khỏe liên quan tại các nước phát triển, rằng đến năm 2030, đặc biệt tại châu Âu, Mỹ sẽ phải đối mặt với dịch bệnh béo phì ở thanh thiếu niên, những người lớn tuổi. Các quốc gia cần khẩn trương có những chính sách để đảo lại xu thế này.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG