Tìm chữ dưới đỉnh Ngọc Linh
Dưới đỉnh Ngọc Linh quanh năm sương mù bao phủ, hành trình đi tìm con chữ của con em đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng nhọc nhằn còn hơn cả việc kiếm cái ăn, cái mặc thường ngày. Nơi đó, nhiều đứa trẻ với niềm mơ ước bình dị là được học trong ngôi trường không dột nát, không bị “đứt bữa”, có áo đủ ấm trong mùa giá lạnh...
Run rẩy đến trường
Đầu tháng 3, dãy núi Trường Sơn trái gió trở trời. Giá lạnh kéo dài, trải rộng khắp các bản làng vùng cao Nam Trà My. Mây trắng lãng đãng trên các đồi núi trập trùng. Ngôi trường Tiểu học Ngọc Linh (thôn 1, xã Trà Linh, Nam Trà My) trong giờ nghỉ giải lao một sáng mai chộn rộn tiếng nói cười của trẻ thơ. Bao ánh mắt dáo dác nhìn khách lạ. Một tốp 5 học sinh ngồi bệt dưới khoảnh đất nhô lên trước sân trường. Tay chân lấm lem đất, có em trong người chỉ mặc chiếc áo thun mỏng, dù ngoài trời nhiệt độ xuống dưới 16oC. Thầy Lê Viết Ngọc - Hiệu phó Trường Tiểu học Ngọc Linh cho biết, toàn xã Trà Linh có 4 thôn với 20 lớp tiểu học nội trú; riêng trường này có 7 lớp học. Để đến trường, ba mẹ phải đưa các cháu vượt suối leo đèo cả tiếng đồng hồ. Sống ở nơi cao hơn mực nước biển 1.000m, các cháu “miễn nhiễm” với thời tiết lạnh. Tuy nhiên, do nhiều gia đình quá nghèo khổ, lo chạy ăn từng bữa nên cũng ít quan tâm đến sức khỏe các cháu. “Gió rét căm căm, thấy các cháu đến lớp với chiếc áo mỏng hở cổ không đủ ấm, chúng tôi thương lắm” - thầy Ngọc chia sẻ.
Trường Tiểu học Ngọc Linh.Ảnh: N.LINH |
Rời rẻo cao Trà Linh, chúng tôi xuống địa bàn xã Trà Nam - nơi mà cái chữ cũng lắm lận đận. Điểm trường mầm non Tak Ta - Mang Liệt (thuộc thôn 4, xã Trà Nam, Nam Trà My) nằm lọt thỏm giữa khu dân cư thưa thớt. Cô giáo Nguyễn Thị Thành - giáo viên chủ nhiệm điểm trường này cho biết, lớp học có 27 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng của hai thôn Tak Ta và Mang Liệt từ 3 đến 5 tuổi. Trường tạm bợ, thiếu thốn trăm bề. Các em hồn nhiên ngủ dưới nền đất. Cô giáo Thành tâm sự, để vận động đồng bào đưa con cháu của họ đến lớp là cả một quá trình cam go. Không chỉ thầy cô mà các cán bộ địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, giải thích để đồng bào cho con em họ đến lớp. Còn ở điểm trường Long Túc (thuộc thôn 3, xã Trà Nam) hiện tại có 2 lớp với hơn 40 học sinh thì lại quá sơ sài về cơ sở vật chất. Để vào rừng sâu “gieo chữ”, nhiều cô giáo phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Cô giáo dạy trẻ mỗi lần lên đây phải gửi xe máy ở lại trung tâm xã, rồi gùi lương thực, thực phẩm vào đủ phục vụ cho vài tuần. Cô giáo Hồ Thị Mỹ Yến - chủ nhiệm mẫu giáo lớn ở điểm trường Long Túc tâm sự: “Trên này còn khó khăn, hàng hóa làm ra đơn điệu, tự cung tự cấp là chính. Cho nên cuối tuần các thầy cô giáo ở các điểm trường phải đi xuống trung tâm xã để mua gạo, thức ăn và nhu yếu phẩm khác”. Tại điểm trường này, hầu như “trắng” lưới điện quốc gia. Đêm đến, trường phải sử dụng đèn dầu hỏa thắp sáng, hoặc xin nhờ điện của các hộ dân bên cạnh sử dụng máy điện nhỏ đặt ngoài khe suối.
Giờ giải lao của học sinh Trường Mẫu giáo mầm non thôn 1 xã Trà Nam. |
Bà, cháu cùng nội trú
Nam Trà My có gần 172 điểm trường mẫu giáo và tiểu học tại các thôn bản với hơn 1.000 học sinh mầm non, 2.000 học sinh tiểu học và 2.500 học sinh THCS. Về cơ sở vật chất, huyện có 443 phòng học THCS, tiểu học kiên cố hóa, 101 phòng học cấp 4 và 142 phòng học gỗ, mái lợp tôn xi măng. |
Trường mẫu giáo ở thôn 1, xã Trà Nam nằm ngay trên tuyến đường chính nhưng lại quá nhỏ hẹp và tềnh toàng. Tường bằng ván, mái lợp tôn tạm bợ. Gió lùa vào phòng ngủ các cháu. Trường có hàng chục cháu nhỏ 3 - 6 tuổi, nhưng có đến 13 cháu ở các rẻo rất xa xôi. Từ nhà đến trường, bố mẹ phải địu các cháu đi bộ mất ít nhất một giờ đồng hồ. Do đường sá đi lại khó khăn, gặp trời mưa to gió lớn, nhiều cha mẹ bất đắc dĩ phải ở lại trường nội trú nhiều ngày để cùng ăn, cùng ngủ với con cái. Nhà ở nóc Long Linh (thôn 1, xã Trà Nam) cách xa trường 6 - 7 cây số đường rừng, nên bà Hồ Thị Chúc phải dắt díu 4 đứa cháu ở lại nội trú tại trường. Khác với những học sinh mầm non sáng đi chiều về, bà Chúc cùng 4 đứa cháu của mình ở lại trường 6 ngày, đêm/tuần. Cứ thứ 2 đầu tuần, gia đình bà chuyển lương thực, thực phẩm đến trường học đủ đáp ứng cho 6 ngày ăn liên tục. Bà Chúc thật thà: “Từ trước tết âm lịch đến nay, mình và bọn trẻ đi học, sinh hoạt tại trường này cả tuần mới về nhà một lần. Các cháu còn quá nhỏ không đủ sức để leo núi vượt rừng mỗi ngày nên mình phải ở lại trường sinh hoạt cho tiện”. Cô giáo Trần Thị Ái Ân cho biết, các cháu học nội trú tại trường (từ 2 đến 6 tuổi) là con em của đồng bào Xê Đăng thuộc diện hộ nghèo. Ngoài các cháu nhỏ, còn có phụ huynh ở lại trường sinh hoạt với giáo viên như người trong một nhà. Điều kiện hiện tại của trường quá đơn sơ, thiếu thốn, nước mưa luôn chảy, gió tạt vào các phòng ngủ, ăn...
Để tạo điều kiện cho các em được phổ cập mẫu giáo, thời gian qua ngành giáo dục huyện Nam Trà My hỗ trợ chế độ ăn trưa cho mỗi em học sinh 5 nghìn đồng/buổi. Theo Quyết định 60, ngày 6.10.2011 của Chính phủ về hỗ trợ một số chính sách cho giáo dục mầm non ở miền núi giai đoạn 2011 - 2015, hỗ trợ cho trẻ 3 - 4 tuổi và Quyết định 239 của Chính phủ thực hiện đề án phổ cập giáo dục cho trẻ em miền núi 5 tuổi với mức mỗi em 120 ngàn đồng/tháng, nhưng học kỳ 1 năm 2015 - 2016 đã tạm dừng chi trả nên nhiều hộ đồng bào Xê Đăng lại càng khó khăn trong việc đưa con đến trường mẫu giáo.
HỮU PHÚC