Phát triển bền vững yến sào Cù Lao Chàm
Việc tìm giải pháp công nghệ nâng giá trị yến sào Cù Lao Chàm, tạo sản phẩm du lịch ưa thích trong mắt du khách đã được chính quyền Hội An tính đến.
Đa dạng sản phẩm từ yến
Mỗi năm, Hội An có doanh thu trung bình đạt hơn 80 tỷ đồng từ việc khai thác, xuất khẩu sản phẩm yến thô Cù Lao Chàm sang Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… cùng với nguồn tiêu thụ yến mảnh, yến vụn nhỏ lẻ qua kênh bán lẻ truyền thống. Đáng nói, dù là “xứ sở” nổi tiếng với thương hiệu yến sào rặt thiên nhiên song ngay tại Hội An nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng, sản phẩm từ yến sào vẫn chưa trở thành sản phẩm du lịch, chưa được nhiều du khách và người dân bản địa biết đến. Sản phẩm được chế biến từ yến sào còn đơn điệu, chủ yếu là một số món ăn như súp, chè yến, yến chén, rượu trứng yến. Từ chủ trương của TP.Hội An về tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm yến sào đến du khách tham quan Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ yến được các đơn vị chức năng tính đến. Cuối năm 2015, nhiều lượt cán bộ được Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cử đi Nha Trang học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nấu súp yến, chè yến, nước yến giải khát nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Đây cũng là hướng tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch trong mắt du khách. Năm 2016, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm lại tiếp tục thực hiện đề tài cấp tỉnh: “Mô tả thành phần, hàm lượng dinh dưỡng, chuẩn hóa quy trình chế biến truyền thống và sản xuất thí điểm nước yến sào Cù Lao Chàm”. Đề tài được triển khai trong vòng 18 tháng, dự kiến nghiệm thu vào cuối năm 2017, do kỹ sư Huỳnh Ngọc Diên, Phó trưởng phòng Văn phòng Du lịch sinh thái, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển chủ nhiệm.
Sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm chủ yếu được xuất khẩu, bán thô ra thị trường. Ảnh: Hoàng Liên |
Kỹ sư Huỳnh Ngọc Diên cho hay, đề tài nhằm tạo sản phẩm du lịch mới mẻ, đưa thương hiệu và sản phẩm yến sào tới đông đảo du khách đến với Cù Lao Chàm. Dù đây là mặt hàng cao cấp, việc xuất khẩu thô cho giá trị rất cao, song xu hướng “bình dân hóa” sản phẩm là cách thức đưa thương hiệu yến sào đến với người dân và du khách đến với Cù Lao Chàm, “xứ sở” của yến đảo. Theo đó, đề tài nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình chế biến nước yến giải khát dựa trên phương thức sản xuất truyền thống và kinh nghiệm dân gian. Tất cả công đoạn, từ việc kết hợp nguyên liệu, quy trình chế biến, hàm lượng dinh dưỡng, cách gia nhiệt, chế biến thực nghiệm, thu mẫu, phân tích các chỉ tiêu lý, hóa, sinh… đều được nghiên cứu kỹ lưỡng trong phòng thí nghiệm. Sản phẩm nước yến giải khát tạo ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có chất bảo quản, phụ gia, có hàm lượng dinh dưỡng cao, thành phần chủ yếu là yến thô, hạt sen, đường phèn, có thời hạn sử dụng trong vòng 1 tuần, kể từ ngày sản xuất nếu được đảm bảo độ lạnh thích hợp. “Chúng tôi dự kiến tạo ra 1.500 đơn vị nước yến, mẫu mã bao bì sẽ lựa chọn nguyên liệu giấy thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng nylon, hộp nhựa, sắt, kẽm… Việc đăng ký tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, trước tình trạng khan hiếm, đắt đỏ về mặt nguyên liệu đầu vào, sản phẩm tạo ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu quảng bá, phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm nói riêng và Hội An nói chung, chứ chưa hướng tới sản xuất hàng loạt, tạo sản phẩm hàng hóa” - kỹ sư Diên nói.
Đơn điệu sản phẩm du lịch từ yến sào. |
Ông Lê Đình Tường - Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An chia sẻ: Thời gian qua, việc áp dụng công nghệ sản xuất hàng loạt sản phẩm từ yến đã được tính đến, song khó khăn là đầu tư dây chuyền sản xuất vốn tốn kém, nguyên liệu đầu vào khan hiếm và khá đắt đỏ, sẽ khó cạnh tranh trên thị trường về đầu ra nếu sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, cơ chế hiện nay cũng rất khó, về cả con người lẫn công nghệ, chưa kể cần đảm bảo sự ổn định về mặt nguyên liệu để sản xuất bền vững. Với nước yến giải khát, đề tài cũng chỉ tạo sản phẩm du lịch mới mẻ, đáp ứng nhu cầu tại chỗ ở Cù Lao Chàm, xuất phát từ chủ trương của thành phố là ngoài xuất khẩu thô, cố gắng mở rộng thêm dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, quảng bá, nâng giá trị thương hiệu yến sào Cù Lao Chàm.
Bảo tồn, phát triển đàn yến
Xuất phát từ mục tiêu bảo tồn và phát triển đàn yến, đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển đàn chim yến theo hướng bền vững” do Phòng Kinh tế TP.Hội An chủ trì, Viện Khoa học & công nghệ phối hợp với Đội Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm thực hiện đã được xét duyệt, thuộc danh mục đề tài khoa học & công nghệ của tỉnh, bắt đầu triển khai thực hiện trong năm 2016. Hy vọng, từ sự vào cuộc của các nhà khoa học, kết quả từ đề tài sẽ tạo thuận lợi cho khâu phát triển, quản lý, khai thác yến Cù Lao Chàm theo hướng bền vững. Đề tài cũng là cơ sở để giúp thành phố có định hướng trong việc quản lý, phát triển đàn yến, tạo nguồn nguyên liệu bền vững trong xuất khẩu và sản xuất tại chỗ. |
Trước nguồn thu lớn mà sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm mang lại cũng như trước tình trạng khan hiếm và đắt đỏ về nguyên liệu yến thô hiện nay, khâu bảo tồn và phát triển đàn yến Cù Lao Chàm trở nên cấp thiết. Điều này được đội ngũ cán bộ thuộc Đội Khai thác và quản lý yến sào Cù Lao Chàm thực hiện nhiều năm nay, song chủ yếu dừng lại ở kinh nghiệm truyền thống. Ông Lê Bình - Đội trưởng Đội Khai thác và quản lý yến sào Cù Lao Chàm thông tin: “Việc bảo tồn đàn yến, đội đã làm nhiều năm nay. Chúng tôi đã áp dụng kinh nghiệm dân gian, truyền thống như cơi nới hang, cơi nới đàn yến, can thiệp giảm độ yến rụng, giảm con nở rơi chết, giảm rụng tổ trong mùa nam… Song việc làm này khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt, việc nhân đàn rất khó, lại chỉ áp dụng theo kinh nghiệm truyền thống, dân gian nên hiệu quả chưa cao. Cần có người am hiểu về yến, có công nghệ dẫn dụ yến di cư sang làm tổ tự nhiên ở các đảo lân cận để phát triển đàn yến mới, giảm tải đàn ở những hang truyền thống”. Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển đàn yến càng trở nên cấp bách hơn khi 5 năm trở lại đây, sản lượng yến khai thác hằng năm sụt giảm đáng kể, hiện tượng yến giảm số lượng đàn ở các hang đảo Cù Lao Chàm rất đáng lo ngại. Theo ông Lê Bình, có nhiều nguyên nhân như: yến rụng tổ trong mùa nam, yến con bị chết nhiều do khát nước, yến già chưa kịp tái sinh, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… Một thực trạng nữa là yến nuôi nhà, yến đảo có sự lẫn lộn, phức tạp. Tình trạng dụ yến về đồng bằng xây tổ diễn ra phổ biến ở đất liền.
Được biết, cuối năm 2015, Đội Khai thác và quản lý yến sào Cù Lao Chàm đã tiến hành thử nghiệm ADN bất kỳ trên đàn yến đảo và đàn yến nuôi trong TP.Hội An, quá trình kiểm tra ADN cho thấy có những tương đồng về mặt di truyền giữa những cá thể yến nhà và yến đảo. “Kết luận ban đầu này là cơ sở đặt ra cho chính quyền TP. Hội An trong việc tăng cường quản lý, kiểm soát về mặt nhà nước trước các tình trạng nhân nuôi, dụ yến đảo về xây tổ tràn lan như hiện nay. Thành phố cần có sự thống kê, quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở nuôi nhân tạo, chỗ nào cho phép nuôi, chỗ nào không, có như vậy mới bảo vệ được đàn chim, đảm bảo an toàn, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh giữa các đàn yến và ô nhiễm môi trường” - ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, việc quản lý, bảo vệ đàn yến là nhiệm vụ thường xuyên được thành phố quan tâm. Các nhà khoa học đến bắt chim, ghi số tổ, giúp cho đội tiện bề quản lý; mùa khai thác yến được quy định cụ thể, mỗi năm 2 kỳ. Kỳ 1 được tiến hành khi chim làm tổ được 50% số trứng, việc khai thác trong những tháng này giúp chim đảm bảo đủ sức làm tổ kỳ 2. Kỳ 2 được tiến hành khi chim ấp nở, chim con bay đi rồi mới vào khai thác…
HOÀNG LIÊN