Đảm bảo quy trình quản lý trẻ sơ sinh

CHÂU NỮ 16/03/2016 08:31

Sau khi xảy ra sự việc trao nhầm trẻ sơ sinh trước đây ở một số địa phương, chúng tôi tìm hiểu quy trình trao trẻ sơ sinh ở một số bệnh viện tại Quảng Nam  và được biết, việc quản lý trẻ sơ sinh tại các bệnh viện trong tỉnh được thực hiện khá nghiêm ngặt, không xảy ra trường hợp trao nhầm trẻ.

Từ trước đến nay, quy trình quản lý trẻ sơ sinh đã được ngành y tế quan tâm để hạn chế tối đa trường hợp nhầm lẫn, gây hậu quả lâu dài. Hơn nữa, theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), từ năm 2015 đến nay, các bệnh viện trong tỉnh đã triển khai chương trình “da kề da” theo chủ trương của Bộ Y tế, nên trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh chắc chắn không xảy ra. Theo đó, sau khi chào đời, chưa cắt rốn, trẻ đã được đặt ngay lên bụng - ngực mẹ. Cách làm này vừa tránh tình trạng trao nhầm trẻ sơ sinh, vừa tạo sợi dây gắn kết tình cảm giữa mẹ và con. Đối với các bệnh viện lớn tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 ca sinh, nên quy trình quản lý trẻ sơ sinh càng nghiêm ngặt hơn để không xảy ra tình trạng trao nhầm trẻ. Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - phụ trách Khoa Phụ sản BVĐK Quảng Nam cho biết, đơn vị đã áp dụng chặt chẽ quy trình quản lý, tiếp nhận, bàn giao và chăm sóc trẻ sơ sinh từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, khi áp dụng phương pháp da kề da, kể cả đối với những sản phụ sinh mổ, càng khó xảy ra trường hợp nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Sản phụ được thông báo giới tính của con khi trẻ chào đời; ngay sau đó mẹ và con được nằm cạnh nhau ngay cả trong thời gian mẹ nằm phòng hồi sức. Ngoài ra, sản phụ và trẻ đều có vòng đeo, ghi tên sản phụ, được đeo khi vừa sinh xong và vòng này được đeo cho đến khi xuất viện.

Về băn khoăn của nhiều sản phụ, liệu có trường hợp nhầm trẻ sau sinh, như khi đưa trẻ đi tắm chẳng hạn, bà Huỳnh Thị Phương Thanh - Điều dưỡng trưởng Khoa Phụ sản BVĐK Quảng Nam cho biết, ở bệnh viện, việc tắm trẻ cũng thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Khi tắm trẻ, mỗi điều dưỡng tắm cho từng bé, xong bé này, bàn giao cho mẹ mới tắm bé khác. Sản phụ Nguyễn Thị Tình (Bình Nguyên, Thăng Bình) vừa sinh con bằng phương pháp sinh mổ chia sẻ, mấy hôm trước, sắp sinh mà lại nghe thông tin về trường hợp trao nhầm con chị cũng cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, sau khi mổ lấy thai, bác sĩ đặt con ngay trên bụng mẹ nên chị hoàn toàn yên tâm.

Còn bác sĩ Phan Văn Toàn - Trưởng khoa Sản BVĐK miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, số lượng sản phụ sinh ở bệnh viện không nhiều, bình quân mỗi ngày khoảng 10 ca và cũng ít có trường hợp 2 - 3 sản phụ sinh cùng lúc. Bệnh viện cũng đã ứng dụng phương pháp da kề da nên việc quản lý trẻ sơ sinh đảm bảo an toàn, nên chắc chắn không xảy ra trường hợp trao nhầm trẻ. “Còn đối với những trường hợp phải cách ly mẹ con do bệnh tật, trẻ được bàn giao cho người nhà. Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều nên cũng không thể xảy ra chuyện nhầm lẫn” - bác sĩ Toàn thông tin.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ