Lấn chiếm đất rừng trái phép: Xử lý thiếu triệt để
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2016 diễn ra cuối tuần qua, ngành kiểm lâm và các địa phương nhìn nhận: tình trạng lấn chiếm đất rừng tự nhiên để sản xuất tiếp tục tái diễn phức tạp nhưng các biện pháp xử lý, ngăn chặn vẫn thiếu triệt để.
Băm nát vùng giáp ranh
Một “núi” việc đã được ngành kiểm lâm liệt kê thực hiện trong thời gian qua. Nổi lên là việc kiểm soát phương tiện tàu thuyền hoạt động trong các lòng hồ thủy điện theo tinh thần Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 2.2.2015 và kiểm tra, xử lý nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép theo Chỉ thị số 17/2015-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh. Xác định vùng giáp ranh vẫn là “tâm điểm” phá rừng nên chính quyền 5 huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh và Hiệp Đức đã thống nhất bàn bạc quy chế phối hợp giữ rừng. Thêm nữa, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai gấp rút các đề án, phương án cắm mốc ranh giới lâm phận các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Đánh giá về công tác quản lý rừng năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thẳng thắn thừa nhận, dù số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản tịch thu giảm, các “điểm nóng” phá rừng dai dẳng khu vực rừng đầu nguồn các công trình thủy điện và rừng đặc dụng được ngăn chặn, nhưng số vụ khởi tố hình sự liên quan đến xâm hại tài nguyên rừng tăng hơn 46%. Trong khi đó, ở nhiều vùng giáp ranh xuất hiện khá phổ biến tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên để mở rộng diện tích sản xuất nhưng lấn cấn giải pháp xử lý. Nhiệm vụ phát triển rừng hầu hết lại đạt thấp so với kế hoạch, đặc biệt là loại rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Hiện trường đốt rừng phòng hộ để mở rộng diện tích sản xuất tại khu vực rừng đầu nguồn Đông Tiển (xã Bình Trị, Thăng Bình) cách đây 3 năm. Ảnh: T.H |
Đầu tháng 3 này, chúng tôi tiếp cận khu vực xâm hại rừng “nhạy cảm” tại xã Trà Đông (Bắc Trà My) và ghi nhận sự lúng túng giải quyết hậu quả của chính quyền. Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đông, toàn bộ diện tích rừng hơn 100ha được quy hoạch rừng tự nhiên, nhưng kiểm tra hiện trạng lại thuộc rừng sản xuất. Từ năm 2013, đoàn công tác của huyện về hiện trường kiểm tra thì tình trạng phá rừng xảy ra tràn lan, nhưng không tìm ra đối tượng. Tại vùng giáp ranh này, có người dân bên phía xã Tiên Lập (Tiên Phước) qua xâm lấn trồng rừng. Trong khi đó, ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, có hàng trăm héc ta đất rừng trên địa bàn xã Trà Đông bị xâm lấn trồng cây trái phép. Hiện nay, chính quyền đã thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý đầu tiên tại Trà Đông. Trước mắt, xử lý 10 hộ phá rừng trái phép với diện tích 14,7ha. Phương án là yêu cầu các hộ trồng lại rừng, về cây trồng thì giao cho xã khai thác. Còn với đất không xác định đối tượng, giao về xã quản lý. “Vùng giáp ranh giữa Bắc Trà My với 4 huyện lân cận quá phức tạp bởi thực trạng xâm lấn đất rừng” - ông Nhuần nói.
Lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xử lý việc trồng cây trên phần đất lấn chiếm trái phép. |
Thiếu triệt để
Gần chục năm nay, nạn xâm canh xâm cư trái phép khu vực rừng tự nhiên giáp ranh giữa xã Phước Hiệp (Phước Sơn) và Hiệp Hòa (Hiệp Đức) diễn ra ngang nhiên. Trong đợt truy quét vào năm 2015, ngành chức năng của huyện Phước Sơn phát hiện khu vực này bị xóa sổ hàng trăm héc ta rừng. Từ rừng phòng hộ đa dạng sinh học bỗng chốc bị biến thành khu rừng sản xuất của người dân. Xâm canh đất rừng trái phép kéo dài song chính quyền xã Phước Hiệp gần như lực bất tòng tâm. |
Thực hiện Chỉ thị số 17/2015-UBND ngày 18.8.2015, đến nay lực lượng kiểm lâm và chính quyền thống kê có 432 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích hơn 4.242ha. Trong đó, chủ yếu tập trung trong lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh với 3.566ha. Đất rừng bị xâm lấn với diện tích “khủng” nhưng chỉ xử lý 188 vụ vi phạm với diện tích 276ha. Số vụ khởi tố quá khiêm tốn, như Phú Ninh mới khởi tố 2 vụ với diện tích gần 3ha, Đại Lộc 8 vụ (hơn 19ha), Bắc Trà My 8 vụ (105ha)... Theo quy định, nếu phát hiện đất rừng tự nhiên, phòng hộ bị san ủi, các cơ quan chức năng lập tức phải xử lý, yêu cầu đối tượng phá hoại trồng lại rừng thay thế, nhưng việc triển khai thực hiện rất chậm. Tồn tại lớn nhất là nhiều vụ phá rừng trái phép được phát hiện song chưa tìm ra “thủ phạm” nên dây dưa xử lý. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá: “Quá trình rà soát, thống kê diện tích, cây trồng trên đất vi phạm và thực hiện phương án xử lý tài sản cây trồng trên đất, cũng như quản lý diện tích đất sau thu hồi và phương án trồng lại rừng ở nhiều địa phương quá ì ạch”.
Một quả đồi ở Trà Nú (Bắc Trà My) bị người dân san bằng để lấy đất sản xuất. |
Vì lấn cấn xử lý cây trồng trên đất lấn chiếm nên nảy sinh tranh chấp sử dụng đất rừng dai dẳng. Đơn cử, trước đây UBND tỉnh giao cho Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam diện tích trồng rừng lớn tại xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) nhưng do doanh nghiệp này quản lý lỏng lẻo, bị người dân địa phương xâm lấn canh tác cây trồng kéo dài suốt thời gian dài. Tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh... gần 10 năm nay, chính quyền gần như bất lực trước xử lý tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ. Trong khi đó, tại các lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 5, ghe thuyền không đăng ký, đăng kiểm, không đủ điều kiện hoạt động đường thủy nội địa vẫn lén lút chở gỗ lậu.
Về nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng năm 2016, ngành kiểm lâm ưu tiên hoàn thiện đề án “Thành lập Chi cục Kiểm lâm trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp”; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác kiểm kê rừng gắn với công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020; đề xuất hỗ trợ nguồn kinh phí để cắm mốc thực địa rừng, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các dự án trồng rừng tài trợ, tăng cường công tác phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Sắp xếp bộ máy quản lý rừng tinh gọn “Tôi yêu cầu ngành kiểm lâm và chính quyền các địa phương tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17/2015/CT-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh về xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện sắp xếp lại bộ máy quản lý rừng tinh gọn, hiệu quả...”. Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn Trần Văn Noa: Hỗ trợ kinh phí cắm mốc rừng trên thực địa “Để tránh những vướng mắc, phát sinh sau này khi thu hồi đất, đề nghị tỉnh phân loại chi tiết 3 loại rừng, gấp rút cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với các dự án trồng rừng. Thêm nữa, ngân sách cần hỗ trợ kinh phí cắm mốc rừng trên thực địa. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà: Gỡ bất cập trong giao khoán bảo vệ rừng “Với những dự án trồng rừng kém hiệu quả trước đây như chương trình 661 hay 327, tỉnh cần phải thu hồi đất sớm giao lại cho nhân dân có nhu cầu sản xuất. Về giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng của Nghị định 99/2010/NĐ-CP, phải khẩn trương điều chỉnh, tháo gỡ ngay bất hợp lý giao theo lãnh thổ. Tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắc Mi, khó khăn là nếu cấm ghe thuyền qua lại thì Nhà nước phải làm đường dân sinh để dân đi lại sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Nguyễn Nhuần: Xử lý nghiêm cán bộ bảo vệ rừng Người dân địa phương mong muốn các cơ quan thực thi pháp luật phải giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm cán bộ bảo vệ rừng công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh để răn đe. Đối với diện tích trồng rừng trên phần đất lấn chiếm trái phép, sẽ giao cho chính quyền xã quản lý, khai thác. |
TRẦN HỮU