Người lái xe múc cần mẫn

DUNG THÙY 09/03/2016 09:51

Sáu tháng ròng dựng lều ngủ rừng một mình, quần quật với chiếc xe múc làm nhiệm vụ xẻ núi, mở đường nối từ trung tâm xã đến với làng Tapyêu (thôn 3 - 4, xã Trà Vinh, Nam Trà My), anh Lê Trường Thuyết (38 tuổi, huyện Tiên Phước) được dân làng yêu mến và biết ơn quá đỗi.

Con đường mòn hiểm trở

Thôn 3 và 4 nằm dưới chân núi Ngok Ply (giáp với tỉnh Kon Tum) bao phủ bởi sương mù giá lạnh. Đây là hai thôn thuộc diện xa xôi, nghèo nhất của xã miền núi Trà Vinh. Về bản Tapyêu giống như về nơi cùng trời cuối đất. Con đường mòn dẫn vào bản khúc khuỷu và hiểm trở những dốc lên, dốc xuống khiến người đi không khỏi thót tim. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Ca Dong. Đường sá chưa có khiến giao thương bên ngoài gặp nhiều khó khăn, trong khi đời sống bà con chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng và cây sắn trên nương. Bởi vậy, cái đói, cái nghèo cứ thế đeo bám họ.

Từ ngày anh Thuyết về mở con đường bà con rất phấn khởi. Mỗi lần cán bộ xã lên vận động người dân đi phát cây làm đường thì y như rằng tất mọi người từ già trẻ, lớn bé đồng lòng hồ hởi vác rựa đi theo. “Nghe cán bộ vào tận bản thông báo sẽ mở đường ra xã mọi người vui mừng, khuôn mặt ai cũng rạng ngời”- ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vinh cho biết. Kinh phí làm đường được huy động đóng góp từ dân, cán bộ xã, giáo viên tổng cộng 63 triệu đồng. Ngoài ra, UBND huyện Nam Trà My cũng hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.

Hàng ngày anh Lê Trường Thuyết quần quật bên chiếc xe múc, xẻ núi san đường. Ảnh: D.T
Hàng ngày anh Lê Trường Thuyết quần quật bên chiếc xe múc, xẻ núi san đường. Ảnh: D.T

Ngày lên nhận công việc, nhìn núi rừng hiểm trở, khe suối ngổn ngang, anh Thuyết e ngại. “Ban đầu tôi không đồng ý làm con đường này nhưng nhìn ánh mắt nài nỉ của bà con dân bản cộng với lời thuyết phục của cán bộ xã khiến tôi gật đầu” - anh Thuyết bộc bạch. Đường vào thôn 4 vô cùng khó khăn, người dân cứ men theo các sườn núi mà đi, đi miết rồi thành cái đường mòn. Trước đây, từ trung tâm xã Trà Vinh muốn lên thôn 4 phải đi bộ đường rừng mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Vận chuyển hàng hóa chỉ bằng cách duy nhất là bốc vác bằng sức người.

Dân bản có đường đi rồi!

Nhận lời tham gia mở đường vô bản, hàng ngày anh Thuyết lái xe, múc từng đoạn đường rừng. Một ngày, anh chỉ san bằng được 50m đường rừng với bề rộng 3m, chỗ cua ngoằn nghèo phải mở rộng tới 4m. Theo ước tính để hoàn thành 1km đường anh phải mất 20 ngày làm, chưa tính công chặt phát cây. Đều đặn suốt 6 tháng qua, một mình anh Thuyết cần mẫn lái xe múc đất, đá, rễ cây biến con đường mòn nhỏ, hẹp thành con đường đất rộng rãi. “Núi có cao hay ngoằn ngoèo thì cũng phải xử lý cho tiện đi lại” - anh Thuyết quyết tâm. Công việc vất vả là vậy nhưng tối đến anh phải làm lều ngủ tạm trong rừng.

Một con đường dài 5km được mở ra, nhìn con đường vắt vẻo trên núi, bà con vui lắm. Tuy chỉ là đường đất đỏ nhưng họ vẫn háo hức mỗi lần ra trung tâm xã. Mấy đứa trẻ vui bước đến trường.“Dân bản có đường đi rồi! Con tôi đi học bán trú đỡ vất vả hơn trước” - anh Hồ Văn Lai (thôn 4) cho hay.

Anh Thuyết cho biết khó khăn nhất vẫn là khâu nạp nhiên liệu cho xe hoạt động, để vận chuyển dầu từ trung tâm xã vào bản chỉ có cách duy nhất là thồ bằng xe máy.  “Có hôm trời mưa, đường dốc trơn trượt đi bộ còn bấm chân huống gì đẩy thêm chiếc xe máy chở dầu” - anh Thuyết kể lại. Với những người làm công việc lái xe múc thì sợ nhất vẫn là lúc con ngựa sắt gặp trục trặc hay sự cố. Với kinh nghiệm lái xe múc hơn 10 năm, nhận lời làm đoạn đường này đã là một thử thách lớn đối với anh. Anh Thuyết tâm sự: “Những ngày tháng ăn hang ở hố, kè kè bên máy xúc, những đoạn cắt cua giờ không còn là vấn đề. Làm xong, mong bà con đi lại không kêu ca gì là hạnh phúc lắm rồi”.

Ông Nguyễn Thanh Chiêm - trưởng thôn 4 cho hay, cả thôn ai cũng nể phục anh Thuyết. Hồi xưa người dân ra trung tâm xã đi bộ thôi mà rất khó khăn, huống gì anh ấy lái xe múc núi mở đường mấy tháng ròng. Bà con ai cũng phấn khởi vì có đường rộng vào thôn nên biết ơn anh Thuyết lắm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vinh - Nguyễn Hữu Quang, con đường kéo dài từ trung tâm xã đến tận nóc Tapyêu hơn 8km, thế nhưng vì kinh phí quá eo hẹp nên mới khai mở được 5km thì “sạch trơn”. “Con đường dang dở, cán bộ chúng tôi sẽ tiếp tục xin tiền từ các nguồn tài trợ để hoàn thành”- ông Quang quả quyết và nói thêm: “Với những gì anh Thuyết  cố gắng trong suốt thời gian qua chúng tôi sẽ đề nghị UBND huyện khen thưởng cho anh Thuyết”.

DUNG THÙY

DUNG THÙY