Sôi nổi giải đấu cho ngày 8.3

TƯỜNG VY 08/03/2016 09:35

Giải Bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam cúp Nyna lần thứ II năm 2016 vừa kết thúc sau 4 ngày tranh tài. Sôi nổi, hấp dẫn và nhiều bất ngờ là những ấn tượng của giải đấu năm nay.

  • Giải Bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam cúp Nyna lần thứ II năm 2016: Tam Kỳ và Nam Giang đoạt chức vô địch
  • Giải bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam cúp Nyna lần thứ II năm 2016: Xác định 4 đội vào chung kết
  • Khai mạc giải bóng chuyền nữ tỉnh cúp Nyna lần thứ II năm 2016
Mỗi trận đấu tại Giải Bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam cúp Nyna lần thứ II năm 2016 đều thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ. Ảnh: T.VY
Mỗi trận đấu tại Giải Bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam cúp Nyna lần thứ II năm 2016 đều thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ. Ảnh: T.VY

Hưởng ứng tích cực

Đến hẹn lại lên, chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, sân chơi dành cho phái nữ đam mê bóng chuyền trên cả tỉnh lại được mở (từ ngày 3 đến 6.3). Năm nay, giải do Sở VH-TT&DL phối hợp với Hội LHPN tỉnh và địa phương đăng cai - huyện Thăng Bình tổ chức. Lần thứ 2 liên tiếp giải nhận được sự tài trợ của Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại Nyna. Công tác tổ chức chu đáo, giải vô địch có mức thưởng 7 triệu đồng là động lực tinh thần giúp cho các đội bóng thi đấu quyết tâm hơn.

Bóng chuyền nữ là một trong những giải đấu truyền thống nhiều năm qua và ngày càng có sức lan tỏa khá lớn đối với các địa phương, nhà tài trợ cũng như khán giả. Năm nay cũng là lần đầu tiên, giải có sự góp mặt của đông đủ 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng. Ở khối các huyện miền núi, dù gặp không ít khó khăn về lực lượng, kinh phí nhưng sân chơi này vẫn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương khi có đến 7 đội bóng tham gia (vắng Phước Sơn và Hiệp Đức).

Sau 3 năm kể từ năm 2012, bóng chuyền nữ mới trở lại huyện Thăng Bình. Vì vậy, “cơn khát” của người dân nơi đây thấy rất rõ khi những trận đấu đầu tiên của giải đã có rất đông khán giả đến dự xem, cổ vũ. Có thể nói, cùng với Quế Sơn, Thăng Bình là “cái nôi” của phong trào bóng chuyền nữ cả tỉnh về chất lượng phong trào lẫn sức hút đối với người dân. Ở những giải đấu tổ chức tại địa phương khác, khán giả Thăng Bình vẫn luôn chiếm số lượng áp đảo trên sân với không khí cổ vũ cuồng nhiệt. Sân Trung tâm VH-TT và sân Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thăng Bình những ngày giải diễn ra thường xuyên chật kín người xem. Không còn chỗ dưới sân, nhiều khán giả phải bu bám trên tường rào, cây xanh, thậm chí còn trèo lên cả trên mái nhà Trung tâm VH-TT huyện để có thể xem được các trận đấu.

Hấp dẫn và bất ngờ

Đội bóng Tam Kỳ lần đầu tiên đoạt cúp vô địch giải năm 2015 đã phá tan thế cuộc “song mã đua tranh” vốn tồn tại cả chục năm qua giữa Quế Sơn và Thăng Bình. Giải năm nay, các cô gái Tam Kỳ được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi hậu, nhất là họ có thêm một vài gương mặt mới chất lượng. Trong khi đó, bất ngờ lớn đã xảy ra ở trận bán kết khi đội Quế Sơn đánh bại chủ nhà Thăng Bình bằng một tỷ số chênh lệch 3 - 1. Có lẽ sự kỵ rơ giữa 2 đội khiến cho Thăng Bình thường xuyên bị gục ngã trước đội bóng láng giềng ngay cả khi được chơi trên sân nhà (Thăng Bình từng 2 lần thua Quế Sơn trong trận chung kết ngay tại sân Trung tâm VH-TT huyện Thăng Bình).

Tuy nhiên, ở trận chung kết, đội bóng nắm giữ kỷ lục nhiều lần giành ngôi vô địch nhất tỉnh không thể tiếp tục tạo nên bất ngờ khi đối đầu với Tam Kỳ. Giải năm nay, vắng chủ công Lê Thị Thanh Yên, đội Quế Sơn dựa vào một mình Nguyễn Thị Mỹ - vận động viên có trình độ chuyên môn và khả năng dứt điểm tốt. Thế nên, trước một đội bóng đồng đều, công thủ toàn diện với nhiều vận động viên xuất sắc như Y Huệ, Nguyễn Thị Hoa, Đặng Thị Thúy, mặc dù rất nỗ lực trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhưng các cô gái Quế Sơn chỉ có thể bám đuổi trong thời gian đầu mỗi hiệp trước khi buông xuôi ở giai đoạn cuối và chấp nhận thất bại 0 - 3. Dù vậy, giải nhì cũng đã là thành tích vượt chỉ tiêu của các cô gái Quế Sơn (giải ba thuộc về Thăng Bình và Duy Xuyên).

Ở nội dung khối huyện miền núi, cũng như giải năm 2015, trận chung kết năm nay không ai khác ngoài hai gương mặt đã quá quen thuộc trong nhiều năm gần đây là Bắc Trà My và Nam Giang. Dường như đã quá hiểu nhau nên trận đấu diễn ra khá cân tài ngang sức trong sự cổ vũ sôi nổi của khán giả. Dù vậy, bản lĩnh và trình độ chuyên môn có phần nhỉnh hơn đã giúp cho các cô gái Nam Giang giành chiến thắng thuyết phục với tỷ số 3 - 1. Như vậy, Nam Giang đã trả được món nợ trước đây khi để thua Bắc Trà My ở 2 mùa giải liên tiếp của năm 2014 và 2015. Bên cạnh chiếc cúp vô địch (giải ba thuộc về Nông Sơn và Nam Trà My), đội Nam Giang còn có được 2 phần thưởng cá nhân là vận động viên xuất sắc nhất, libero xuất sắc nhất toàn giải (cả khối đồng bằng và miền núi).

Nhìn chung, giải đấu năm nay cho thấy càng ngày phong trào bóng chuyền nữ càng có chất lượng. Hầu hết các đội bóng đều có sự chuẩn bị chu đáo để dự giải, thi đấu nhiệt tình, nỗ lực vì màu cờ sắc áo địa phương. Sự cổ vũ cuồng nhiệt của khá đông khán giả đến từ các địa phương, đặc biệt là Thăng Bình và Quế Sơn đã góp phần cho giải đấu thành công. Qua giải đấu này tạo thêm động lực cho phong trào tập luyện thể thao phát triển, đồng thời là món quà ý nghĩa cho phái nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.

TƯỜNG VY

TƯỜNG VY