Tìm hiểu pháp luật về bầu cử

(Theo tài liệu do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn) 08/03/2016 09:17

HỎI: Đơn vị bầu cử là gì? Có bao nhiêu loại đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp?

TRẢ LỜI: Đơn vị bầu cử là khái niệm chỉ một phạm vi địa lý hành chính với số dân cư nhất định, được bầu một số lượng đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân xác định.

Đơn vị bầu cử gồm các loại sau:

1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.

2. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.

3. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện.

4. Xã, phường, thị trấn được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.

HỎI: Việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử được tiến hành như thế nào?

TRẢ LỜI: Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được tính căn cứ theo số dân, số đại biểu được bầu do Hội đồng Bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.

Số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban Bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.

HỎI: Số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được quy định như thế nào?

TRẢ LỜI: Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 3 đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được bầu không quá 5 đại biểu.

(Theo tài liệu do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn)

(Theo tài liệu do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn)