Triển khai sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em: Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe sinh sản

P.GIANG - N.DƯƠNG (thực hiện) 07/03/2016 10:41

UBND tỉnh vừa có văn bản thống nhất chủ trương triển khai sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (SKBM&TE) trên địa bàn tỉnh.

Đây là một trong những việc làm nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc SKBM&TE, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới này tại tuyến y tế cơ sở. Liên quan đến công tác triển khai hoạt động này, Báo Quảng Nam có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Thị Nha, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Sở Y tế.

- PV:Vì sao cần thiết triển khai sử dụng công tác này thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Nha: Theo thông tin từ Bộ Y tế, sổ theo dõi SKBM&TE được triển khai tại Nhật Bản với gần 70 năm kinh nghiệm, thu được nhiều kết quả tích cực trong cải thiện và được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Sổ theo dõi SKBM&TE là công cụ theo dõi và chăm sóc liên tục SKBM&TE trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi. Sổ gồm có 4 phần: Phần 1 (các thông tin cơ bản), phần 2 (chăm sóc thai nghén), phần 3 (chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh) và phần 4 (chăm sóc sức khỏe trẻ em). Đối tượng sử dụng gồm bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình (để tìm hiểu thông tin, nâng cao kiến thức, hiểu biết để tự theo dõi, chăm sóc SKBM&TE tại nhà và ghi chép kết quả theo dõi vào sổ) và cán bộ y tế (để tư vấn, chăm sóc SKBM&TE, ghi chép kết quả khám và điều trị cho bà mẹ, trẻ em vào sổ; tham khảo kết quả khám và điều trị các lần trước và các thông tin do gia đình ghi trong sổ...).

Cấp Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em không chỉ giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế, nhân viên y tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ nhỏ. Ảnh: P.G
Cấp Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em không chỉ giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế, nhân viên y tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ nhỏ. Ảnh: P.G

- PV: Được biết, ngay từ năm 2014, Quảng Nam đã tổ chức triển khai cấp sổ theo dõi SKBM&TE. Việc làm này đã mang lại những lợi ích gì, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Nha: Tại Quảng Nam, đến nay đã có hơn 8.000 sổ theo dõi SKBM&TE đã được cấp phát tại các huyện đồng bằng và tại thị trấn của các huyện miền núi, học tập theo mô hình thí điểm của JICA ở 4 tỉnh triển khai dự án. Việc này bước đầu đã mang lại khá nhiều hiệu quả tích cực. Không chỉ tăng cường năng lực quản lý, giám sát của ngành ở cấp tỉnh, việc triển khai cấp sổ theo dõi SKBM&TE còn giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế, nhân viên y tế, nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ nhỏ. Đây cũng là biện pháp để tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về chăm sóc SKBM&TE.

Như một hồ sơ sức khỏe
Sổ theo dõi SKBM&TE không chỉ là cuốn sổ theo dõi sức khỏe thông thường mà như là cuốn cẩm nang phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khi thai nghén, trong và sau khi sinh; theo dõi và chăm sóc trẻ em liên tục từ sơ sinh cho tới 6 tuổi. Đặc biệt, nó có thể thay thế cho nhiều loại sổ sách, hữu ích đối với người sử dụng, tránh lãng phí thời gian ghi chép, theo dõi của cán bộ y tế, đồng thời cung cấp cho các bà mẹ những kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho mình và cho con. Điều tiện lợi hơn là cuốn sổ có thể mang đi bất cứ đâu, theo sát với người mẹ và trẻ như một hồ sơ sức khỏe, bất cứ lúc nào cũng có thể tham khảo, tra cứu.
Những biểu đồ theo dõi chiều cao, cân nặng của bé, lịch tiêm chủng, hướng dẫn xử trí các bệnh, tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ, ghi chép khám sức khỏe thường kỳ của trẻ... không chỉ là những nội dung thiết thực mà còn mang trong đó ý nghĩa cao đẹp của tình mẫu tử. Ngay những trang đầu tiên của cuốn sổ này đã chứa những thông điệp cao đẹp: “Những thông tin ghi trong sổ này thể hiện sự chăm sóc sức khỏe của gia đình, của cán bộ y tế và của xã hội đối với cháu. Cháu sẽ biết được mình lớn lên như thế nào nhờ sự chăm sóc của mọi người xung quanh. Các cháu được lớn lên khỏe mạnh với mong muốn sẽ góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển, mạnh giàu và thịnh vượng”.(L.V)

- PV:Thời gian tới, công tác cấp sổ theo dõi SKBM&TE sẽ được mở rộng đến các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo bà, sẽ có những khó khăn gì nảy sinh khi triển khai cấp sổ ở các địa bàn này. Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản đã có giải pháp gì cho những khó khăn đó?

- Bà Nguyễn Thị Nha: Hiện tại việc mở rộng sổ theo dõi SKBM&TE còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về chuyên môn cũng như nguồn kinh phí. Tại Quảng Nam, việc cấp sổ tại các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế do trình độ dân trí thấp, điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế của người đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn. Năm 2016, các chương trình mục tiêu quốc gia bắt đầu cắt giảm nên sẽ rất khó khăn cho ngành y tế. Đối với những thách thức về chuyên môn, Bộ Y tế cũng đang thống nhất các giải pháp nhằm chuẩn hóa công cụ theo dõi, chăm sóc và ghi chép về SKBM&TE, từng bước đưa sổ vào sử dụng thường quy trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam. Năm 2015, toàn tỉnh có gần 22.000 phụ nữ mang thai, nhưng tỷ suất tai biến sản khoa vẫn còn 8,28/1.000 ca đẻ. Năm 2016, ngành y tế phải nỗ lực cấp sổ theo dõi SKBM&TE rộng rãi nhất đến với các bà mẹ mang thai. Do đó, đối với khó khăn về kinh phí, chúng tôi sẽ đồng thời huy động các nguồn lực từ ngân sách, xem xét việc xã hội hóa, lồng ghép vào các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế để từng bước mở rộng việc triển khai sổ theo dõi SKBM&TE...

- PV:Xin cảm ơn bà!

 P.GIANG - N.DƯƠNG (thực hiện)

P.GIANG - N.DƯƠNG (thực hiện)