Gian nan đường đến giảng đường

THU SƯƠNG  - DUNG THÙY 07/03/2016 09:53

Ba mất khi chưa đầy 9 tuổi, 1 tháng sau chị gái phải mổ tim bẩm sinh, 1 năm sau bản thân bị chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống, mới đây nhất mẹ đang mắc bệnh tim lại mang thêm bệnh gai cột sống, em út phải đưa vào Trung tâm bảo trợ trẻ em. Hoàn cảnh éo le là vậy nhưng Phan Thị Nhật (SN 1997, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) vẫn miệt mài với con chữ để được ngồi trên giảng đường đại học.

Bà Lê Thị Kim, mẹ Nhật kể, khi chồng mất, con gái đầu (Phan Thị My, SN 1994) lại bị bệnh tim bẩm sinh ốm yếu nên Nhật thường xuyên cùng bà làm việc đồng áng. Dù tuổi còn nhỏ nhưng Nhật rất xông xáo, tát nước ruộng lúa hay nấu ăn, quét dọn nhà cửa, em đều đảm đương gọn gàng. Năm 2007, Nhật có dấu hiệu khó thở, thường xuyên bị ngất, đến bệnh viện khám chẩn đoán bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng đa dạng, đặc biệt co rút các khớp xương làm em không tăng về chiều cao. Những ngày bệnh trở nặng, bất lực nhìn em thoi thóp thở, ngay cả giấc ngủ cũng không hề bình yên khiến người mẹ nghèo càng thêm nghẹn lòng. Thương con, bà nói nên nghỉ học. Nhưng giữa những đợt điều trị, cô bé mới 10 tuổi khi ấy vẫn kiên quyết chăm chỉ đến lớp. Cứ thế, 9 năm qua, Nhật tới lui giữa trường và bệnh viện. Xót cảnh mẹ phải vất vả, từ năm lớp 10, Nhật đã tự lập trong việc đi học, đi khám bệnh. “Có năm, bé Nhật nằm viện nhiều hơn đi học. Nhiều hôm, đang ở trên lớp bệnh tái phát, thầy cô, bạn bè lại tất tả đưa đi cấp cứu. Cấp 3, mỗi tháng một lần Nhật lại đạp xe gần 20km để đón xe buýt ra Đà Nẵng tái khám, con bé sợ mẹ phải bỏ công một ngày; con bé tính đi hai người tiền xe, tiền ăn nhiều gấp đôi nên nó không chịu mẹ đi cùng. Mỗi lần nhận điện thoại nói con nhập viện thì lại run tim”- bà Kim nhớ lại. Mặc dù sức khỏe không cho phép nhưng nhiều năm liền Nhật vẫn là học sinh giỏi, những năm cấp hai em còn là học sinh giỏi nhất khối. Em được giấy khen học sinh nghèo vượt khó từ Sở LĐ-TB&XH; Hội Khuyến học huyện Thăng Bình và xã Bình Dương; học bổng “Bạn tôi người vượt khó” của báo Tuổi trẻ. Nhật chia sẻ ước mơ ban đầu của em là trở thành bác sĩ, muốn đem đến niềm vui khỏe cho nhiều người, em luôn phấn đấu vì điều đó.

Phan Thị Nhật bận rộn công việc nhà giúp mẹ mỗi lần về quê. Ảnh: T.S
Phan Thị Nhật bận rộn công việc nhà giúp mẹ mỗi lần về quê. Ảnh: T.S

Nhưng trước kỳ thi, bệnh lại trở nặng, tưởng chừng không qua khỏi. “Xuất viện rồi, mọi người sợ học nhiều khiến em tái bệnh nên khuyên em nghỉ thi. Nghĩ lại công sức mấy năm qua của em, của má, của bạn bè, những người thương em nữa nên em tiếc, phải cố gắng lấy được bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng em không dám học nhiều, còn mấy ngày, em chỉ ôn lại kiến thức đã học cho chắc thôi”- Nhật kể. Với số điểm 21,75 em đậu vào Khoa Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Huế. Mặc dù, ước mơ trở thành bác sĩ dừng lại ở đấy nhưng như em nói “chữa bệnh cho người không được thì chữa bệnh cho động vật”, em vẫn tiếp tục hành trình của riêng mình. Hiện nay, đều đặn hai lần mỗi tháng Nhật vẫn đạp xe đến Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Trời Huế trở lạnh, những cơn đau khớp cứ thường xuyên hành hạ cô sinh viên năm nhất. Dù xa nhà, dù đau nhưng Nhật vẫn lạc quan, em cho biết ra Huế quen được nhiều bạn mới. Ở trường em cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Giúp đỡ các hoàn cảnh kém may mắn cũng là cách để cô bé nhỏ nhắn cao chưa đầy 1,4m ấy nạp năng lượng, tăng thêm động lực cho bản thân. Bệnh của em thất thường, lại không thể suy nghĩ căng thẳng, không thể thức khuya nên chỉ tranh thủ lúc nào thật khỏe mới tập trung học. Học kỳ 1 vừa rồi, điểm trung bình của Nhật là 8.27. Nói về dự định sắp tới, em chia sẻ sẽ cố gắng kiếm học bổng để mua một chiếc máy tính cũ để học. “Trung tâm sắp giải tỏa nên bé út sẽ về nhà, mẹ đang đau phải lo cho út, cho em, tiền thuốc, tiền học nữa, mẹ kham không hết. Em tự lo được gì thì em sẽ cố. Sau này, nếu sức khỏe yếu hay không xin được việc thì em sẽ mở một tiệm thuốc thú y nhỏ, bán thuốc, kiếm tiền nuôi mình qua ngày. Nói chung, có lo thì em cũng bệnh, không lo thì em cũng bệnh nên em chọn cách vui vẻ. Em có quyền được yêu thương nhưng không có quyền làm khổ ai hết, những người thân đã khổ vì em quá nhiều. Em phải sống vui, phải khỏe vì má, vì những người thương em, vì những người bạn cùng nằm viện với em đã ra đi”- Nhật cứng rắn nói.

Chặng đường phía trước vẫn còn rất dài và chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn hơn so với các bạn cùng trang lứa nhưng những niềm tin và nghị lực đưa Nhật đến giảng đường đại học cũng chính là hành trang quý báu để cô gái này tiếp tục hành trình của mình.

THU SƯƠNG  - DUNG THÙY

THU SƯƠNG  - DUNG THÙY