Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV: Công bằng cho mọi ứng cử viên
Trả lời báo chí về việc có được vận động bầu cử qua mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay trong luật không có quy định nào cấm việc này, nhưng luật chỉ quy định hai hình thức vận động bầu cử chính thức. Thứ nhất là vận động qua hội nghị cử tri do Ủy ban MTTQ phối hợp UBND các cấp tổ chức. Tại đó những người giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình, sau đó cử tri phát biểu, chất vấn, đại biểu ứng cử sẽ có những lời hứa tại đó. Hình thức thứ hai là qua các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu tại địa phương đó như đài truyền hình tỉnh, báo tỉnh hướng tới bạn đọc, khán giả là người bỏ phiếu cho người ứng cử.
Ủy ban Bầu cử huyện Thăng Bình tổ chức phiên họp công bố số đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: NVTB |
Không phân biệt trung ương, địa phương
Với hình thức vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử tương đương nhau; người ứng cử không được hứa những thứ không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri… “Việc vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử. Không có câu chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử” - ông Pha nói. Ông Pha kể lại chuyện ông ứng cử 2 khóa đại biểu Quốc hội tại Quảng Bình và Nam Định. Trong quá trình vận động bầu cử, những người ứng cử được báo, đài mời đến và mỗi người có một bản chương trình hành động tóm tắt gần như bằng nhau. “Ví dụ 200 chữ là 200 chữ, 5 người như nhau, có tăng giảm một chút chứ không được nhiều hơn, ít hơn. Ảnh kích cỡ cũng như nhau, màu như nhau. Khi anh nói trước truyền hình cũng nói đúng 2 phút, không nói hơn, rất công bằng. Tôi trải qua hai nhiệm kỳ đều như thế và các địa phương cũng làm như thế thôi. Không có chuyện ai hơn ai ở đây cả” - ông Pha chia sẻ.
Quảng Nam có 3 đơn vị bầu cử, bầu 8 đại biểu Quốc hội Cuối tuần qua, tại Nhà Quốc hội, với 100% số thành viên biểu quyết tán thành, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thông qua Nghị quyết số 53/NQ-HĐBCQG về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, cả nước có 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiều nhất là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, mỗi địa phương có 10 đơn vị bầu cử). Do số lượng người ứng cử thuộc cơ cấu trung ương giới thiệu là 198 ứng cử viên nên 15 đơn vị bầu cử có hai ứng cử viên là người được trung ương giới thiệu. Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các bước triển khai bầu cử đang được tiến hành khẩn trương, các tiểu ban cần rà soát những văn bản, hướng dẫn đã triển khai, bám sát diễn biến thực tế để giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh. Đối với người tự ứng cử cần hướng dẫn cụ thể, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, tránh để xảy ra những vướng mắc không đáng có. Theo nghị quyết, Quảng Nam có 3 đơn vị bầu cử, bầu 8 đại biểu Quốc hội. Đơn vị bầu cử số 1 gồm có thị xã Điện Bàn và các huyện Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn; số đại biểu Quốc hội được bầu là 2. Đơn vị số 2 gồm TP.Hội An và các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức; bầu 3 đại biểu. Đơn vị số 3 gồm TP.Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh; bầu 3 đại biểu. (L.V) |
Cũng theo ông Pha, có thể trong cùng đơn vị bầu cử sẽ trùng giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND cấp tỉnh, nếu không cẩn thận sẽ có trường hợp ưu tiên người ứng cử đại biểu Quốc hội được nói nhiều hơn. Người ứng cử đại biểu HĐND có thể là lãnh đạo tỉnh, cũng có thể là ông xã viên sản xuất giỏi ở tận dưới thôn. “Cả bộ trưởng, phó chủ tịch mặt trận về đó thì sao? Nếu thế thì ông xã viên sẽ rất yếu thế so với những người còn lại. Nhưng theo luật, ông xã viên cũng ngang bằng, bình đẳng như ông bộ trưởng, cũng được nói thời gian như nhau. Khi đưa lên truyền hình cũng như vậy, phải bình đẳng chứ không ưu tiên trung ương hay cấp tỉnh rồi coi nhẹ cấp địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế có những người tự đánh mất quyền của mình, nhiều người ứng cử thấy mình ngợp chìm quá, nên lên nói thiếu tự tin khiến cử tri không được hài lòng” - ông Pha nói.
Không dùng tiền bạc mua chuộc cử tri
Ông Pha cũng chia sẻ, dù luật không quy định nhưng kinh nghiệm của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ khóa XIII cũng cần khuyến khích. Đó là yêu cầu những người ứng cử đại biểu Quốc hội sau khi trúng cử phải nộp chương trình vận động bầu cử để theo dõi cả nhiệm kỳ có thực hiện hay không. Nếu làm được thì rất đáng hoan nghênh vì xác định được ý thức trách nhiệm của đại biểu, tăng quyền của MTTQ thay mặt cử tri và nhân dân giám sát đại biểu.
Ông Pha còn cho biết, luật lần này có quy định khắt khe trong việc vận động bầu cử không được dùng tiền bạc, vật chất hay những phương tiện khác để mua chuộc cử tri… “Đối với vấn đề này, MTTQ các đoàn thể sẽ giám sát rất chặt chẽ. Đơn cử như việc tặng quà, làm từ thiện nếu thấy rõ ràng việc đó anh lấy lòng cử tri là không được. Tất nhiên các thứ quà tặng, lời hứa không dễ gì xác định được nhưng nếu cả năm cả đời anh không về thôn đó xóm đó tự dưng anh lại về làm động tác như tặng quà, làm từ thiện bằng cách mua chuộc, nếu Mặt trận biết việc đó, hoặc cử tri nói ông này về cho tiền thì xác định luôn là tiền mất tật mang, sẽ bị loại và không được bầu” - ông Pha nhấn mạnh. Dẫn kinh nghiệm 2 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội tại Nghệ An khóa trước, ông Pha cho rằng “người ta có ý thức tự ứng cử từ lâu bằng cách đầu tư về quê hương xây dựng bệnh viện trường học, mở các doanh nghiệp để thu hút con em địa phương làm việc. Người ta có ý thức đầu tư cơ bản để ứng cử nên khi người ta ứng cử địa phương đánh giá rất cao”.
Nhiều điểm mới Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Nguyễn Văn Pha, so với các cuộc bầu cử trước, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều điểm mới. Cụ thể, quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia với 6 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó hai nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Quyền bầu cử đối với một số đối tượng đặc biệt cũng được quy định theo hướng dân chủ hơn. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri (Luật Bầu cử năm 2011 quy định người đang bị tạm giam thì không được ghi tên vào danh sách cử tri). Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Những quy định mới nêu trên đã giúp việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử được thuận tiện, đồng bộ đúng luật. Ông Nguyễn Văn Pha cho biết, các cơ quan, tổ chức đơn vị qua Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đang tiến hành giới thiệu người đại diện của cơ quan, tổ chức đơn vị mình ra ứng cử. Theo báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, các hoạt động đang được triển khai tốt. Chỉ có điểm vướng là thực tế rất phong phú nhưng luật chưa thể điều chỉnh hết được. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp cần vận dụng sáng tạo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trên tinh thần dân chủ, khách quan, bình đẳng để phối hợp tổ chức tốt cuộc bầu cử. Người tự ứng cử muốn lấy hồ sơ ứng cử có thể thực hiện bằng hai cách: trên website của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc đến Sở Nội vụ - cơ quan thường trực của Ủy ban Bầu cử các cấp tỉnh. Điều quan trọng là người tự ứng cử nên cân nhắc, đối chiếu với những tiêu chuẩn của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định để xem mình có đủ điều kiện ra ứng cử hay không. |
TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ BẦU CỬ - HỎI: Những người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND? - TRẢ LỜI: Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gồm có: người chưa đủ 21 tuổi; người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn. - HỎI: Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được không? - TRẢ LỜI: Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND ở một cấp. Như vậy, một người đủ điều kiện ứng cử có thể đồng thời nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND một cấp nữa. - HỎI: Thời hạn nộp hồ sơ ứng cử là khi nào? - TRẢ LỜI: Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND (cả với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử. (Theo tài liệu do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn) |
L.V (Tổng hợp)