Phụ nữ "làng Chanchu"
(QNO) - Tính từ khi cơn bão biển kinh hoàng cướp đi 87 người đàn ông trụ cột, đã 10 năm trôi qua, nỗi đau vẫn chưa bao giờ nguôi nghỉ với hơn 50 người vợ ở “làng Chanchu” (tức xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) khi phải gồng gánh cả trách nhiệm của người chồng.
Thường ngày các chị tất bật với việc mưu sinh. Ảnh: Đỗ Vinh |
Thức dậy từ 2 giờ sáng, chạy ngược lên chợ Được (xã Bình Triều) lấy rau, sau đó về lại chợ Bình Tịnh để bán. Tiếng là chợ nhưng thật ra chỉ vỏn vẹn vài ba gian hàng nhỏ lẻ bán cho các hộ dân trong thôn chài. Tròn 10 năm như thế, chị Hoàng Thị Nguyệt với nguồn thu nhập chính từ việc bán rau ở chợ nuôi sáu người con ăn học. Chồng mất khi chị 38 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 6 tháng, con trai lớn đang học lớp 9. Nỗi đau mất chồng vẫn chưa nguôi thì gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè lên đôi vai chị. Người phụ nữ sớm mất chồng ấy phải ngược xuôi bươn chải chạy vạy.
Chị kể, tranh thủ những ngày biển không động, sau khi lấy rau ở chợ Được về, khoảng 6, 7 giờ sáng chị lại giao hàng cho mẹ chồng trông giúp để tất tả “đi cá”. “Lấy cá rồi chở vào sâu trong xóm bán kiếm thêm được dăm bảy chục, cũng đỡ. Buổi chiều chợ không đông nên ở nhà tranh thủ muối rau, dưa để bán buổi chợ kế tiếp” - chị cho hay. Quần quật cả ngày. Dù vất vả song chị vẫn kiên trì nuôi cả 6 người con đi học. “Làm thế này thì chỉ nuôi ăn qua ngày thôi, tiền nuôi con đi học nữa làm răng đủ, chủ yếu vay mượn, trả lần theo” - chị Nguyệt chia sẻ thêm.
Cũng trong buổi chợ hôm ấy, chúng tôi gặp mẹ của chị Vương Thị Khương đang bán hàng thay con gái đang nằm viện. Chồng chị Khương là một trong số 87 người đàn ông xấu số năm đó, anh mất khi chị mới ngoài hai mươi và đang mang thai đứa con thứ 3. Ngần ấy năm cũng ngược xuôi bán rau, bán cá nuôi con cùng mẹ già, chị còn phải chiến đấu với căn bệnh bướu quái ác vẫn hành hạ từng ngày. “Mùng 6 Tết Khương vào nhập viện, bác sĩ nói phải ở lại châm cứu, không mổ được, mổ là chết. Nghĩ đến con gái nằm viện một mình mà tủi thay cho hắn” - mẹ chị Khương thở dài.
Phải đến những năm gần đây, bà Nguyễn Thị Hoa mới phần nào tĩnh tâm lại được. Chanchu gây ra cho bà nỗi đau quá lớn. Chồng và hai người con trai đều bị tử nạn. Suốt những năm sau đó bà sống trong nửa tỉnh nửa mê nhờ sự chăm sóc của 3 người con gái. Đến bây giờ khi cả 3 đều đã yên bề gia thất, bà mở quán bán bún, mỳ để sống qua ngày.
Lặng lẽ cúng chồng. Ảnh: Đỗ Vinh |
Với những người phụ nữ miền biển mười năm trước, cứ độ sau tết, đàn ông, trai tráng trong làng lại rong ruổi theo những chuyến ra khơi; các mẹ, các chị ở nhà cũng tất bật nhà cửa, con cái, công việc. Mười năm kể từ khi họ một mình đảm đương cả trách nhiệm của người cha, gánh nặng cuộc đời cứ thế oằn lên. Thời điểm ấy, phụ nữ còn sinh nhiều con. Có người đã đùm đuề 5, 6 người con. “Cơn bão năm 2006 gây ra nhiều hệ lụy lắm, hộ nghèo sau đó tăng lên nhiều. Phần lớn chị em đông con, người thì bán rau, người thì bán cá, bán mắm hay đi may, làm cá bò. Họ phải làm để nuôi con ăn học. Đã có nhiều cháu học đến đại học, có cháu đi du học” - bà Lê Thị Hiền - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Bình Tịnh nói.
Những ngày này, biển động, đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng lại trở về. Họ cười nói rổn rảng tràn quán xá ngõ quê. Đâu đó giữa ngả đường xuôi ngược, có những người phụ nữ đang tất bật bán buôn hay mải mê trong xưởng may, xưởng cá bò và lặng lẽ nhớ chồng.
THU SƯƠNG