Lại rối chuyện trọng tài
Sau lượt trận khai màn có phần yên ả, V-League 2016 lại nổi “sóng” chung quanh cách điều hành của trọng tài. Ngay tại lượt trận thứ 2 diễn ra cuối tuần qua, đã có ít nhất 2 trận đấu các vị “vua áo đen” bị các đội bóng, cả đội thua lẫn đội thắng, phản ứng quyết liệt. Đó là trận cầu trên sân Pleiku giữa Hoàng Anh Gia lai gặp SHB Đà Nẵng và trên sân Cao Lãnh giữa chủ nhà Đồng Tháp tiếp đón tân binh Hà Nội. Không chỉ trên sân, sự phản ứng còn lan đến cả trong phòng họp sau trận đấu. Và chưa dừng lại ở đó, đội bóng phố núi còn làm văn bản khiếu nại gửi ban tổ chức giải về cách cầm còi khó hiểu của trọng tài Phùng Đình Dũng. Có thể nói, V-League đã “nóng” sớm hơn dự báo.
Trọng tài Nguyễn Phương Nam và cầu thủ Suleiman (QNK Quảng Nam) tươi cười cùng nhau trong trận đấu giữa QNK Quảng Nam và Hoàng Anh Gia Lai mùa giải 2015 trên sân Tam Kỳ - một hình ảnh rất hiếm thấy trên sân bóng V-League. |
Bức xúc chuyện trọng tài không phải là điều gì đó mới lạ của bóng đá Việt Nam. Những mùa giải trước, gần như ở lượt trận đấu nào cách điều hành của những vị “vua sân cỏ” cũng bị đội bóng và dư luận chỉ trích. Để giải tỏa sức ép từ dư luận và mong muốn có những trận đấu công bằng, chính xác, ban tổ chức giải đã phải làm một việc bất đắc dĩ là mời các trọng tài nước ngoài đến bắt một số trận cầu “đinh” ở V-League. Có nhiều ý kiến chung quanh việc mời trọng tài ngoại nhưng qua câu chuyện này cho thấy, ngay cả ban tổ chức giải vẫn chưa tin tưởng vào khả năng chuyên môn lẫn cái đầu của trọng tài nội. Rõ ràng, người trong nhà vẫn chưa tin nhau thì làm sao các đội bóng tin tưởng vào cách cầm còi, cầm cờ công tâm của trọng tài trong nước.
Trọng tài chính Phùng Đình Dũng trên sân Pleiku cuối tuần qua trông khá tội nghiệp khi hết bị các cầu thủ SHB Đà Nẵng vây lấy đến lượt bị cầu thủ chủ nhà phản ứng và sau khi trận đấu kết thúc phải được nhân viên an ninh sân bảo vệ trước sự phẫn nộ của khán giả phố núi. Thế nên, có một câu chuyện hài hước nhưng cũng khá đau xót rằng làm trọng tài bóng đá Việt Nam phải biết chạy thật nhanh và tránh đòn giỏi để không phải lãnh đủ sự tức giận của cầu thủ dưới sân và khán giả trên khán đài. Thời nay có lẽ không còn chuyện “nhất bên trọng nhất bên khinh” nhưng thực tế sức ép đối với bản thân các trọng tài khi đứng trên sân không hề nhỏ dẫn đến việc đôi chút nương tay cho đội chủ nhà là có thật.
Có thể nói, phản ứng trọng tài, dù đúng hay sai, cũng là một thói quen xấu của các cầu thủ và cả huấn luyện viên Việt Nam. Nhưng giải thích thế nào đây khi cũng các cầu thủ, huấn luyện viên đó nhưng ở những giải đấu quốc tế thì rất ít xảy ra. Phải chăng sự phản ứng này theo kiểu “xem mặt đặt tên”? Nhưng trách cầu thủ, ban huấn luyện một thì nên trách trọng tài đến mười. Điển hình như trận đấu trên sân Pleiku, trọng tài biên và trọng tài chính không có được sự phối hợp ăn ý với nhau ở tình huống phạt góc dẫn đến bàn ấn định tỷ số ở phút bù giờ cho đội khách. Rõ ràng, xảy ra câu chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” thì không khó hiểu vì sao các đội bóng lại mạnh mẽ phản ứng “vua sân cỏ” đến như vậy.
Câu chuyện về “vua sân cỏ” V-League có lẽ sẽ còn dài khi mà mùa giải mới trải qua 2 lượt trận. Trách nhiệm “cầm cân nảy mực” của trọng tài cần có tâm và tầm thôi chưa đủ mà còn đòi hỏi ở bản lĩnh. Có như vậy, bóng đá mới thật sự là cuộc chơi giữa các cầu thủ, ban huấn luyện chứ không phải là chuyện đôi co giữa đội bóng với trọng tài.
ANH SẮC