Thầy, trò và niềm đam mê khoa học
BẰNG thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng điện, sản phẩm đến từ Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm TP.Tam Kỳ đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ VI - năm 2015. Sản phẩm hứa hẹn ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn thí nghiệm trong trường học ở tương lai không xa là kết quả nỗ lực của thầy Phan Công Thành (giáo viên bộ môn Vật lý) cùng các học sinh Trần Tùng Dương và Trương Duy Nhất (lớp 11 chuyên Tin).
Giải thưởng của sự bền bỉ, sáng tạo
Mặc dù đã cách xa thời điểm đứng trên bục nhận giải thưởng ghi nhận sáng tạo mang tính mới mẻ, thiết thực trong thực tiễn đời sống, thế nhưng nụ cười mãn nguyện và niềm tự hào về “đứa con” được dày công thai nghén, vun vén của 3 thầy trò vẫn còn hiện hữu. Từ cái ngày cuối tháng 12.2015, khi sản phẩm mang tên “Xây dựng thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng electron từ vật liệu dễ tìm” giành giải Nhất ở Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VI, thầy Phan Công Thành và 2 cậu học trò trong Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận được không ít lời ngợi ca và thán phục. Để gặt hái nên quả ngọt ấy, thầy trò đã trăn trở, không quản ngày đêm với vô vàn khó khăn thử thách, nếm trải đủ mùi thất bại mới chạm đến ngưỡng của thành công. Khi chia sẻ về ý tưởng làm nên sản phẩm, thầy Thành nói: “Nhiều năm đứng lớp giảng dạy và thực hành các thí nghiệm với bộ môn Vật lý, duy chỉ có kiến thức về tác động của lực Lorenxơ lên hạt mang điện để lại trong tôi nhiều trăn trở. Bởi kiến thức này được truyền đạt qua lý thuyết chứ chưa có thí nghiệm chứng minh cho học sinh nhà trường dễ hình dung. Chính vì thế, tôi có động lực triển khai thí nghiệm này và kêu gọi học sinh tham gia”.
Thầy giáo Phan Công Thành và 2 “cộng sự” với thí nghiệm tác động của từ trường lên các hạt mang điện. Ảnh: NHƯ TRANG |
Sau khi lên ý tưởng và phân công nhiệm vụ, thầy Thành và 2 “cộng sự” đắc lực nhanh chóng bắt tay thu thập nguyên vật liệu sẽ sử dụng để làm nên thí nghiệm khoa học được thai nghén từ rất lâu. Hơn một năm ròng, công cuộc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu cần cho thí nghiệm vẫn chưa xong, ngày diễn ra hội thi sắp cận kề nhưng vật cần nhất là ống tạo chân không lại chưa tìm được. Không chỉ thế, việc chọn nguồn cao áp phù hợp cũng gặp không ít trở ngại. Bởi lựa chọn ban đầu là mạch cao áp trong máy tính đã thất bại. “Giữa lúc tưởng như bế tắc, chợt thầy Thành vui mừng báo tin đã có dụng cụ thay thế ống tạo chân không, đó chính là ống xi lanh 20cc trong phòng thực hành Hóa học. Còn mạch cao áp không lâu sau đó cũng được “chọn mặt gửi vàng” bởi chúng tôi phát hiện ra nguồn cao áp từ đèn hình ti vi có thể tạm thời đảm đương” - bạn Trần Tùng Dương chia sẻ.
Hướng đến nhân rộng
Thầy Phan Công Thành cho biết: “Qua tìm hiểu, phương pháp thiết kế của chúng tôi hoàn toàn mới, chưa xuất hiện ở Việt Nam và trên thế giới, dù bộ thí nghiệm chuyên nghiệp như thế này rất là nhiều. Và phương châm của chúng tôi là tạo ra hệ thí nghiệm dễ dàng được thiết kế ở nhiều nơi, nhiều vùng trên Việt Nam, với vật liệu dễ tìm, chi phí thấp”. Và theo đó, chỉ chưa đến 200 nghìn đồng để mua bộ adapter, bộ đảo điện ở cửa hàng điện máy, biến áp flayback, tận dụng ống xi lanh bỏ đi... là đã giúp cho học sinh có cái nhìn trực quan với việc tạo ra dòng điện trong ống chân không.(PHÚC HOÀNG) |
Cận kề ngày đăng ký tham gia hội thi, “đứa con” ghi nhận sự nỗ lực bền bỉ, sáng tạo của thầy Thành và 2 học trò mới “ra lò” và được gửi lên Ban tổ chức. Tiếp đó là những vỡ òa niềm vui trong hạnh phúc khi tên sản phẩm được xướng lên ở hạng mục cao nhất tại hội thi do Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Quảng Nam tổ chức. Thầy Thành chia sẻ, mặc dù thí nghiệm đã đoạt giải cao ngoài mong đợi, thế nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn như hệ thống chỉ cho phép vận hành vài phút và phải tắt điện chờ nguội, nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng rò rỉ khí từ bên ngoài vào ống chân không. Vì thế, sau khi nhận giải từ cuộc thi, thầy trò lại tiếp tục nghiên cứu, cải thiện tất cả nhược điểm và đề xuất đưa thí nghiệm vào chương trình thực hành cho học sinh. Ban giám hiệu nhà trường đồng ý và lên kế hoạch cho học sinh khối 11 và khối 12 tiến hành thực hành thí nghiệm. Hầu hết học sinh đều hứng thú với mô hình thí nghiệm mới lạ này. Bạn Trương Duy Nhất phấn khởi nói: “Từ khi có sản phẩm này trong phòng thí nghiệm, các bạn trong lớp mình chủ động chia nhóm và phân phối thời gian cụ thể để thực hành. Bạn nào cũng muốn tận mắt thấy rõ sự chuyển động của các hạt mang điện ngoài thực tế chứ không phải hình dung qua bài học lý thuyết nữa”.
Sản phẩm “Xây dựng thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng electron từ vật liệu dễ tìm” được đánh giá cao bởi ưu điểm dễ thực hiện, giá thành rẻ. Hơn hết, học sinh quan sát bằng mắt thường có thể thấy được sự chuyển động của các hạt mang điện dưới tác động của từ trường trong môi trường chân không. Nhận xét mô hình giành giải Nhất hội thi năm 2015, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Quảng Nam cho hay: “Mô hình thí nghiệm của thầy trò Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng đoạt giải thưởng cao nhất bởi tính sáng tạo hoàn toàn mới và ý nghĩa thực tiễn cao. Trong năm 2016 này, chúng tôi dự kiến làm việc với các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực khoa học - giáo dục để bàn bạc và lên kế hoạch đưa thí nghiệm thực hành này nhân rộng trong trường học trên phạm vi toàn tỉnh”.
VÕ THỊ NHƯ TRANG