Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

HOÀNG LIÊN 03/03/2016 09:09

Trước những vấn đề bức thiết đặt ra trong hoạt động bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm, nhiều giải pháp/đề tài/dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được ứng dụng bước đầu có hiệu quả.

Thành quả

Khu sinh quyển (KSQ) Cù Lao Chàm (CLC) có đầy đủ và đại diện cho các hệ sinh thái sông, cửa sông, rừng ngập mặn, bờ biển, biển và đảo. Điển hình gồm hệ sinh thái sông, cồn cát, đụn cát, rừng ngập mặn, đất ngập nước, bờ biển và thảm thực vật bờ biển, rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, vùng triều bờ đá, đặc biệt là rừng đặc dụng CLC. Nhiều năm qua, được sự hỗ trợ về kinh phí lẫn các giải pháp khoa học - kỹ thuật từ các tổ chức phi chính phủ kết hợp với kinh phí từ một số chương trình, dự án của Nhà nước, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển CLC đã có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực bảo tồn biển tại KQS CLC. Tại vùng lõi KSQ, những năm qua, từ sự giúp sức của các tổ chức phi chính phủ, chương trình giám sát rạn san hô (Reef check) và giám sát cỏ biển (Watch sea grases), chương trình quan trắc chất lượng nước biển (2009-2013), chương trình làm vườn ươm và phát tán san hô đã được triển khai thực hiện. Cùng với các chương trình, dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, áp dụng với nhiều đối tượng, giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và nằm trong sách đỏ. Ví như loài tôm hùm, ốc vú nàng, cua đá, bào ngư…

Quy định kích cỡ khai thác và dán nhãn sinh thái lên cua đá. Ảnh: BÍCH LIÊN
Quy định kích cỡ khai thác và dán nhãn sinh thái lên cua đá. Ảnh: BÍCH LIÊN

Giai đoạn 2011-2013, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển CLC đã trồng được 2.000m2 rạn san hô tại vùng lõi của KSQ từ quá trình khoanh vùng, tách, cấy ghép, làm vườn ươm dưới biển, trồng phục hồi. Việc xây dựng quy chế giám sát chất lượng nước, vận động cộng đồng không được xả nước thải ra biển hay như xây dựng quy trình đánh bắt không gây ảnh hưởng tới vùng rạn được chú trọng. Tiếp nối thành công này, được sự hỗ trợ từ Tổ chức MFF, Ban quản lý tiếp tục phối hợp với cộng đồng Bãi Hương trồng thêm được 2.000m2 rạn san hô, nâng tổng số lên 4.000m2 rạn san hô dưới biển với tỷ lệ phục hồi đạt 75%, được nhiều tổ chức đánh giá cao. Tuy nhiên, vùng bảo tồn biển với diện tích 365km2, khá rộng lớn song chỉ mới xây dựng được 4.000m2. Tín hiệu vui là năm 2016, mới có một đề tài được phê duyệt với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Đề tài góp phần củng cố thêm cơ sở dữ liệu khoa học cho công tác quản lý, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn biển về phục hồi rạn san hô. Thành tựu thứ hai của Ban quản lý Khu Bảo tồn biển CLC là từ chương trình hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch về môi trường, Ban quản lý Khu BTB Cù Lao Chàm đã xây dựng giải phao trên vùng biển CLC phục vụ khoanh vùng bảo tồn. Giải phao giúp phân định vùng ranh giới để người dân không vào khu vực cấm, không đánh bắt. Dây chuyền này (trang thiết bị, quy trình, thao tác dưới biển) được chuyển giao từ cơ quan Khí tượng - thủy văn của Hoa Kỳ. Từ khi đóng phao trên biển vào năm 2011 đến nay, hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống phao neo phân vùng và phao neo đậu buộc tàu thuyền được tiến hành thường xuyên hằng năm. Thành tựu quan trọng chính là hoạt động bảo tồn loài quý hiếm, phục hồi nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt vì hoạt động đánh bắt tận diệt, do áp lực từ du lịch, ô nhiễm môi trường. “Những năm qua, biện pháp bảo tồn khoa học truyền thống đã được đặt ra tại CLC. Đó là giải pháp giữ bãi cấm, bãi đẻ ngay trong vùng lõi, rạn san hô. Khi làm tốt, nguồn lợi thủy sản sẽ phong phú lên, theo hiệu ứng tràn, nguồn lợi thủy sản sẽ tràn ra các khu vực lân cận. Điều đó đem lại hiệu quả là ngư dân CLC không phải đi đánh bắt khá xa, mà có thời gian chỉ đánh bắt quanh những khu vực đảo lân cận này” - bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển CLC nói. Cũng theo bà Thúy, bên cạnh bảo tồn có hiệu quả con tôm hùm, ốc vú nàng, cua đá, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển CLC tiếp tục hướng tới bảo tồn con bàn mai, trai tai tượng…

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng

“Một trong những thành tựu rõ nét trong công tác bảo tồn chính là ứng dụng KH&CN phục hồi rạn san hô. Mười năm qua, từ sự chuyển giao công nghệ của Viện Hải dương học Nha Trang, đội ngũ cán bộ Ban quản lý đã làm chủ công nghệ phục hồi rạn san hô do ảnh hưởng của môi trường bị chết hoặc trầm tích theo phương pháp vô tính lẫn hữu tính”.
(Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển CLC)

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong 7 nhiệm vụ của của Khu Bảo tồn biển CLC. Mười năm qua, cùng với các chương trình, dự án hợp tác, phát triển bền vững KSQ CLC, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đã chủ trì nhiều đề tài/dự án nghiên cứu khoa học quan trọng về bảo tồn loài quý hiếm ở CLC. Có thể kể đến dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm”, hay đề tài “Điều tra thành phần loài, vùng phân bố, hiện trạng khai thác và xây dựng mô hình đồng quản lý nguồn lợi tôm hùm, ốc vú nàng tại Cù lao Chàm”. Kết quả từ nghiên cứu là cơ sở để Ban quản lý Bảo tồn biển CLC, chính quyền TP.Hội An và UBND tỉnh đề ra những biện pháp quản lý phù hợp, ví như quản lý chất lượng nguồn nước, kiểm tra rạn san hô, từ đó có những quyết sách phù hợp về bảo tồn biển. Năm 2016, đề tài “Điều tra thành phần loài, vùng phân bố, kích thước quần thể, hiện trạng khai thác và xây dựng giải pháp bảo vệ giống trai tượng và bàn mai tại Khu Bảo tồn biển CLC” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp nối thành công trong bảo tồn rạn san hô ở CLC, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu Bảo tồn biển CLC có sự tham gia của cộng đồng” với kinh phí hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng. Cùng với đó, đề tài cấp tỉnh liên quan đến bảo tồn biển như: “Mô tả thành phần, hàm lượng dinh dưỡng, chuẩn hóa quy trình chế biến truyền thống và sản xuất thí điểm nước yến sào giải khát CLC” cũng đang trong giai đoạn thực hiện.

Thực tế, nhu cầu đặt ra là không chỉ bảo tồn vùng lõi, mà còn bảo tồn đối với vùng bờ, vùng đệm. Những năm qua, tại KSQ CLC, các nhà khoa học, quản lý chỉ mới làm nhiệm vụ bảo tồn biển, còn bảo tồn đa dạng sinh học rừng CLC hầu như còn bỏ ngỏ. Cùng với bảo tồn biển thì nhiệm vụ: bảo tồn đa dạng sinh học rừng, động vật rừng, thực vật rừng tại CLC trở nên cấp thiết. Việc áp dụng KH&CN vào công tác bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết hiện nay. Hiện tại, vùng đệm của KSQ có khoảng 70ha dừa nước (đã mất đi hơn 80ha do đào ao nuôi tôm, ảnh hưởng bởi dự án cầu Cửa Đại khi 70.000 gốc dừa đã bị lấy đi do công trình vắt ngang qua rừng dừa nước. Việc trồng dừa nước đã đang trong giai đoạn thực hiện, tuy nhiên khó khăn là việc thu hồi đất để phát triển rừng dừa nước. Chưa kể, nguồn nước tại rừng dừa nước Cẩm Thanh đang từng ngày bị ô nhiễm nghiêm trọng từ hoạt động nuôi tôm và nước thải từ dân sinh. “Đáng mừng là những dự án lớn nhỏ liên quan tới phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh đang khởi động, bao gồm khâu xử lý ô nhiễm nguồn nước ở rừng dừa nước, ươm trồng và phục hồi nhiều diện tích dừa nước bị mất, truyền thông cộng đồng bảo vệ môi trường… Chỉ một thời gian ngắn sẽ cho ra những kết quả bước đầu…” - bà Thúy nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN