Trọn nghĩa biên cương

ALĂNG NGƯỚC 03/03/2016 08:48

Chúng tôi từng đặt chân đến các vùng biên cương, nơi đóng chân của gần chục đồn biên phòng, bên các bản làng của đồng bào miền núi trong tỉnh. Mỗi chuyến đi đọng lại trong chúng tôi biết bao câu chuyện về nghĩa tình ở vùng biên…

Nghĩa tình quân dân vùng cao. Ảnh: H.ANH
Nghĩa tình quân dân vùng cao. Ảnh: H.ANH

Nghĩa tình biên giới

Giữa bốn bề rừng núi, câu chuyện về các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring (Nam Giang) vẫn vẹn nguyên trong ký ức sâu thẳm của đồng bào Giẻ Triêng ở làng Pêtapoóc. Xa xôi, cách trở, một cuộc sống tách biệt khá dài dưới chân núi chỉ vẻn vẹn vài chục con người “không danh phận”. Có thời gian, chính người làng Pêtapoóc cũng không còn nghĩ đến sự tồn tại của mình, sau những cuộc di cư theo mùa rẫy. Pêtapoóc, điểm dừng chân cuối cùng của họ, bây giờ đã là một ngôi làng giáp biên của xã Đắc Pring, có ít nhiều thay đổi hơn so với thời điểm được phát hiện, rồi sáp nhập về xã. Năm 2013, từ mô hình “điểm sáng vùng biên” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, những ngôi nhà mới tại làng Pêtapoóc đã được xây dựng, bàn giao cùng với các công trình điện thắp sáng, nhà vệ sinh tự hoại. Đại tá Dương Hoài Nam - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh từng chia sẻ, để hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình “điểm sáng vùng biên” tại cụm dân cư Pêtapoóc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring đã không quản nắng mưa san lấp mặt bằng, vận chuyển cát sạn, rồi cùng nhau dựng nhà chỉ trong thời gian ngắn. Đó là chưa kể đến việc đơn vị cắt cử cán bộ biên phòng “đứng cắm” tổ chức các lớp dạy chữ, khám chữa bệnh cho đồng bào, rồi cùng ăn, cùng ở với người làng, trực tiếp hướng dẫn họ biết cách trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, giữ gìn vệ sinh… Pêtapoóc bây giờ, không còn người mù chữ nữa, đã có những đứa con bước chân ra khỏi làng, đi tìm con chữ để thay đổi số phận.

Nhiều hoạt động giúp đỡ các cụm bản Lào

Năm 2015, ngoài việc duy trì và phát huy hiệu quả công tác kết nghĩa giữa các cặp thôn bản giáp biên hai bên biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh còn tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh duy trì hoạt động đối ngoại thường niên với tỉnh Sê Kông - Lào và phối hợp với các huyện miền núi hỗ trợ hàng chục tấn gạo cho nhân dân các cụm bản nước bạn Lào. Đặc biệt, đã xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng Trạm xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông trên diện tích hơn 500m2 với vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học Việt - Lào tại huyện La Man (Sê Kông) với mức đầu tư 1,5 tỷ đồng; xây dựng nhà ở, nhà làm việc Đại đội bảo vệ biên giới thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, với trị giá khoảng 7 tỷ đồng; xây dựng Trạm Kiểm soát Đắc Tà Oọc 48 tỷ đồng và phối hợp với huyện Tây Giang vận động kinh phí được 1,2 tỷ đồng quy hoạch cụm dân cư, xây dựng hệ thống nước sạch tại bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, Sê Kông).

Nghĩa tình với biên giới, thật khó để diễn đạt hết ý, hết lời theo kiểu trọn vẹn câu chữ. Nhưng với các chiến sĩ biên phòng, thì “chỉ là những việc làm hàng ngày thôi”. Năm ngoái, tôi theo chân các chiến sĩ trở về làng Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) tham dự buổi lễ khánh thành Khu di tích lịch sử An ninh vũ trang Quảng Nam và chứng kiến niềm vui ấm áp, đọng lại bao nghĩa tình. Rồi có đợt, đoàn quân y của Bộ đội Biên phòng tỉnh về làng, theo hành trình tiếp bước cha ông, khám phát thuốc cho đồng bào. Quá trưa, nắng hè hầm hập, nhưng các chiến sĩ vẫn nhiệt tình công việc, đợi khi không còn người đến xin thuốc. Lần khác, trong buổi ký kết ra mắt mô hình “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3” tại xã biên giới Đắc Tôi (Nam Giang), nhìn những ánh mắt đầy ngại ngùng của đồng bào Tà Riềng khi nghe cán bộ, chiến sĩ biên phòng hướng dẫn cách tránh thai an toàn. Chương trình kết thúc, tôi lại gần một phụ nữ địa phương trạc 25 tuổi, mới biết dù ngại nhưng đồng bào rất hào hứng vì lần đầu tiên được tiếp xúc, thổ lộ tâm tư thầm kín với cán bộ quân y, biên phòng… Thượng úy Trịnh Thái Tùng - Trợ lý thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ, mỗi chuyến đi với đồng bào vùng cao luôn để lại nhiều kỷ niệm đẹp đối với các chiến sĩ biên phòng. Bởi vậy, sau cuộc hành trình đến với núi, với rừng, với bản làng vùng cao, món quà ý nghĩa mà các chiến sĩ mang về luôn đầy ắp trong ký ức sâu thẳm, với nghĩa đồng bào thiêng liêng.

Vững chắc chủ quyền

Trở lại vùng biên La Dêê (Nam Giang), cái rét cuối mùa đặc trưng ở miền núi lùa theo cơn gió như luồn trong cổ áo, ê buốt. Vậy mà, từ sáng sớm các chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang đã vội vã lên đường, thực hiện cuộc tuần tra biên giới. Thượng tá, Đồn trưởng Nguyễn Tấn Lạc cho hay, đơn vị được phân công nhiệm vụ quản lý hơn 27km đường biên giới cùng với 11 cột mốc chủ quyền dọc theo địa bàn 2 xã La Dêê và Đắc Tôi. Trong kế hoạch của đơn vị, luôn có hoạt động tuần tra định kỳ, dọc theo các tuyến đường cột mốc chủ quyền trong phạm vi quản lý.“Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ tuần tra biên giới, chúng tôi xác định trước hết cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng miền núi tại các làng bản mà đơn vị quản lý. Song song với đó, đơn vị cũng tăng cường mối quan hệ hữu nghị với chính quyền và các lực lượng biên phòng của nước bạn Lào, cũng như triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác biên phòng, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới” - Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc nói.

Phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh:  C.T.V
Phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: C.T.V

Theo Đại tá Văn Ngọc Quế - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, có đến 477 tổ tự quản an ninh trật tự, với 52 tổ tự quản đường biên, cột mốc được xây dựng trên toàn tuyến biên phòng, nhằm đảm bảo công tác chủ động nắm bắt địa bàn, xây dựng lực lượng cùng tham gia giữ gìn vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Cùng với đó, chính quyền các huyện miền núi Tây Giang và Nam Giang đã phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình kết nghĩa giữa các thôn bản hai bên biên giới của Đắc Chưng và Kà Lừm (Sê Kông - Lào). Nhờ vậy, tình gắn kết của người dân ở các thôn bản hai bên biên giới ngày càng khắng khít, bền chặt với nhiều hoạt động giao lưu, hữu nghị và cùng giúp nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng biên giới. Năm 2015, cùng với các nhiệm vụ chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa nhằm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn đặc thù với cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, thông qua các chương trình “Mái ấm chiến sĩ biên giới”, “Nghĩa tình đồng đội”…

Tháng 3, tiết trời vùng biên lạnh buốt, nhưng câu chuyện về các chiến sĩ biên phòng vẫn luôn được nghe trong từng lời kể của đồng bào vùng cao. Lúa đã xanh đồng, điện đã được phủ sáng khắp đường làng, tiếng trống thúc giục như nâng nhịp bước chân của đồng bào cùng màu xanh áo lính tìm về trong đêm hội làng mừng lúa mới bội thu.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC