Nâng bước em tới trường
Hai năm học theo các chiến sĩ thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, hai cậu học trò Nguyễn Thành Khoa, Nguyễn Châu Phi có những bước tiến bộ rõ rệt.
Những chiến sĩ… quàng khăn đỏ
Năm nay, Khoa và Phi đang học lớp 9 (Trường THCS Thái Phiên, xã Tam Thanh, Tam Kỳ). Sau giờ tan học, hai em lại đạp xe vào Đồn Biên phòng Tam Thanh. Năm 2014, Khoa và Phi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng nhận vào đơn vị để chăm sóc, nuôi dưỡng vì hoàn cảnh khó khăn, cha là những ngư dân mưu sinh ở trên biển dài, còn mẹ không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập hết sức bấp bênh.
Gần 2 năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh đã quen với việc góp mặt của 2 “chiến sĩ nhí”. Chia sẻ với chúng tôi, cả Khoa và Phi đều cho biết, thời gian đầu, khi mới về đồn mọi thứ đối với các em đều rất lạ lẫm do phải làm quen với môi trường sinh hoạt tập thể nền nếp, kỷ luật trong quân đội nhưng dần dần các em đã thích nghi. Đến nay, cả hai em đều xem Đồn Biên phòng như “ngôi nhà thứ 2” và các anh, chú bộ đội như người thân trong gia đình của mình. Phi tâm sự: “Em cảm thấy rất may mắn vì được sống, sinh hoạt, học tập ở Đồn Biên phòng. Từ ngày vào đây, bản thân em đã học được rất nhiều từ những việc nhỏ nhất như cách gấp chăn màn sao cho vuông vắn, thức dậy vào buổi sáng đúng giờ cho đến tinh thần rèn luyện tự nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”. Trong khi đó, Khoa lại chia sẻ: “Các chú bộ đội trong đồn rất thân thiết, gần gũi như những người anh, người chú trong gia đình. Nhiều chú đã kể cho chúng em nghe về tuổi thơ ở quê trước đây cũng rất vất vả nhưng bằng ý chí vươn lên trong học tập các chú đã thực hiện ước mơ của mình như ngày hôm nay. Điều đó đã khích lệ, động viên rất lớn để chúng em nỗ lực hơn nữa trong học tập, để sau này làm người có ích”
Thượng tá Trần Minh Tấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết, Đồn Biên phòng Tam Thanh và Trường THCS Thái Phiên là hai đơn vị kết nghĩa. Qua tìm hiểu, đơn vị biết rằng tại Trường THCS Thái Phiên có nhiều học sinh là con em của những gia đình ngư dân nghèo có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng nên đơn vị đã quyết định nhận các em về đồn để nuôi dạy. Việc ăn ở, sinh hoạt, học tập của các em đều được đơn vị quan tâm chu đáo. Hàng ngày ngoài việc lên lớp các em còn tham gia phụ giúp các chiến sĩ nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh và tăng gia sản xuất. Buổi tối, đơn vị đều cử một đồng chí kèm các em làm bài tập qua đó đã giúp lực học của các em được nâng lên rõ rệt. Hiện, đơn vị cũng liên hệ với nhà trường để tiếp tục nhận thêm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về đơn vị để chăm sóc nuôi dưỡng.
Hai em Khoa và Phi cẩn thận xếp chăn, màn mỗi buổi sáng tại Đồn Biên phòng Tam Thanh. |
Nhân rộng điển hình
Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện nay, chương trình “Nâng bước em tới trường” không chỉ có Đồn Biên phòng Tam Thanh thực hiện mà nhiều đơn vị biên phòng trong tỉnh đã triển khai. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đồn Biên phòng Ga Ry và Đồn Biên phòng A Xan vừa tổ chức nhận đỡ đầu 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc các xã biên giới Tây Giang. Đặc biệt, trong đợt nhận đỡ đầu lần này có 2 em học sinh thuộc bản Apưl và Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Để triển khai có hiệu quả chương trình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác định lấy tổ chức Đoàn làm nòng cốt, hưởng ứng chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, xác định 100% đoàn viên, thanh niên và vận động cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trong đơn vị cùng tham gia.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh tận tình giảng bài cho Khoa và Phi. |
Thượng úy Trịnh Thái Tùng - Trợ lý thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, phát huy những kết quả đạt được từ chương trình “Nâng bước em tới trường” những năm qua, kể từ tháng 1.2016, các đơn vị Bộ đội Biên phòng toàn tỉnh tiếp tục đăng ký nhận đỡ đầu 56 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 6 em học sinh Lào), với mức hỗ trợ tiền mặt hoặc vật chất có trị giá 500 nghìn đồng/tháng/em, và tổng kinh phí là 28 triệu đồng/tháng. Theo đó, mỗi đồn biên phòng tuyến núi sẽ nhận đỡ đầu 3 em, trong đó có 1 học sinh Lào; đồn biên phòng tuyến biển nhận đỡ đầu 2 em; 6 đồng chí lãnh đạo trong bộ chỉ huy, mỗi đồng chí nhận đỡ đầu 2 em và mỗi phòng ban thuộc bộ chỉ huy nhận đỡ đầu 2 em. “Bằng việc tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, huy động các nguồn tài trợ… các đơn vị, cá nhân sẽ nhận đỡ đầu hàng tháng cho các em học sinh từ lớp 1 đến hết lớp 12. Một số đơn vị còn thường xuyên cử cán bộ theo dõi, nắm chắc tình hình học tập của các em học sinh qua việc nhận các em vào đơn vị để chăm sóc. Bằng những kết quả đã đạt được trước đó, tôi hy vọng chương trình sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả, ý nghĩa xã hội, góp phần giúp đỡ, nâng cánh ước mơ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh” - Thượng úy Tùng nói.
Không chỉ giúp đỡ các em học sinh nghèo thêm động lực để bám lớp, bám trường, việc làm ý nghĩa của các chiến sĩ mang quân hàm xanh còn góp phần thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn các đồn biên phòng đóng quân, qua đó thắt chặt hơn tình quân dân và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.
A.ĐÔNG - N.TIẾN