Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch: Hết lòng vì người bệnh

XUÂN THỌ - THÀNH CÔNG 02/03/2016 09:20

Từ Trạm chống lao chuyển thành Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Nam, bây giờ là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Tam Kỳ), cơ sở y tế đặc thù này đã vào guồng cho những nỗ lực nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Đổi tên để... gần người bệnh hơn

Năm 2003, trên cơ sở sát nhập Trạm chống lao và Khoa Lao Bệnh viện Đa khoa tỉnh, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Nam. Đến cuối tháng 12.2014, trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Nam đã đổi tên thành Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Nói về việc đổi tên lần này, bác sĩ Nguyễn Lương Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Cho đến bây giờ, xã hội khi nghe nói đến bệnh lao, phổi vẫn nghĩ đến cái gì đó khủng khiếp. Cũng vì thế, nên cái nhìn thiện cảm như với bệnh viện đa khoa chẳng hạn, là còn ít. Thậm chí ngay cả bản thân người bệnh, nói đến 2 từ lao, phổi là cũng đã nghĩ đến điều gì đó ghê gớm. Nên việc đổi tên thành Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đọc nghe bớt “gai góc”, xã hội có cái nhìn “dễ chịu” hơn và quan trọng nhất là bệnh nhân có tâm lý thoải mái, qua đó giúp cho việc điều trị mang lại hiệu quả cao hơn”.

Các hoạt động rèn luyện tay nghề, chuyên môn được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ y - bác sĩ của bệnh viện.  Ảnh: GIANG KHÁNH
Các hoạt động rèn luyện tay nghề, chuyên môn được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ y - bác sĩ của bệnh viện. Ảnh: GIANG KHÁNH

Tất nhiên, việc chọn tên không phải ngẫu nhiên, bởi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch không chỉ là tấm gương lớn về y đức, ông là một trong những thầy thuốc chuyên khoa lao đầu tiên ở Việt Nam, là hội viên độc nhất ở Đông Dương trong Hội Nghiên cứu về lao của Pháp từ năm 1936. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng là người sáng lập và là viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp chống lao thế giới. Ông có công lớn nhất xây dựng chuyên khoa và là người thầy lớn nhất của chuyên khoa lao - bệnh phổi… Do đó, việc đổi tên này như nhắc nhớ toàn thể cán bộ, y - bác sĩ của bệnh viện noi gương bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để phục vụ bệnh nhân. Theo chỉ tiêu, bệnh viện chỉ có 110 giường, nhưng hiện nay có khoảng 150 giường để phục vụ bệnh nhân, cũng nhờ vậy ở đây không có trường hợp bệnh nhân phải nằm ghép.

 Với nhiều dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang là một trong những bệnh viện lao phổi tuyến tỉnh có chất lượng cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.  Ảnh: GIANG KHÁNH
Với nhiều dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang là một trong những bệnh viện lao phổi tuyến tỉnh có chất lượng cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: GIANG KHÁNH

Bác sĩ Việt cho biết, trong những năm gần đây, chất lượng phục vụ của bệnh viện được cải thiện đáng kể, cộng với việc đổi tên, bệnh viện đã thu hút nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Bà P.T.H. ở huyện Thăng Bình cho biết: “Trước đây, vì không yên tâm nên tôi đưa chồng ra Đà Nẵng điều trị lao phổi. Sau này nghe nhiều người nói bệnh viện này (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - PV) chữa trị cũng không kém gì Đà Nẵng nên tôi chuyển chồng vô đây. Ở đây, vừa gần nhà, vừa được sự chăm sóc tận tình từ các y - bác sĩ nên vợ chồng tôi vô cùng yên tâm, đồng thời tiết kiệm được khá nhiều chi phí, thời gian so với điều trị tại Đà Nẵng”.

Nâng cao chất lượng

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hiện có 11 khoa, phòng với 127 cán bộ, nhân viên. Đơn vị có 2 chức năng chính: thực hiện Chương trình chống lao quốc gia; khám, phát hiện và điều trị nội trú cho các thể lao nặng và bệnh phổi ngoài lao. Bên cạnh đó, còn triển khai một số chương trình khác như điều trị lao phổi đa kháng thuốc, quản lý điều trị bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính, thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp...

Cho đến nay, ngoài sự hỗ trợ của mạng lưới chống lao các tuyến, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch còn phát huy vai trò chủ đạo trong công tác chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động chuyên ngành, khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh. Hiện nay, các địa phương cấp huyện của tỉnh đều có tổ chống lao, hoạt động chống lao. Trong nỗ lực đầy cố gắng này, cùng với sự giúp đỡ của dự án Phòng chống lao Trung ương, năm 2009 bệnh viện đã triển khai xét nghiệm nuôi cấy trên môi trường đặc biệt. Đến năm 2012, tiến hành thực hiện nuôi cấy trên môi trường lỏng. Từ đó, nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh lao, nhất là đối với những trường hợp lao có số lượng vi trùng ít, khó phát hiện bằng cách xét nghiệm đờm trực tiếp. Ngoài ra, khi tiến hành nuôi cấy còn giúp chẩn đoán định danh chính xác các chủng lao để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Song hành cùng kỹ năng, nghiệp vụ, trong những năm gần đây bệnh viện liên tục “cập nhật” một số máy móc, trang thiết bị y tế để đem lại kết quả phát hiện bệnh và hiệu quả điều trị cao hơn. Chẳng hạn như năm 2010, từ hỗ trợ của UBND tỉnh và Sở Y tế, bệnh viện được trang bị máy cắt lớp điện toán (CT-scan). Khi áp dụng thiết bị này, các y - bác sĩ được giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán bệnh. Đến tháng 7.2013, bệnh viện được triển khai kỹ thuật nội soi phế quản, đem lại tính chính xác cao trong việc chẩn đoán các bệnh phế quản và u phổi liên quan. Ba tháng sau, kỹ thuật GeneXpert được triển khai tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với sự hỗ trợ từ Chương trình chống lao quốc gia. Đây là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá trong xét nghiệm chẩn đoán vi trùng học bệnh lao, tích hợp 3 công nghệ tách gien, nhân gien và nhận biết gien, cho kết quả chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Lương Việt, so với các bệnh viện điều trị lao, phổi ở khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nằm trong tốp đầu. “Tuy vậy, về lâu dài bệnh viện còn phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hiệu quả khám chữa bệnh đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực. Hiện có rất ít bác sĩ đa khoa chính quy về công tác tại đơn vị, còn bác sĩ chuyên ngành thì phải tiếp tục đào tạo nữa” - bác sĩ Việt chia sẻ.

XUÂN THỌ - THÀNH CÔNG

XUÂN THỌ - THÀNH CÔNG