Thất thoát tài nguyên cát
Tài nguyên cát ở lòng sông Thu Bồn lẫn trên dải cát vùng đông Tam Kỳ lại tiếp tục bị xâm hại bừa bãi. Đáng nói, các hình thức, thủ đoạn tàn phá môi trường ngày càng tinh vi.
Cày nát “vùng cấm”
Từ sau Tết Bính Thân, những tưởng với động thái cứng rắn từ cơ quan chức năng, tình trạng khai thác cát lậu ở vùng đông TP.Tam Kỳ sẽ tạm thời lắng xuống nhưng thực tế đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Tam Kỳ truy quét sa tặc một ngày gần đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến một hiện trường khá nham nhở với nhiều mỏ cát bị khai thác vô tội vạ. Tìm hiểu chúng tôi được biết, có ít nhất 11 bãi khai thác cát trái phép nằm dọc hai bên đường cứu nạn cứu hộ ven biển đang thi công thuộc địa bàn xã Tam Phú và Tam Thăng kéo dài hơn 5km. Có nơi đối tượng đào khoét lấy cát tạo thành hố sâu hoắm 5m, miệng rộng 100m. Hàng nghìn mét khối đất bị “bốc hơi” và hơn 1.000 cây keo lưỡi liềm tuổi đời gần 15 năm tuổi trong rừng hộ phòng hộ Pacsa bị triệt hạ trơ gốc. Cá biệt, có hộ dân còn tự ý khai thác cát trong chính khu đất vườn nhà mình như trường hợp ông Châu Xa (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng). Thống kê của ngành chức năng địa phương cho thấy, thời điểm này có ít nhất 36 ô tô, 2 xe xúc lật, 37 lái xe và 16 người trực tiếp tham gia khai thác cát trái phép. Trong đó, có nhiều đối tượng tái phạm nhiều lần. Theo Trung tá Huỳnh Văn Đống - Đội trưởng Đội xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố Công an TP.Tam Kỳ, lực lượng chức năng phục kích bắt quả tang, đưa xe vi phạm về cơ quan công an xử lý thì đối tượng lại điều xe khác ra xúc cát chạy đi lập tức. Tại bãi, có thời điểm có 20 lao động chuyên xúc cát thuê. Chính vì giá cát đang leo thang nên đối tượng bất chấp tận thu cả ngày lẫn đêm. Không ít vụ do tranh giành lãnh địa khai thác mà dẫn đến xô xát đánh nhau. Từ cuối tháng 9.2015 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện xử lý hơn 50 trường hợp lén lút tận thu cát, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng.
Trong vùng cấm rừng phòng hộ Pacsa qua xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), sa tặc đã lấy cát, mở đường trái phép. Ảnh: T.H |
Từ sau Tết Bính Thân đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế, công an đứng điểm địa bàn phối hợp với lực lượng công an xã tuần tra, xử lý trên các tuyến có điểm khai thác cát trái phép. Trung tá Huỳnh Văn Đống cho biết thêm, công an sẽ vào cơ sở Nhà máy Kính nổi Chu Lai và các đơn vị thu mua cát trên địa bàn để trích xuất biển số xe, lượng cát tiêu thụ nhằm xử lý tận gốc. Mức phạt lần đầu vi phạm là 3 triệu đồng, lần 2 là 5 triệu đồng. Nếu tái phạm nhiều lần với khối lượng cát lớn, đơn vị sẽ đề nghị khởi tố, tòa án có thể đưa ra xét xử để răn đe. Riêng xã Tam Thăng, năm 2015 đã xử lý 17 xe tải vi phạm, trong đó có khoảng 7 xe thường xuyên khai thác cát lậu. Về bất cập trong xử lý, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng - ông Châu Thanh Phong cho rằng, chính quyền gặp khó khăn trong đấu tranh với đối tượng tàn phá tài nguyên cát do thẩm quyền không được ngăn chặn các xe vi phạm đang lưu thông trên đường. Trong khi việc bắt quả tang không hề dễ, do đối tượng thay đổi giờ hoạt động liên tục, thậm chí cắt cử người theo dõi lại cơ quan chức năng.
Lố nhố tàu không số
Giữa tháng 12.2015 sau một đêm mật phục, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh vây bắt 8 tàu vỏ sắt đang hút cát giữa lòng sông Thu Bồn (khu vực giáp ranh các xã Điện Phong và Điện Trung, thị xã Điện Bàn). Mỗi tàu vận chuyển 30 - 60m3 cát. Trước đó, công an cũng bắt quả tang 15 tàu vỏ sắt hút trộm cát tại khu vực chỉ cách Trạm chốt chặn kiểm soát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của thị xã Điện Bàn vài trăm mét. Hầu hết phương tiện đều không được đăng ký, đăng kiểm và đảm bảo các quy định hoạt động vận tải đường thủy. |
Trước thời điểm năm 2015, lòng sông Vu Gia và Thu Bồn không một ngày yên ả do sự xuất hiện của những đoàn tàu vỏ sắt không số được đóng “chui”. Các địa phương như thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, TP.Hội An có rất nhiều cơ sở hàn, gò sắt tổ chức đóng tàu hút, vận chuyển cát lậu. Theo ngành chức năng, các phương tiện này đều không có loại giấy tờ gì liên quan đến hoạt động đóng, sửa tàu vỏ sắt và hành nghề. Tìm hiểu chúng tôi biết, nhiều “công xưởng” đóng tàu sắt lưu động hút cát dọc bờ sông Thu Bồn mọc lên với cái lợi là giảm được các khoản chi phí thiết kế, thuế, phí đăng ký lưu hành và dễ đối phó với lực lượng chức năng. Thống kê tại các địa phương ước có hơn 100 tàu “chui” đang ngày đêm hút cát, gây ra tình trạng sạt lở ở các bãi ven sông. Lợi dụng sự buông lỏng quản lý, tàu chui đang công khai đóng, chỉ sử dụng vào mục đích khai thác cát lòng sông.
Ông Võ Quang Lâm - Chánh Thanh tra Sở GTVT thừa nhận, đơn vị tiến hành thanh tra các cơ sở đóng tàu vỏ sắt tại thị xã Điện Bàn nhưng đang rất lấn cấn. Nghị định của Chính phủ hướng dẫn nếu không đủ điều kiện kinh doanh vận tải thì vẫn có thể hoàn thiện trong vòng 5 năm. Như vậy, muốn xử phạt phương tiện, đối tượng hút cát lậu phải chờ đến 5 năm sau, nên khâu xử lý bây giờ rất khó. Vì lỗ hổng này, mà những đoàn tàu không số xuất hiện trên sông ngày càng nhiều để vơ vét tài nguyên với mức độ khủng khiếp. Quý 2 năm 2015, lực lượng chức năng tỉnh triển khai đợt tổng kiểm tra và bắt buộc 115 tàu “chui” phải nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, đến nay nhiều nhà máy “trá hình” đóng tàu vỏ sắt vẫn ngang nhiên hoạt động, trong khi mỗi ngày hai bờ sông Thu Bồn tiếp tục bị sạt lở, đất sản xuất của người dân bỗng dưng bị biến mất.
TRẦN HỮU - BĂNG NHI