Tư vấn tuyển sinh 2016: "Đưa trường học đến thí sinh"
“Đưa trường học đến thí sinh” là chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2016 do Báo Người lao động tổ chức hôm 27.2 tại Trường THPT Sào Nam (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Chương trình thu hút hơn 1.500 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn Duy Xuyên tham gia.
Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người lao động tổ chức thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn Duy Xuyên tham gia. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Khối ngành kinh tế không còn “nóng”
Tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”, Công ty Phân bón Bình Điền - nhà tài trợ vàng của chương trình trao 15 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) và Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) trao 4 suất học bổng (500 nghìn đồng/suất) cho học sinh vượt khó học giỏi của các trường THPT trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Ngoài ra, Quỹ trái tim Hùng Hậu của Công ty Hùng Hậu trao số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ một nữ giáo viên đang công tác tại Trường THPT Nguyễn Hiền. Được biết, giáo viên này có hoàn cảnh khó khăn, hiện phải chạy thận tại Đà Nẵng. |
Sau nhiều năm thu hút sự quan tâm của học sinh (HS), có vẻ giờ đây khối ngành kinh tế không còn được nhiều HS mặn mà. Tại buổi tư vấn, phần lớn thắc mắc của HS dành cho khối ngành kỹ thuật, du lịch và đặc biệt quan tâm đến các trường ưu tiên tính thực hành - ứng dụng trong quá trình đào tạo. Gia Hân - HS Trường THPT Sào Nam đặt câu hỏi với Trường Đại học (ĐH) Đông Á - đơn vị tham gia buổi tư vấn: “Em được biết trường đào tạo theo hướng thực hành - ứng dụng, vậy đại diện nhà trường có thể cho biết hướng đào tạo này đối với ngành du lịch, cũng như các ngành khác của trường”. Về vấn đề này, PGS-TS. Lê Thị Liêm Thanh - Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Đông Á cho biết, các ngành đều được đào tạo thực hành tại trường và tại doanh nghiệp liên kết. Riêng ngành du lịch, từ năm 2015, trường đã ký hợp tác với Tập đoàn Route Inc (Nhật Bản) để giúp sinh viên của trường có điều kiện vừa học, vừa ứng dụng thực tế. Ngoài ra, theo thỏa thuận, mỗi năm tập đoàn này sẽ tuyển dụng 200 sinh viên tốt nghiệp của ĐH Đông Á vào làm việc trong chuỗi hệ thống 301 khách sạn tại Việt Nam, riêng tại Đà Nẵng trong giai đoạn 2016 - 2020 tập đoàn này sẽ xây dựng thêm 10 khách sạn.
Nhiều HS chia sẻ, mặc dù đã tìm hiểu kỹ về khối ngành kỹ thuật, xong vẫn chưa có cái nhìn đúng, chính xác hơn là còn “mơ hồ” về thực tế đào tạo, tuyển dụng. Bạn Thanh Nam - HS Trường THPT Nguyễn Hiền đặt câu hỏi: “Em muốn biết về thực tế nhu cầu việc làm ngành kỹ thuật. Bây giờ nếu em học ngành này, thì 5 năm nữa có còn nhiều hy vọng để xin việc hay không?”. TS. Trần Thanh Thưởng - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh giải đáp: “Trên thực tế, nhu cầu việc làm đối với nhóm ngành kỹ thuật, nhất là cơ khí đang ở mức rất cao, cơ hội sẽ lớn hơn với những người có nhiều kỹ năng mềm và thông thạo ngoại ngữ. Trong nhóm này, ngành kỹ thuật ô tô cũng có khá nhiều triển vọng về việc làm. Trong những năm gần đây, ở trường chúng tôi, ngành kỹ thuật ô tô là một trong ba ngành thu hút sinh viên nhiều nhất. Điều này xuất phát từ thực tế phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, nên thị trường lao động cho ngành này rất lớn”.
Không nộp hồ sơ trực tiếp tại trường
Một HS Trường THPT Sào Nam hỏi về trường hợp của bạn mình là HS khuyết tật nhưng học giỏi, được đặc cách tốt nghiệp THPT, nếu muốn vào ĐH-cao đẳng thì người bạn này phải thi tuyển như thế nào? TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, đặc cách xét tốt nghiệp THPT là do các sở GD-ĐT quyết định, xét đặc cách vào ĐH - cao đẳng do hiệu trưởng các trường này quyết định. “Năm nay có nhiều trường ưu tiên xét tuyển thẳng cho HS khuyết tật đã tốt nghiệp THPT. Em và bạn phải tìm hiểu kỹ quy định của từng trường để được hiểu rõ hơn” - TS Nghĩa cho biết thêm. |
Trước thông tin về dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH - cao đẳng năm 2016, bạn Tuyết Nhi - HS Trường THPT Lê Hồng Phong thắc mắc, theo quy chế này mỗi thí sinh chỉ được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành dễ dẫn đến tình trạng “thí sinh ảo” khiến cho thí sinh điểm cao nhưng bị rớt ĐH. “Vậy, làm cách nào để giảm tỷ lệ thí sinh ảo? Chúng ta có thể kiến nghị Bộ GD-ĐT quy định mỗi thí sinh được đăng ký nhiều ngành trong một trường hay không?”. Về câu chuyện “thí sinh ảo”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thẳng thắn: “Nếu giải quyết được “thí sinh ảo” thì Bộ GĐ-ĐT đã giải quyết từ nhiều năm nay rồi. Về cách đăng ký xét tuyển năm 2016, có 2 hình thức nộp hồ sơ là qua đường bưu điện hoặc online, thí sinh không phải nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Về phía nhà trường, mỗi ngày sẽ công bố số hồ sơ nộp và điểm xét tuyển tương ứng từng khối thi, ngành học là bao nhiêu, đồng thời công bố xét tuyển 3 tình huống: (1), thí sinh rớt cả 2 nguyện vọng, tiếp tục làm hồ sơ xét tuyển vào các trường khác; (2), một trường rớt, một trường đậu thì các em có thể chờ thông báo và nộp phiếu báo điểm để làm thủ tục nhập học; (3), trường hợp đậu cả 2 trường, các em phải bình tĩnh, chọn đúng trường, đúng ngành mà mình thực sự yêu thích”.
Theo Ban tư vấn chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”, hiện chưa có thông tin ban hành chính thức về Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng như tuyển sinh ĐH - cao đẳng 2016, nhưng bản dự thảo cũng đã khá rõ ràng, HS cần tiếp tục theo dõi để nắm kỹ thông tin. HS sau khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các cụm ĐH - cao đẳng sẽ được cấp một giấy báo điểm, giấy báo điểm này dùng để đăng ký xét tuyển, được nộp tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và kéo dài trong 12 ngày, sẽ có thêm đợt xét bổ sung kéo dài 10 ngày.
XUÂN KHÁNH