Cô giáo của những người tị nạn
Aqeela Asifi là một cô giáo nỗ lực không mệt mỏi để gieo chữ cho người tị nạn Afghanistan, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ trong trại tị nạn ở Pakistan.
Cô giáo Aqeela Asifi (giữa) dạy học cho nữ sinh Aghanistan. (ảnh: UNHCR) |
Năm 2015, Aqeela Asifi được Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn trao giải Nansen vì người tị nạn - một vấn đề nóng của quốc tế trong suốt nhiều năm nay. Suốt 23 năm qua, cô giáo Aqeela Asifi nỗ lực thuyết phục nhiều phụ nữ, trẻ em gái là đồng hương của cô đang sống trong những túp lều tị nạn tạm bợ được tiếp cận với con chữ, với nền giáo dục với mong muốn họ sẽ có tương lai tươi sáng hơn sau này. Tại trại tị nạn người Afghanistan ở tỉnh Punjab của Pakistan cũng là nơi Aqeela Asifi là cô giáo, người tị nạn Afghanistan sinh sống trong hàng chục năm qua.
Vào năm 1992, như hoàn cảnh của hàng nghìn người Afghanistan khác, Aqeela Asifi buộc phải chạy khỏi quê hương khi cuộc nội chiến đẫm máu xâu xé đất nước. Asifi bỏ lại sau lưng nhiều thứ từ gia đình, ngôi nhà, chỗ dạy học ở thủ đô Kabul (Afghanistan) để đến Kot Chandana - một ngôi làng ở Pakistan nơi có gần 180 nghìn người tị nạn. Trong những năm 1990, có hơn 3 triệu người rời bỏ Afghanistan để chạy qua biên giới Pakistan, càng trút thêm gánh nặng lên các dịch vụ xã hội, hạ tầng và nhất là các dịch vụ y tế, giáo dục cho đất nước láng giềng vốn còn rất khó khăn. “Khi tôi bắt đầu sống ở trại tị nạn, việc học của trẻ em gái đến độ tuổi đến trường bị lãng quên. Hầu như bọn trẻ không còn nhận thức đến việc học hành và tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc sống của chúng. Bọn trẻ không còn biết đến sách vở, bút và tôi nhận ra rằng mình cần phải giúp đỡ chúng” - Aqeela Asifi nói.
Cuộc sống ở nhiều khu tị nạn đương nhiên không trường, không lớp, cái ăn, cái mặc không đủ thì việc học hành thường là ước mơ của trẻ tị nạn. Aqeela Asifi bắt đầu tự dựng lên một túp lều đơn sơ, động viên trẻ em gái tham gia lớp học. Ngoài điều kiện thiếu thốn như không điện, không nước dù cho nhiệt độ ngoài trời nóng bức, Aqeela Asifi còn đối mặt với thành kiến giáo dục cho trẻ em gái. Đó là nhiều bậc cha mẹ Afghanistan cấm kỵ con gái của mình không được học hành. Vì thế, Aqeela Asifi có thêm một trọng trách nữa là bắt đầu động viên, khuyến khích và thuyết phục cha mẹ cho con gái của họ theo học, và cả những bà mẹ nếu cần biết đến cái chữ. Lúc đầu, Aqeela Asifi tự bỏ tiền túi để mua vở, sách bút cho các em. Cứ thế, túp lều của cô giáo Aqeela Asifi trở thành “trường học” mỗi ngày càng đông học sinh.
Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm, Aqeela Asifi dựng lên được nhiều lớp học kiên cố tại khu tị nạn. Đến nay, đã có hơn 2.500 học sinh trai, gái, phụ nữ tị nạn Afghanistan và cả những em hoàn cảnh khó khăn Pakistan trong làng Kot Chandana cũng theo các lớp học của Aqeela Asifi. Asifi cho biết, cô rất tự hào khi một trong những học sinh cũ của mình tại làng tị nạn Kot Chandana trở về Afghanistan mở các lớp học, trong đó có các lớp học tại nhà để dạy dỗ hàng trăm trẻ em gái tại thành phố Kunduz. Nhiều học sinh của Aqeela Asifi trở thành bác sĩ, làm việc trong ngành khoa học máy tính… “Hàng trăm học sinh của tôi đã có tương lai tốt hơn sau khi các em được học hành, dù đó là ở những nơi gian khổ nhất. Đây là niềm tự hào nhất trong cuộc đời của tôi” - cô giáo Aqeela Asifi cho biết.
NAM VIỆT