Nhịp cầu nâng bước xuân vui
Bắt nguồn từ Thác Ngố (xã Tiên Hà, Tiên Phước) chảy xuống giáp bến Bà Chầu - sông Tranh là một nhánh nước rẽ ngang băng qua vùng quê nghèo Thăng Phước (Hiệp Đức), bao đời nay người dân gọi là sông Ngang. Phù sa của sông Ngang làm xanh thêm cuộc sống của làng An Lâm phía bờ nam và làng An Tráng nơi bờ bắc. Kể từ ngày vùng quê này được chia đôi, làng An Lâm thuộc về xã Thăng Phước, còn làng An Tráng thuộc về xã Bình Sơn, người dân ở hai bờ nam - bắc muốn đến với nhau đều phải qua đò.
Thầy giáo Châu Văn Mậu - người con của làng An Tráng và lão chèo đò Lê Đông - người con của làng An Lâm vẫn còn giữ mãi những ký ức đẹp về bến đò xưa An Lâm. Trong kháng chiến, bến đò này được đổi tên thành bến đò Tam Cấp, vì ở hai đầu bến người dân tạo nhiều bậc cấp để dễ đi lại, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực. Năm 1980, anh Huỳnh Hữu Trí - thành viên Câu lạc bộ thơ Sông Tranh Hiệp Đức viết bài thơ “Bến đò Tam Cấp” nhớ lại một thời chiến tranh ác liệt, mà ở đó bến đò Tam Cấp là điểm hẹn của những tin vui chiến thắng: “Tin về những trận thắng to/ Bến đò Tam Cấp tiếng hò lại vang/ Ơi anh bộ đội chuyển hàng/ Xuống đò đúng lúc kẻo nàng chờ lâu/ Đêm sâu đạn hú ngang đầu/ Pháo kệ pháo thuyền bầu có em đưa”…
Cụ bà Trần Thị Thợ trên chiếc cầu 40 năm mơ ước. Ảnh: H.T.P |
Ngày qua tháng lại, bến đò Tam Cấp là một dấu ấn hằn sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người dân Thăng Phước - Bình Sơn. Trong đó, không thể không nhắc đến những thế hệ chèo đò góp phần vào công cuộc kháng chiến. Sau 40 năm giải phóng, đã có 4 người thay nhau lái đò ở bến sông này, trong đó có 3 người đã qua đời như ông Châu Hòa (cha của thầy giáo Châu Văn Mậu), ông Châu Muộn (anh ruột của ông Châu Hòa), ông Lê Điền (cha của lão chèo đò Lê Đông). Lão chèo đò Lê Đông năm nay 62 tuổi là thế hệ chèo đò cuối cùng còn sống đến ngày có chiếc cầu treo Tam Cấp bắc qua sông Ngang. Bến đò An Lâm - bến đò Tam Cấp những tên gọi thân thương đã trở thành ký ức như những câu chuyện cổ tích về một thời gian khó, thủy chung. Cái quán nhỏ phía nam cầu treo, đầu làng An Lâm của con cháu lão chèo đò Lê Đông đặt tên là Bến đò xưa quán - như chạm đến cái tình cái nghĩa quê hương, như niềm thương nỗi nhớ, một sự tri ân.
Tác giả và người chèo đò Lê Đông. |
Câu chuyện đầu xuân Bính Thân 2016 với lão chèo đò Lê Đông tại nhà riêng của ông bên bến đò xưa, mãi còn để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc, khó quên. Mái dầm xưa đã cũ, con đò xưa cũng chìm dưới lòng sông do lâu ngày không đưa khách sang sông. Ông vác mái chèo ra bên bờ sông, lặng nhìn con đò và nói với tôi rằng ông không bao giờ cảm thấy buồn khi có chiếc cầu treo bắc qua con sông này. Ngay cả khi chưa có cầu, mưu sinh bằng cái nghề chèo đò để kiếm tiền cho con ăn học, ông cũng mong sao có một nhịp cầu để người dân Thăng Phước - Bình Sơn đi lại an toàn. Từ ngày gác dầm, có người bảo ông làm đơn đề nghị chính quyền hỗ trợ thất nghiệp, nhưng ông ngần ngừ, suy nghĩ có nên hay không. Cuối cùng ông nhất quyết là không. Ông nghĩ hồi xưa mình tự làm tự ăn, bữa ni có cầu mình không chèo đò nữa, bắt người ta hỗ trợ thì làm khó cho người ta quá. Trong giây phút trải lòng mình với quê hương, lão chèo đò Lê Đông đọc luôn mấy lời tâm huyết như thơ: Thương thay cho lão chèo đò, ngày xưa vất vả nay có cầu ngồi không; Con đò lấp dưới lòng sông, nhưng lòng vẫn thỏa ước mong có cầu.
Từ khi khởi công dự án làm cầu treo bắc qua khúc sông này, bà cụ Trần Thị Thợ, năm nay đã 89 tuổi, mẹ của thầy giáo Châu Văn Mậu cứ hỏi hoài con cháu khi nào cầu làm xong. Cầu làm xong rồi bà lại muốn con cháu đưa bà đến đó để tận mắt thấy giấc mơ 40 năm đã trở thành sự thật. Con cháu không dám đưa bà đi vì bà đang bệnh nặng. Bà năn nỉ. Bà ước mong chỉ cần một lần đặt chân lên chiếc cầu đó, có chết bà cũng vui lòng. Nghe bà nói vậy, con cháu cầm lòng không đặng nên phải đưa bà ra thăm chiếc cầu treo bắc qua con sông quê hương đã gắn bó suốt cả cuộc đời.
Tháng Giêng năm nay ở Thăng Phước - Bình Sơn đất trời rạng rỡ. Nhịp cầu treo nâng bước xuân vui theo dòng người xuôi ngược. Nhà nhà, người người, ai ai gặp nhau, câu chúc xuân đầu tiên cũng đều nói đến nhịp cầu nối liền tình nghĩa Thăng Phước - Bình Sơn do Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải xây dựng có tải trọng 0,5 tấn, mô tô, xe thô sơ và người đi bộ qua lại dễ dàng. Sắc màu nam thanh nữ tú, những đứa con của Thăng Phước - Bình Sơn đi học, đi làm ăn xa trở về đứng trên cầu lòng vui mở hội như những họa tiết làm đẹp thêm bức tranh quê.
Anh Đoàn Văn Danh - Trưởng thôn 1, xã Bình Sơn nâng ly rượu mừng xuân mời khách mà lòng khấp khởi. Anh hỏi tôi, đã đến cầu treo chưa. Anh bảo, hãy một lần đến đó để cảm nhận hết niềm vui của người dân Thăng Phước - Bình Sơn sau mấy mươi năm chờ đợi một giấc mơ trở thành hiện thực...
HUỲNH TRƯƠNG PHÁT