Thích ứng cây trồng vì biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 22/02/2016 10:14

Tại nhiều quốc gia khu vực Trung Mỹ, nông dân bắt đầu chuyển đổi cây trồng để thích nghi biến đổi khí hậu (BĐKH).

Khu vực miền núi Jinotega của đất nước Nicaragua từng là mảnh đất lý tưởng để trồng cà phê. Trang trại của nông dân Roger Castellon từng được bao phủ xanh um vườn cà phê rộng lớn, cho các vụ mùa bội thu. Song giờ đây, Roger Castellon bắt đầu chuyển canh tác cây trồng ở vùng đất thấp hơn và cây cà phê nay đã được thay đổi bằng cây trồng thích ứng tốt hơn với BĐKH hơn là ca cao. “Cây cà phê không còn trụ vững được nữa vì diễn biến thay đổi khí hậu toàn cầu tác động đến khu vực, thời tiết khô hạn khắc nghiệt” - Roger Castellon nói.  

chi phí canh tác ca cao tại Jinotega chỉ bằng 1/3 chi phí canh tác cà phê; thu nhập từ ca cao nay cải thiện đáng kể nhờ vào sản lượng thu hoạch còn sản lượng cà phê lại thất bát. Canh tác ca cao còn được xem là hình thức sản xuất thân thiện với môi trường. Và chính nhờ sự chuyển đổi này làm sống lại ngành kinh doanh của ca cao - loại cây trồng đã từng là nguồn thu chính của nhiều nền kinh tế tại khu vực này.

Một vườn ca cao tại Nicaragua.(Ảnh: Reuters)
Một vườn ca cao tại Nicaragua.(Ảnh: Reuters)

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, vì lý do chuyển đổi cây trồng trong vụ mùa năm nay, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu từ nhiều nước trong khu vực  giảm xuống 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ tính riêng tại Nicaragua, sản xuất và xuất khẩu ca cao năm 2015 đạt 3.839 tấn, tăng 80% so với năm 2014. Hay tại El Salvador, tổng diện tích trồng ca cao hiện tăng gấp hàng trăm lần trên cả nước. Thậm chí tại Honduras, nơi sản lượng cà phê đang hồi phục nhưng chính phủ nước này kiến nghị những người trồng cà phê tại đây phải thay thế 8% đất trồng cà phê sang trồng ca cao để ngăn ngừa tác động tiêu cực và lâu dài của BĐKH lên cây trồng, như nhiệt độ gia tăng và lượng mưa thấp. Honduras cho biết, năm 2016 sẽ chuyển 20.000ha cà phê sang trồng ca cao và trong vòng vài năm tới đây, Honduras dự định tăng diện tích trồng ca cao lên 60.000ha, bởi nhiều vùng cà phê bị thiệt hại nặng nề bởi nấm hại lá roya gây ra, nguyên chân chính được xác định là vì thời tiết.  

Trung tâm quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vùng nhiệt đới (International Centre for Tropical Agriculture) cho biết cụ thể, nhiệt độ tại khu vực Trung Mỹ nói chung tăng khoảng giữa 0 - 3oC trong một thế kỷ qua, trong đó các vùng trồng cà phê dự báo tăng 2,1oC vào năm 2050. Nhiệt độ trái đất càng ấm hơn sẽ khiến mùa cà phê càng thất bát, sâu bệnh hại cây trồng xuất hiện tràn lan, thiếu nước tưới tiêu… Roberto Mairena - một nông dân 51 tuổi - có diện tích 8,4ha ca cao tại khu vực đồi núi Matagalpha của Nicaragua cho biết: “Tại Matagalpha không còn cây cà phê nữa rồi bởi sản lượng thu hoạch là rất thấp buộc nhiều người phải chuyển sang đầu tư khác như ca cao chẳng hạn, hiện ca cao vẫn cho năng suất rất cao”.

Thêm một lý do khác khiến nhiều diện tích cà phê được chuyển sang trông ca cao là nhờ vào giá cả mặt hàng này, đặt nhiều hy vọng cải thiện thu nhập của nhà nông khi giá ca cao trên thế giới tiếp tục tăng liên tiếp trong vòng 4 năm qua, hiện có giá khoảng 1,36USD một pound, tức khoảng 0,45kg. (Trong khi đó, giá cà phê rớt thảm hại đến 24% trong năm 2015, ở mức khoảng 1,20USD một pound). Cây ca cao, nguyên liệu chính để sản xuất sô-cô-la dự kiến sẽ mang lại nguồn thu khổng lồ cho các quốc gia Trung Mỹ.

NAM VIỆT

NAM VIỆT