Ngành Tư pháp Tam Kỳ: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật
Trong những năm qua, Phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ đã có nhiều sáng tạo trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận các văn bản, kiến thức pháp luật vốn khô khan...
Để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua các hình thức như tổ chức hội thi, đối thoại pháp luật, tuyên truyền qua internet..., trước hết ngành Tư pháp Tam Kỳ đã làm được một việc quan trọng: kiện toàn đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật. Toàn thành phố hiện có 67 báo cáo viên pháp luật, 151 tuyên truyền viên pháp luật ở xã và 109 hòa giải viên ở các thôn. Ngoài kiến thức chuyên môn cơ bản sẵn có, đội ngũ này thường xuyên được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật thông tin pháp luật.
Đối thoại pháp luật
Thay vì tổ chức các buổi hội nghị pháp lý, vốn chỉ dành cho các đối tượng theo quy định, Phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ đã tổ chức đối thoại chính sách pháp luật với nhân dân. Các buổi đối thoại về chính sách pháp luật đất đai, đền bù giải tỏa, chế độ chính sách đối với người có công... thu hút khá đông người dân tham gia. Đáng chú ý, những buổi đối thoại do Phòng Tư pháp Tam Kỳ tổ chức luôn có sự tham dự của lãnh đạo của các cơ quan chuyên môn của thành phố và xã, phường nên các câu hỏi, những vướng mắc pháp luật của bà con nhân dân được giải đáp ngay chứ không còn tình trạng hẹn lần hẹn lữa như trước đây. Ông Võ Hoàng ở phường Hòa Thuận tâm sự: “Đến dự các buổi đối thoại pháp luật như thế này, những người dân như chúng tôi cảm thấy hài lòng khi những vướng mắc của mình được các cấp có thẩm quyền trả lời thỏa đáng và trực tiếp. Dù đôi khi vụ việc chúng tôi thắc mắc chưa thể giải quyết được ngay nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui vì được chia sẻ, được hỗ trợ những khó khăn trong tìm hiểu chính sách và pháp luật”.
Các thí sinh đoạt giải cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Ảnh: CHÂU NỮ |
Theo ông Nguyễn Quốc Sử - Phó Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ, đối thoại pháp luật là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả hơn so với trợ giúp pháp lý vì không hạn chế đối tượng tư vấn pháp luật. Bất cứ ai có nhu cầu trao đổi, tìm hiểu, vướng mắc về pháp luật đều được tham dự và giải đáp. Tuy nhiên, tuyên truyền pháp luật theo hình thức này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ban, ngành liên quan phải trả lời tại chỗ thắc mắc của người dân nên người tham dự phải nắm vững những quy định của pháp luật. Có như vậy, người dân mới cảm thấy thuyết phục.
Tìm hiểu pháp luật từ hội thi
Cho đến nay, Tam Kỳ là địa phương đầu tiên và duy nhất của Quảng Nam tổ chức thành công nhiều đợt thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, phương thức hoạt động này đã tạo thêm một kênh tuyên truyền hiện đại và linh hoạt để người dân tiếp cận với pháp luật bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Còn ông Thái Nguyên Đại - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) thì nhận xét, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến như Tam Kỳ đã và đang làm là một trong những hình thức phổ biến pháp luật hiệu quả. Tuy nhiên, để triển khai rộng ra trên địa bàn cả tỉnh là không dễ, bởi những khó khăn nhất định trong khâu tổ chức và khả năng đáp ứng về mặt kinh phí.
Năm 2015, Tam Kỳ tổ chức 2 đợt thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thu hút hơn 2.500 lượt người tham gia. Đợt thi thứ 3 vừa khởi động vào trung tuần tháng 1 năm 2016 này cũng thu hút hơn 1.000 lượt người tham gia. Nội dung cuộc thi chia thành nhiều chủ đề phù hợp với từng đối tượng như: tìm hiểu pháp luật về người chưa thành niên, pháp luật về cán bộ công chức; hôn nhân gia đình, đất đai, hộ tịch hộ khẩu, khiếu nại, tố cáo... Kết thúc mỗi đợt thi, ban tổ chức đều tổng kết, rút kinh nghiệm và trao giải cho cá nhân và tập thể.
Có một điểm đặc biệt là, mặc dù cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do ngành Tư pháp Tam Kỳ tổ chức chỉ dành cho cán bộ, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh, nhân dân trên địa bàn thành phố nhưng lại thu hút khá đông người ở các địa phương khác trong tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố khác dự thi. Bạn Hà Thị Phương (Nghệ An) - một trong số khá nhiều các “thí sinh” ngoại tỉnh dự thi cho biết, với lập trình tiện tích cho phép người dự thi trả lời câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm trong vòng 15 phút và biết đáp án ngay sau khi trả lời câu hỏi nên cuộc thi có tính hấp dẫn, tạo sự phấn khích đáng kể cho người dự thi. Kiến thức pháp luật cũng nhờ vậy “nằm lòng” nhanh hơn và chắc chắn hơn. Chị Lương Thị Gái, cán bộ UBND phường An Phú, người đoạt giải nhất đợt thi thứ 2 với nội dung tìm hiểu Luật Căn cước công dân, Luật Phòng chống bạo lực gia đình tâm sự, nhờ tham gia cuộc thi này nên chị đã có thêm kiến thức pháp luật và cả kỹ năng vận dụng, xử lý tình huống pháp luật trong lĩnh vực mình phụ trách...
Ngoài hình thức thi trực tuyến, thời gian qua ngành tư pháp Tam Kỳ còn tổ chức thành công nhiều hội thi khác, chẳng hạn hội thi rung chuông vàng được lấy phiên bản trên truyền hình, hội thi hòa giải viên giỏi, tình huống pháp luật... Theo ông Nguyễn Quốc Sử, ưu điểm của các hội thi là thu hút được đông đảo người tham gia, hình thức mới lạ, chuyển tải được nhiều nội dung, tính tương tác giữa các người chơi và cổ động viên cao nên các văn bản pháp luật được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và đặc biệt, thông qua đó các nội dung luật dễ đi vào lòng người và cũng dễ nhớ, nhớ lâu hơn.
CHÂU NỮ