Còn đó, bóng đa Diên Bình...

TẠ TẤN SỸ 20/02/2016 08:30

Anh hùng LLVTND Ngô Miên (còn có tên Ngô Thanh Đăng, hoặc Ngô Đăng) sinh năm 1931 tại làng Phượng Trì, xã Quế Xuân (nay là Quế Phú), huyện Quế Sơn.

Hơn 10 tuổi Ngô Miên bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà, làm nhiệm vụ liên lạc, canh gác bảo vệ những cuộc họp bí mật, tham gia nuôi giấu cán bộ (đặc biệt trong đó có ông Võ Toàn, tức Võ Chí Công, sau này là Bí thư Khu ủy khu V, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước). Trong Cách mạng Tháng Tám, Ngô Miên tham gia lực lượng tự vệ tiên phong cướp chính quyền tại huyện Quế Sơn, bắt tên tri huyện phải quỳ giao ấn triện cho đại diện chính quyền cách mạng. Sau đó Ngô Miên làm tiểu đội trưởng tự vệ chiến đấu xã, rồi làm chính trị viên dân quân tự vệ xã…

Cây đa Diên Bình.
Cây đa Diên Bình.

Tháng 12.1949 Ngô Miên được Khu ủy khu V điều động lên địa bàn Kon Tum. Là “cán bộ 3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào thiểu số), Ngô Miên phải cà răng, căng tai, đóng khố, ở trần, học nói và viết tiếng bản địa đến thành thục. Những lúc vui miệng ông hay nói rằng có khi nhớ tiếng mẹ đẻ quá, phải tìm chỗ vắng tự nói chuyện một mình cho… đỡ nhớ! Hơn 23 năm “hóa thân” như vậy, Ngô Miên gần như trở thành một công dân của các plei - làng thực thụ, ít ai còn ngờ đó là cán bộ miền xuôi lên. Do vậy, suốt những tháng năm dài gian nan cam khổ trăm bề nơi căn cứ, Ngô Miên luôn được bà con coi như ruột thịt, bảo bọc, tin yêu rất mực.

Đường phố Ngô Miên ở thành phố Kon Tum. Ảnh: T.V.SỸ
Đường phố Ngô Miên ở thành phố Kon Tum. Ảnh: T.V.SỸ

Ở Kon Tum, Ngô Miên được giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy khu vực Hà Lâng (H30 thời kháng chiến - một phần huyện Đăk Glei ngày nay). Năm 1952 là Ủy viên Ban Cán sự H30 và H80. Sau Hiệp định Genève năm 1954, Ngô Miên được phân công ở lại bám trụ, hoạt động bí mật tại chiến trường Kon Tum, tiếp tục là Ủy viên Ban cán sự H30 và H80.  Năm 1962 là Phó Bí thư H80, đến 1969 là Bí thư Huyện ủy H80. Ngày 18.1.1972 Ngô Miên anh dũng hy sinh lúc vừa tròn 41 tuổi. Ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1999) và danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2000). Ghi nhớ công trạng của người anh hùng, ngày nay tại thành phố Kon Tum và thị trấn Đăk Hà đã có đường phố mang tên ông. (Tại thành phố Kon Tum là đường Ngô Miên, tại thị trấn Đăk Hà là đường Ngô Đăng). Có lẽ rồi đây các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Sa Thầy… (thời Ngô Miên hoạt động và làm Bí thư đều thuộc địa bàn H80) cũng sẽ có đường phố mang tên người anh hùng đã từng gắn cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình cho đến lúc máu và nước mắt đổ xuống thấm đẫm vào miền đất ấy.
Về sự hy sinh của Ngô Miên được các lão thành cách mạng hoạt động cùng thời kể lại: Chiều tối ngày 17.1.1972, sau khi nhận nhiệm vụ và chia tay Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum lúc bấy giờ là Phạm Nhớ, Ngô Miên cùng với một đồng chí khác từ căn cứ cắt rừng vượt sông Đăk Pơ-xi về ấp chiến lược Kon Hring, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô để làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch lớn Xuân – Hè năm ấy. Ấp chiến lược Kon Hring lúc bấy giờ là “vùng chữ O” - tức vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, rất nguy hiểm. Tại ấp này, trước đó Ngô Miên đã gầy được một gia đình cơ sở tín cẩn, là nhà bà Trần Thị Quản, đồng hương Quảng Nam. Theo mật ước, khi nào tình hình trong ấp bảo đảm an toàn thì nhà để đèn sáng, nếu địch có mặt trong ấp hay canh tuần thì đèn tắt. Thế nhưng, đêm ấy có một tốp lính đến chơi nhà bà Quản, nhà chưa tắt đèn được. Thấy đèn sáng, Ngô Miên và người đồng chí đi vào. Bọn lính phát hiện, nã đạn bắn đuổi. Hai người thoát chạy. Vừa đến bờ rào ấp chiến lược thì Ngô Miên bị loạt đạn quét ngang chân, khụy tại chỗ, bắn trả đến viên đạn cuối cùng. Đến mờ sáng (ngày 18) thì bị bắt. Địch không tổ chức cứu chữa mà ra đòn tra tấn, hỏi cung. Ngô Miên nén đau chịu trận không khai báo điều gì. Thấy “tên Việt cộng quá lì lợm”, chúng cột Ngô Miên vào xe Jeep kéo lê từ Kon Hring về đến huyện đường Đăk Tô (khoảng 10 cây số) tiếp tục tra khảo. Mình mẩy rách nát tả tơi, máu me bết cứng, đau đớn tột cùng, nhưng Ngô Miên vẫn một mực cắn răng. Địch lại dùng xe Jeep kéo lê Ngô Miên ngược trở lại chỗ cây đa Diên Bình (gần Kon Hring). Tại đây, nhằm thị uy và khuyến cáo bà con nhân dân không được tin nghe cộng sản, chúng rạch bụng Ngô Miên trước mặt mọi người để xem “gan cộng sản to cỡ nào”, rồi cột xác treo trên cành đa, thông báo nếu ai hạ xác xuống sẽ bị bắn bỏ. Đến 5 ngày sau, thi thể bắt đầu phân hủy, bà con lấy cớ sợ ô nhiễm, xin dỡ xuống đưa đi chôn cất tử tế.

Ngày nay, dưới bóng mát tán đa, khách đi đường thường dừng chân nghỉ mỏi, thưởng thức miếng dưa hấu ngọt lành hoặc mua vài món nông sản của bà con nông dân sản xuất ở vùng này. Và, những ai biết chuyện, bất giác ngó lên tán lá xanh um xùm xòa u tịch, như vẫn còn thấy lẩn khuất đâu đó bóng anh linh người anh hùng xả thân vì dân vì nước.

Anh hùng Ngô Miên mất đi, kịp để lại một người con trai duy nhất Ngô Binh (sinh năm 1954), là kết quả của một trong những lần hiếm hoi được tạt về quê nhà thăm vợ. Người con trai đó sau này cũng lại tiếp bước chân cha gắn bó và công tác tại tỉnh Kon Tum; hiện sống tại thành phố Đà Nẵng.

Bóng đa cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi vẫn còn đó, gần cột cây số ghi cách Đăk Tô 7km, cách Đăk Hà 14km. Cây đa như một chứng tích lịch sử. Người Kon Tum - đặc biệt là bà con quanh khu vực các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi ngày nay (thời đánh Mỹ đều thuộc địa bàn H80, tức huyện Đăk Tô) - mỗi khi đi về trên đường 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) đoạn ngang qua vùng bán ngập của lòng hồ thủy điện Plei Kroong, thuộc xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, từ xa xa nhìn thấy bóng cây đa cổ thụ sừng sững tỏa bóng bên vệ đường, đều thoáng lòng nhớ về Anh hùng LLVTND Ngô Miên.

TẠ TẤN SỸ

TẠ TẤN SỸ