Khuyến học, khuyến tài ở Bình Dương
(QNO) - Những năm gần đây, Hội Khuyến học xã Bình Dương (Thăng Bình) đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần đáng kể vào công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương.
Vùng cát hiếu học
Mang trong mình bệnh tim bẩm sinh, cùng cực hơn khi người cha - lao động chính trong gia đình lại đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng Phan Thị Ngọc Quý (thôn 3, xã Bình Dương) vẫn quyết tâm theo đuổi con chữ. Vào những ngày không bị căn bệnh hành hạ, Quý cùng các bạn đạp xe hơn 3km để đến trường. Quý chia sẻ: “Chiếc xe này em được địa phương tặng năm ngoái. Do bị đau, phải điều trị nên em đi học muộn hơn 2 năm so với các bạn cùng trang lứa. Tuy vậy, em vẫn muốn đến trường để tiếp tục học.” Anh trai Quý là Phan Duy Quang, đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Thương cha và em đau ốm, gia đình ngặt nghèo, ngoài những giờ học trên giảng đường, Quang lại lao vào làm thêm để kiếm tiền trang trải.
Lễ trao học bổng “Vì em hiếu học” tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Bình Dương). |
Cùng hoàn cảnh đó, em Phan Thị Nhật (SN 1997, thôn 1) mồ côi ba từ nhỏ. Quanh năm phải sống trong cảnh bị bệnh tật hành hạ, thường bị co giật, sùi bọt mép, khó thở nhưng Nhật đã vượt qua tất cả. Em đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Nông lâm Huế. Gặp em trong buổi tuyên dương những sinh viên đỗ đại học do Hội Khuyến học xã Bình Dương tổ chức vào mồng 2 tết vừa qua, chúng tôi khó hình dung được những nỗi đau mà cô gái này đã phải trải qua. Một gương mặt đầy tự tin, ánh mắt trong sáng!
Đó là ba trong số rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm ở vùng cát nghèo khó này. Dẫu có khắc nghiệt như cây xương rồng mọc trên cát, nhưng những bông hoa hiếu học đó vẫn đâm chồi, nảy lộc đầy kiêu hãnh.
Nối dài những tấm lòng
Bình Dương hôm nay đã có nhiều đổi thay, sự nghiệp giáo dục cũng có nhiều khởi sắc. Để sẻ chia những thiệt thòi với các học sinh, sinh viên, Hội Khuyến học xã thời gian qua đã thường xuyên phối kết hợp, vận động từ nhiều nguồn lực hỗ trợ để giúp đường đến trường của các em bớt phần chông chênh. Ông Phan Phước Sơn - Chủ tịch Hội Khuyến học Bình Dương cho biết, việc kết hợp với các chi hội trường học, dòng tộc hiếu học để tuyên truyền nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc học được quan tâm thường xuyên. Bằng nhiều cách, ông cùng các thành viên trong Ban chấp hành Hội đã gây quỹ tạo nguồn kinh phí sẵn có cho Hội hoạt động. “Chúng tôi tích cực phối hợp với chi đoàn thanh niên, các chi hội phụ nữ, khuyến học ở các thôn tổ chức các chương trình ý nghĩa như văn nghệ Thắp sáng ước mơ cho em, giải bóng đá tứ hùng… Tại đây, đã trao trên 100 suất học bổng trị giá gần 33 triệu đồng cho các em học sinh, sinh viên” - ông Sơn nói.
Khuyến học, khuyến tài là phong trào chung. Thời gian qua, Hội Khuyến học Bình Dương nhận được sự đồng hành từ nhiều những tấm lòng của con em địa phương đang sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó mà năm qua, hàng nghìn suất học bổng (trị giá gần 90 triệu đồng) đã được trao cho các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi. Bên cạnh đó còn vận động các tổ chức, hộ gia đình ở địa phương trao thưởng, học bổng, trợ cấp khó khăn cho gần 1.000 học sinh, sinh viên với tổng trị giá gần 30 triệu đồng.
Những món quà có thể không lớn nhưng mang ý nghĩa tinh thần, làm ấm lòng bao người dân ở vùng đất còn nhiều khốn khó như xã Bình Dương; giúp học sinh, sinh viên có thêm động lực và niềm tin theo đuổi ước mơ. Sự hỗ trợ kịp thời đó chính là chiếc phao để các em vượt qua cảnh ngặt nghèo. “Hội Khuyến học địa phương luôn mong muốn sẽ là cánh tay nối dài, là cầu nối của tấm lòng đến tấm lòng để đường nuôi con chữ của học sinh, sinh viên vùng cát bớt gập ghềnh. Chúng tôi cần nhiều sự chung tay của các cá nhân, tổ chức… để đưa phong trào khuyến học của địa phương ngày một phát triển” - ông Phan Phước Sơn chia sẻ thêm.
THU SƯƠNG