Tuổi già...
Ông bán vé không phải vì vất vả mà vì ông muốn lao động. đi bán giống như đi chơi. Mệt đâu nghỉ đó, thích gì ăn nấy, gặp chỗ chơi cờ tướng ông đứng cạnh góp vui.
Ông tên là Trần Xuân Phụng, nhà ở Vĩnh Điện, Điện Bàn. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn không ai nghĩ ông đã ngoài 90 tuổi. Chính xác, ông sinh ngày 20.8.1923, vậy là đến tết năm nay ông đã 94 tuổi. Ông kể, ông đi bán vé số từ trước năm 1975, sau giải phóng về làm đủ thứ việc, bây giờ cuối đời quay lại nghề bán vé số. Đôi khi nghĩ đó cũng như cái nghiệp vận vào người. Thường lệ, 4 giờ sáng ông Phụng thức dậy, tập thể dục đến 5 giờ rồi thong thả đi bộ qua khu vực chợ mới Vĩnh Điện bắt đầu một ngày bán vé số. Mưa nắng, đắt, ế cũng chỉ 100 tấm vé số mỗi ngày, không hơn không thiếu. Khỏe đi nhiều, mệt thì bán quanh quẩn trước chợ, bình quân một ngày ông cũng kiếm được 50 - 100 nghìn đồng. Theo suy nghĩ của ông, mọi thứ cứ đơn giản thì sẽ vui, như cái nghề bán vé số dạo này cũng vậy, vô quán cà phê, mời ai ủng hộ thì mua chứ không năn nỉ, kỳ kèo, bán không hết mang về trả. Trưa siêng thì về nhà, mệt ở lại ăn cơm bụi, xong làm ly cà phê, hút vài điếu thuốc. Chiều trả vé về ghé vô quán gọi dĩa mồi và một chai bia thế là đủ giãn xương cốt trước khi lên giường đánh một giấc đến sáng.
Ông già bán vé số Trần Xuân Phụng.Ảnh: N.T.G |
Tính đến nay, ông không nhớ mình đã có bao nhiêu cháu chắt. Ông cho rằng, con cháu đông nhưng ai cũng có phận nên không muốn làm phiền. Ông đi bán vé số cũng chỉ thích được tự do tự tại, lại có sẵn đồng tiền, ưng uống ly cà phê cũng không cần xin tiền con cháu, nên làm bao nhiêu ông tiêu hết bấy nhiêu, vì suy cho cùng bươn chải cả đời rồi, bây giờ thời gian đâu còn bao nhiêu nữa mà dành dụm, vợ cũng đã mất 7 - 8 năm trước. “Số tôi giống như con gà, không bươi xới không chịu được. Bữa nào nghỉ ở nhà thấy cứ đau nhức mình mẩy, nên con cháu dù ngăn cản miết nhưng cái chân quen đi rồi nên tụi nó không cấm được. Mà nói thiệt, không biết người khác sao chứ tôi mà ở không rảnh chân tay chắc khó sống đến chừng này tuổi” - ông cười hồn hậu.
Nhìn ông tay cầm tập vé số, tay kẹp điếu thuốc thong dong bước qua những con đường rộn rã ngày tết với vẻ bình an nhẹ nhõm, bất giác nghĩ mùa xuân đâu hẳn là sự khởi đầu của tuổi trẻ mà còn chính là sự tiếp nối của những cuộc đời. Và lao động chính là sự truyền tải những thông điệp đó một cách rõ ràng nhất. Chỉ có lao động mới làm cho con người ta mạnh mẽ hơn và thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Chợt nhớ câu nói của ông trước lúc chia tay: “Ai cũng có số phận cả, có người già sống vui vẻ với con cháu. Có người đi ăn xin, bần hàn, sống trong bất hạnh nhưng tôi lại thấy cứ đi bán vé số như thế này lại vui, được gặp nhiều người, nghe nhiều câu chuyện nên thấy cuộc đời ý nghĩa hơn và quan trọng là mình không phải là gánh nặng của cháu con nên tuổi già đỡ phải nghĩ ngợi nhiều”.
VĨNH LỘC