Tết tri ân
Từ sáng sớm mùng một, bất chấp cái lạnh cắt da và kể cả mưa phùn, từng dòng người cứ nối nhau kéo về những nơi chốn linh thiêng như nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang nhân dân để tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Vì là ngày tết nên bất kể lạ quen, khi chạm mặt nhau, không ai dè sẻn tiếng cười, lời chào hỏi hay những câu chúc tụng. Vẻ u trầm ở những nơi dành cho người quá cố dường cũng tan loãng đi... Trong khi ngồi đốt bớt chân nhang bà con cắm trên bát hương lớn đặt ở tượng đài, mấy anh em bảo vệ, quản trang của nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn “than thở” mà như để chia sẻ một niềm vui: “Năm nay bà con đi viếng hương đông quá, nghĩa trang cũng hết vẻ cô quạnh. Từ sáng tới chừ, anh em tôi “chào trả” không ngớt!”. Còn anh Phạm Ngọc Sơn, 21 tuổi, từ Hoa Kỳ về quê ăn tết, khi cùng người thân đi viếng hương ông bà ở nghĩa trang gia tộc tại Gò Dê (Quế Xuân 2, Quế Sơn) thì cho biết chưa bao giờ anh được chứng kiến một không khí tết “kỳ lạ” ở một nơi “kỳ lạ” đến thế. Đặc biệt, khi được người thân đưa đến từng ngôi mộ, viếng hương rồi giảng giải cặn kẽ về mối quan hệ với người nằm dưới mộ, anh tỏ ra rất xúc động. Anh bộc bạch: “Nhìn cảnh người ta dắt nhau đi viếng mộ đông đúc và dâng hương rất thành kính, tôi mới hiểu hơn sự thẳm sâu khó có thể nói thành lời của cái gọi là quê hương, bản quán, gốc gác, cội nguồn...”.
Trong dịp Tết Bính Thân 2016, ở Quảng Nam có một “địa chỉ đỏ” được rất nhiều người tìm đến là công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại núi Cấm (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ). Theo Ban Quản lý cụm công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, trong dịp tết này bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người đến đây tham quan, dâng hương. Riêng các ngày từ mùng một đến mùng 3 tết, có lúc trong cùng một thời điểm có đến 200 - 300 người đến thăm tượng đài. |
Không chỉ dâng hương tưởng niệm ông bà, tổ tiên, người thân của mình, điều xúc động là có rất nhiều người còn chia sẻ sự tưởng vọng thơm thảo đến những người không quen biết, không phải là ruột rà, máu mủ. Nhiều ngôi mộ vô chủ, cỏ dại mọc đầy và không một dấu chân nhang cũ, đã được những người xa lạ thắp hương. Đặc biệt, không ít người đi ra từ chiến tranh đã dành thời gian tìm đến viếng hương đồng đội cũ của mình. Ông Nguyễn Văn Sánh, một cán bộ hưu trí đang sinh sống ở Đà Nẵng, bảo tết năm nay ông chọn nghĩa trang liệt sĩ Tam Kỳ làm nơi... xông đất. Mấy năm trước, ông về thắp hương ông bà ở Tam Mỹ (Núi Thành) trước, lúc quay ra mới ghé nghĩa trang Tam Kỳ, nhưng năm nay ông quyết định đổi lịch trình. “Tôi có 2 người bạn cùng đơn vị, quê miền Bắc, hy sinh năm 1968, đang nằm ở đây. Người thân của họ ở quá xa không đến viếng hương được, tôi nghĩ mình nên ưu tiên thắp hương trước. Dù gì thì ông bà của tôi ở quê lúc nào cũng luôn có cháu con ở bên lo hương khói, mình viếng sau chắc cũng không ai nỡ trách...” – ông Sánh nói.
Cũng với tinh thần sẻ chia, tri ân như vậy, dịp Tết Bính Thân này, anh em Hội VH-NT Quảng Nam đã dành hẳn một ngày để về Điện Bàn, Duy Xuyên viếng hương các văn nghệ sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biết nhà văn Nguyễn Hồng khi còn sống rất thèm sữa đặc - thèm mà không có để ăn, nhà văn Nguyễn Bá Thâm khi đi viếng hương đã mang theo một lon sữa đặc đặt lên mộ bạn. Khi dâng hương lên mộ nghệ sĩ múa Phương Thảo tại một gò đất ở Duy Châu (Duy Xuyên), nhà văn Hồ Duy Lệ khấn, nghẹn ngào: “Chị Thảo ơi, anh em văn nghệ Quảng Nam đến viếng chị đây; ai cũng nhớ chị, thương chị vô cùng!... Đất nước mình bây giờ đẹp lắm, văn nghệ quê mình vui lắm, tiếc là chị không thể múa góp vui...”.
Trong cái nghiêm trang, u linh ở những nơi dành riêng cho người quá cố, khói nhang cứ huyền hoặc, ấm nồng suốt mấy ngày Nguyên đán. Trong rất nhiều những bài học làm người, về lòng tri ân, nghi thức viếng hương ngày tết hình như là một “chương” quan trọng!...
BẢO ANH