Xuân tràn muôn nơi

15/02/2016 08:47

Xuân Bính Thân 2016, khắp vùng miền trên địa bàn tỉnh ngập tràn hương sắc. Năm nay càng đặc biệt hơn khi nhân dân khắp nơi đón Tết trong niềm vui thực hiện thắng lợi kế hoạch nhiệm kỳ 5 năm, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Khắp nơi tưng bừng vào hội. Hương xuân giăng mắc muôn nơi...

NHỘN NHỊP ĐÔ THỊ TỈNH LỴ

Những ngày vui Tết Bính Thân 2016 đã khép lại. Một cái tết thật sự yên vui và đầm ấm của nhân dân trên khắp địa bàn tỉnh.

Quảng trường 24.3 TP.Tam Kỳ - điểm đến của người dân đô thị tỉnh lỵ và vùng lân cận trong dịp Tết Bính Thân 2016. Ảnh: X.PHÚ
Quảng trường 24.3 TP.Tam Kỳ - điểm đến của người dân đô thị tỉnh lỵ và vùng lân cận trong dịp Tết Bính Thân 2016. Ảnh: X.PHÚ

Nhắc đến Tết Bính Thân 2016, có lẽ điều dễ nhớ nhất đối với nhiều người đó chính là… cái lạnh! Có thể nói, đây là cái tết lạnh nhất trong nhiều năm qua khi mà vào thời điểm giao thừa, nhiệt độ ngoài trời tại TP.Tam Kỳ xuống đến 13oC. Tuy nhiên, không vì thế mà ảnh hưởng đến sự thành công của Hội hoa xuân cũng như chương trình đón giao thừa ở TP.Tam Kỳ. Khi mà hội hoa xuân và chương trình chào đón năm mới khép lại cũng là lúc những hoạt động vui chơi nhân dịp tết đến xuân về được mở ra. Đầu tiên phải kể đến đó là Quảng trường 24.3 - địa điểm mà có lẽ bất cứ người dân nào ở đô thị tỉnh lỵ đều muốn ghé thăm trong thời gian vui xuân đón Tết Nguyên đán. Bình thường đã đẹp, dịp này, Quảng trường 24.3 còn lộng lẫy hơn rất nhiều khi được trang điểm thành vườn ánh sáng lung linh sắc màu, tạo nên một không gian huyền ảo phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của người dân. Cùng với đó, đường hoa xuân được trang trí khá bắt mắt với đủ các loại hoa khoe sắc và đặc biệt là hình ảnh chú khỉ tinh nghịch - biểu tượng của năm Bính Thân đã thu hút khá nhiều người đến thưởng lãm, chụp ảnh kỷ niệm khiến không khí nơi đây luôn nhộn nhịp.

Trong những ngày tết, trên địa bàn thành phố tỉnh lỵ còn có một địa điểm vui chơi hấp dẫn khác đó là Hội xuân Bính Thân 2016 tổ chức tại Trung tâm VH-TT thành phố, ở số 56 đường Trần Cao Vân. Nội dung của hội xuân năm nay được tổ chức đa dạng, phong phú hơn, tạo sân chơi cho nhiều tầng lớp nhân dân như trưng bày sinh vật cảnh, đá, lõi khô nghệ thuật, tranh ảnh viết thư pháp, nhiếp ảnh, sách báo xuân phục vụ bạn đọc trong dịp tết, trưng bày hình ảnh, hiện vật về những thành tựu kinh tế - xã hội và truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Tam Kỳ. Ở lĩnh vực văn hóa văn nghệ, hội xuân có các chương trình vui chơi tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống như hô hát bài chòi, tuồng, công đài cờ tướng, các trò chơi dân gian, vui chơi có thưởng… góp thêm sân chơi bổ ích, lý thú cho người dân dịp tết đến xuân về. “Mỗi năm chỉ có một lần, tôi mong muốn thành phố tiếp tục duy trì tổ chức hô hát bài chòi trong những ngày tết để giúp cho những người lớn tuổi được sống lại với thời trẻ và đồng thời qua đó giáo dục cho lớp trẻ ngày nay biết văn hóa truyền thống” - bà Phạm Thị Bốn (phường An Xuân) chia sẻ. Bên cạnh đó, trên địa bàn Tam Kỳ còn có nhiều địa điểm vui xuân khác như Hội xuân tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung với các gian hàng trò chơi dân gian thu hút nhiều người ghé đến. Trong khi đó, điểm vui xuân phục vụ trẻ em tại Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố cũng mở cửa liên tục đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ. Ngoài ra, các điểm vui xuân tại xã, phường phục vụ nhu cầu vui chơi của người dân địa phương, trong đó đáng chú ý là phường Hòa Hương vẫn nỗ lực giữ “lửa bài chòi” khi mở hội bài chòi tại đình làng Hương Trà nhằm đem đến cho người dân món ăn tinh thần bổ ích, lý thú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.    

Hội hoa xuân Tam Kỳ 2016 đáp ứng nhu cầu thưởng lãm, mua sắm hoa của người dân. Ảnh: X.PHÚ
Hội hoa xuân Tam Kỳ 2016 đáp ứng nhu cầu thưởng lãm, mua sắm hoa của người dân. Ảnh: X.PHÚ

Những ngày nghỉ Tết Bính Thân 2016 đã khép lại dù cho không khí vui xuân vẫn còn tràn đầy các nẻo đường, góc phố trên địa bàn tỉnh. Một cái tết cổ truyền thật sự đầm ấm và yên vui đã đi qua. Hôm nay, mùng 8 tết, công sở bắt đầu làm việc trở lại. Học sinh cũng đã đi học bình thường. Những người sinh sống, đi làm ăn phương xa cũng chia tay người thân, bạn bè. Tất cả lại bắt tay vào guồng quay mới của cuộc sống. Một năm mới với niềm lạc quan mới. (XUÂN PHÚ)

VUI HỘI SÔNG NƯỚC

Những ngày đầu tháng Giêng, giữa không khí và dư âm rộn ràng của xuân mới, từng dòng người lại nô nức đổ về những miền sông nước ở Đại Lộc, Hội An trẩy hội, hòa vào lễ hội đua ghe truyền thống mang đậm sắc màu văn hóa dân gian.

Các ghe đua đọ từng mét nước trên sông Vu Gia (Đại Lộc) trong ngày hội sông nước được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Ảnh: BÍCH LIÊN
Các ghe đua đọ từng mét nước trên sông Vu Gia (Đại Lộc) trong ngày hội sông nước được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Ảnh: BÍCH LIÊN

Gần đây, lễ hội đua ghe truyền thống đã được khôi phục tại nhiều địa phương, trong đó các địa phương Đại Lộc, Hội An chọn tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng. Với cư dân các địa phương này, đua ghe truyền thống là lễ hội sông nước, hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trong cộng đồng, tạo không khí phấn khởi, vui tươi đầu năm mới. Tại Hội An, lễ hội đua ghe ngang, còn gọi là lễ hội đua ghe đảo thủy đầu xuân năm nào cũng có sự tham gia của các tay đua người nước ngoài, tạo ấn tượng mới lạ trong mắt du khách. Đua ghe là một trong chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của phố Hội, góp phần quảng bá du lịch Hội An ra thế giới. Trên thực tế, lễ hội đua ghe ở Hội An đã có từ lâu đời, có thể tìm thấy trong những thư tịch cổ còn lưu lại ngày nay. Tại Cẩm Kim, lễ hội đua ghe diễn ra song hành với lễ cúng, gọi là lễ cúng bến. Nghi thức này có phần giống với nghi thức diễn ra ở lễ hội đua ghe truyền thống vùng sông nước Đại Lộc, cũng diễn ra với hai phần: phần lễ (cổ lễ), tức lễ cúng sông, cúng ghe diễn ra đêm trước ngày đua ghe chính thức, cây nêu tại bến sông cũng được dựng lên tại đêm này. Phần hội chính thức diễn ra vào sáng hôm sau.

Nhiều năm nay, lễ hội đua ghe truyền thống đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước. Vậy nên, cứ đến hẹn lại lên, du khách thập phương lại nô nức đổ về Đại Lộc, Hội An để chứng kiến những màn tranh tài quyết liệt trên sông nước. Với quan niệm của cư dân bản địa, lễ hội hằng năm diễn ra với ý nghĩa cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cũng là tạo không khí phấn khởi, hăng say cho nhân dân bước sang năm mới thu được nhiều thắng lợi mới. (BÍCH LIÊN)

TRÀ QUẾ VÀO HỘI CẦU BÔNG

Sáng qua 14.2, nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng, người dân làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An rộn ràng tổ chức lễ hội cầu Bông và công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận làng rau Trà Quế là làng nghề truyền thống.

Người dân làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An rộn ràng tổ chức lễ hội cầu Bông. Ảnh: M.HẢI
Người dân làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An rộn ràng tổ chức lễ hội cầu Bông. Ảnh: M.HẢI

Từ sáng sớm, các bô lão, nam thanh, nữ tú trong làng đã trang phục chỉnh tề cùng lễ vật, cờ hoa dâng lễ cầu Bông tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền khai phá vùng đất này cách đây hơn 500 năm và bậc tổ tiên có công khai khẩn tạo dựng nên làng rau xanh nổi tiếng đến ngày nay. Lễ hội năm nay vui hơn vì Trà Quế được công nhận làng nghề truyền thống. Ngoài phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi các hoạt động thi ẩm thực, trồng các loại rau xanh… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia trẩy hội đầu năm. (MINH HẢI)

NỤ CƯỜI ĐÊM GIAO THỪA

Đêm 29 tháng Chạp, hơn 22 giờ. Trong hối hả dòng người ngược xuôi trở về nhà cho kịp đón giao thừa với người thân, tại ngã tư Nam Ngãi dẫn vào chợ Tam Kỳ, nhiều người buôn bán nhỏ như muốn níu kéo thời gian chậm lại, với mong ước sẽ bán xong hàng tết chưa tiêu thụ hết. Chợ đường phố không tan, vì thế công nhân môi trường phải ở lại đến giờ phút cuối cùng. Năm nay những tưởng các chị sẽ được nghỉ lao động sớm trước 23 giờ đêm, nhưng công việc đành kéo dài qua thời điểm giao thừa.

Nụ cười rạng rỡ của các nữ công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam khi lãnh đạo TP.Tam Kỳ thăm, tặng quà chúc tết đêm giao thừa.  Ảnh: H.PHÚC
Nụ cười rạng rỡ của các nữ công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam khi lãnh đạo TP.Tam Kỳ thăm, tặng quà chúc tết đêm giao thừa. Ảnh: H.PHÚC

Trời về khuya, nhiệt độ dần xuống thấp dưới 16oC, công nhân môi trường đô thị vẫn hăng say dọn vệ sinh như chạy đua với thời gian. Lao động mệt nhọc nhưng khuôn mặt ai cũng rạng ngời, bởi vừa nhận được những lời động viên, chúc tết, tặng quà của lãnh đạo tỉnh, TP.Tam Kỳ và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam… Và trong tôi, ấn tượng về những nụ cười rạng rỡ của các nữ công nhân môi trường đô thị khi được các đồng chí lãnh đạo thăm, tặng quà chúc tết ngay trên hè phố vẫn chưa nhạt phai. (HỮU PHÚC)

RỦ NHAU HÁI LỘC ĐẦU NĂM

Những ngày đầu năm mới, nhiều người rủ nhau đến chùa Đạo Nguyên (đường Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ) hái lộc đầu năm. Theo quan niệm, lộc tượng trưng cho mọi thứ mới mẻ trong năm mới, cầu mong sức khỏe dồi dào, công việc tiến tới, gia đình hạnh phúc, vạn sự hanh thông... Tại chùa Đạo Nguyên, trên các cành mai ở trước chùa có treo quẻ và có sư thầy đứng cạnh giải quẻ cho người dân nếu có yêu cầu.

Những ngày đầu năm mới , nhiều người rủ nhau đến chùa Đạo Nguyên (TP.Tam Kỳ) hái lộc đầu năm. Ảnh: X.KHÁNH
Những ngày đầu năm mới , nhiều người rủ nhau đến chùa Đạo Nguyên (TP.Tam Kỳ) hái lộc đầu năm. Ảnh: X.KHÁNH

“Thầy giải quẻ nói năm nay mình sẽ có nhiều niềm vui. Hy vọng những chuyện buồn ở năm tuổi vừa rồi sẽ được “bù đắp” trong năm nay” - chị Nga, một người đến chùa Đạo Nguyên hái lộc đầu năm chia sẻ. (XUÂN KHÁNH)

TẾT CỦA LÍNH

Đến Trung đoàn 885 những ngày đầu năm mới chúng tôi cảm nhận được không khí mùa xuân lan tỏa khắp đơn vị. Những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của mỗi cán bộ, chiến sĩ khi được tham gia các hoạt động sôi nổi, bổ ích như: thi nấu bánh chưng, đắp bếp hình linh vật năm Bính Thân với những chú khỉ ngộ nghĩnh hay các trò chơi dân gian đã thật sự tạo nên không khí vui xuân đón tết đậm chất lính, ấm tình đồng đội. Đối với Trung sĩ Triệu Văn Quốc, quê ở xã Trà Giang, Bắc Trà My, đây là cái tết đầu tiên trong quân ngũ, mặc dù rất nhớ gia đình, bạn bè nhưng đón tết cùng đồng chí đồng đội cũng mang lại nhiều niềm vui. “Đón tết trong quân đội rất khác so với đón tết ở gia đình. Ở đây, có đồng chí đồng đội chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tôi cảm thấy rất vui, đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời quân ngũ của mình” - Trung sĩ Triệu Văn Quốc tâm sự.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 885 trang trí cành mai đón tết. Ảnh: TUẤN ANH
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 885 trang trí cành mai đón tết. Ảnh: TUẤN ANH

Ở vùng biên giới, do đặc thù của nhiệm vụ, các đồn biên phòng đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đón tết sớm. Mặc dù là tết sớm nhưng đến bất cứ đơn vị nào trên suốt dọc tuyến biên giới Việt - Lào, chúng tôi đều cảm nhận được không khí vui tết, đón xuân của những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, để cán bộ, chiến sĩ an tâm ở lại vui xuân đón tết, Ban Chỉ huy đơn vị đặc biệt quan tâm, chăm lo khá chu đáo về vật chất lẫn tinh thần. Trong năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, nuôi heo, thả cá… nên đã tạo được nguồn quỹ kha khá. Do đó, ngoài chế độ theo quy định, đơn vị còn trích  quỹ đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội mỗi người khoảng 100 nghìn đồng/ngày trong những ngày tết cũng như hỗ trợ từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, đơn vị còn được Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đðội Biên phòng tỉnh hỗ trợ ăn tết. “Để chuẩn bị vui xuân đón tết đơn vị đã chỉnh trang lại cảnh quan môi trường, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ tạo không khí vui tươi. Tổ chức hội thi gói bánh chưng, lấy sản phẩm tặng người nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn đóng chân. Đơn vị cũng giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ vui xuân không quên nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” - Thiếu tá Đỗ Hoành Minh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang chia sẻ.

Chia tay với Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang chúng tôi đến với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring. Tết ở đồn biên phòng này cũng có đầy đủ hương vị ngày xuân như: mổ heo, gói bánh chưng, bánh tét, làm dưa hành, củ kiệu, mai đào khoe sắc… Đón tết sớm cùng với những người lính nơi biên cương, chúng tôi mới thấy được những hy sinh thầm lặng của các anh. Có những người lính phải gác lại sự đoàn tụ, sum họp gia đình để đón tết cùng đồng chí, đồng đội trên tuyến biên giới. Đối với các anh những ngày đất nước vào xuân như mang lại nguồn động viên ấm áp, thắt chặt thêm tình đồng đội để cùng nhau nắm chắc tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ bình yên cho biên cương Tổ quốc.

Xuân của những người lính thật giản dị, đơn sơ nhưng ấm áp tình người, tình đồng chí đồng đội gắn bó keo sơn. (TUẤN ANH - HỒNG ANH)