Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc

VĂN VIỆT - PHAN VINH 14/02/2016 09:57

(QNO) - Nặng lòng với nhạc cụ truyền thống, ông Cao Công Dưỡng (56 tuổi, thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, Nông Sơn) trăn trở về lớp trẻ kế thừa để giữ lại nét đẹp của hồn nhạc dân tộc.

Chúng tôi đến nhà ông Cao Công Dưỡng vào một buổi chiều muộn, trên tường nhà treo đầy đủ các loại nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu, sáo, ghi ta phím lõm, đàn sến... Ông kể, từ bé rất thích thú khi thấy các đoàn ca nhạc về xóm biểu diễn và xem không bỏ lỡ một buổi nào. Sau đó ông rủ bạn bè đồng trang lứa tự tổ chức đêm nhạc, có dựng sân khấu, hái hoa trang trí… nhưng chỉ “hát chay” mà không có nhạc. Từ đó, ông nung nấu ý định học nhạc để phục vụ bà con.

Ông Dưỡng đang tập một làn điệu mới bên cây đàn tranh.
Ông Dưỡng đang tập một làn điệu mới bên cây đàn tranh.

Năm 1974, cả làng Trung Hạ đi sơ tán lên huyện Quế Tiên (nay là huyện Hiệp Đức). Ở với bộ đội, ông tự học được ghi ta và đàn bầu (làm từ ống tre). Giải phóng về lại quê hương, tiếng đàn bầu ma mị luôn âm ĩ trong ký ức, thế là ông tự chế 1 cây đàn bằng ống tre, lấy dây điện thoại làm dây đàn để giải tỏa nỗi nhớ nhung. Nhưng niềm đam mê không chỉ dừng lại ở cây đàn bầu, ông đi tìm tòi học thêm ghi ta phím lõm và nhạc lý. Trong khoảng thời gian theo học, ông hay làm đứt dây đàn. Thời bao cấp kinh tế khó khăn, dây đàn lại rất đắt, không có tiền đền nên ông nghỉ học. Không từ bỏ niềm đam mê, ông tự tìm tòi học và chơi tất cả các loại nhạc cụ truyền thống khác.

Với những kinh nghiệm và sự am hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống, ông  được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Quế Trung bấy giờ đưa đi học ở Hội An về cải lương, hát bội, tuồng. Học xong khóa học, về quê ông dạy lại cho bạn bè ở trong thôn, thành lập nhóm nhạc để phục vụ cho bà con. Sau khi HTX tan rã, ông cũng như bao thanh niên khác ở địa phương rong rủi khắp núi rừng tìm trầm hương. Thuở đó, đi đến đâu ông cũng làm một cây sáo để thổi mà theo như lời ông: “Thổi cho vơi cái nhọc, cái khổ ở rừng sâu!”.

Một ca khúc đượm buồn được ông Dưỡng thể hiện bằng cây đàn bầu.
Một ca khúc đượm buồn được ông Dưỡng thể hiện bằng cây đàn bầu.

Trong đợt tập huấn đàn và hát dân ca cho các xã xây dựng nông thôn mới năm 2013, ông hoàn thành khóa tập huấn với loại xuất sắc. Ông được huyện Nông Sơn cử làm đại diện tham dự cuộc thi “Đàn và hát dân ca” do Sở VH-TT&DL tỉnh tổ chức vào năm 2014. Lần đó, đoàn giành được 2 huy chương bạc. Ông Dưỡng trăn trở: “Nhạc truyền thống là một hồn nhạc rất thiêng liêng. Sẽ là có lỗi với cha ông nếu không có người tiếp tục giữ lửa và phát huy các loại nhạc cụ này. Mỗi loại nhạc cụ của dân tộc, khi đàn lên nghe như tiếng người xưa vọng về, vừa oai hùng mà cũng vừa chân chất vị quê hương”.

Ông Dưỡng đang có dự tính, sẽ xin ý kiến chính quyền địa phương mở Câu lạc bộ dạy nhạc cụ dân tộc để làm nhịp cầu truyền dạy lại cho thế hệ sau. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết: “Từ lâu, ông Dưỡng được biết đến là “cây văn nghệ” của địa phương, đặc biệt là các loại hình âm nhạc truyền thống như hát bội, cải lương, tuồng, dân ca. Nếu ông Dưỡng có nguyện vọng mở Câu lạc bộ để truyền dạy cho lớp trẻ, chúng tôi hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện hết mức”. 

VĂN VIỆT - PHAN VINH

VĂN VIỆT - PHAN VINH