Tấm ảnh Bác Hồ
Tôi quen thân với Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn, nhà văn, nhà viết kịch bản phim Nguyễn Văn Thông khá lâu. Giữa năm 1992, có dịp cùng ông đi tuyển diễn viên cho bộ phim truyện “Nữ thần Laksmi” do ông viết kịch bản và đạo diễn, lấy bối cảnh Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa lên phim, tôi càng có thời gian và điều kiện trò chuyện với ông từ chuyện nghề, lẫn chuyện đời. Năm 1998, tôi viết cuốn “Từ con chim vành khuyên đến Hồn Trúc”, nói về hoạt động văn học nghệ thuật của ông, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Bằng tình cảm tri ngộ văn chương nghệ thuật đồng điệu, tôi học được ở ông nhiều điều tưởng đơn giản mà sâu sắc vô cùng.
Bác Hồ về thăm quê năm 1957. Ảnh tư liệu |
Có một lần, ông kể tôi nghe chuyến trở về thăm nhà, thăm cha ông sau bao nhiêu năm rời thành phố đi kháng chiến. Năm 2010, người bạn đời của ông - Nghệ sĩ ưu tú Đàm Thanh, được Hội Điện ảnh Việt Nam hỗ trợ đã in tuyển tập “Từ điện ảnh thơ đến tiểu thuyết”, tập hợp các bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo nghiên cứu văn học nghệ thuật, cũng như đồng nghiệp trước và sau khi ông qua đời, trong đó có lược ghi câu chuyện mà tôi nhớ và đọc được:
“Năm 1975, một ngày đầu tháng 4, tôi (Nguyễn Văn Thông) trở về Đà Nẵng, sau hơn 30 năm biền biệt, không có tin tức, liên lạc được gì về nội thành, nhất là khi tập kết ra miền Bắc càng biệt tăm. Lúc đi, gia đình tôi sinh sống gần sân vận động Chi Lăng, TP.Đà Nẵng, nay về tìm lại không còn ở đó nữa. Vai đeo ba lô, tay cầm máy ảnh, theo thói quen nghề nghiệp để tiện ghi lại hình ảnh thành phố sau giải phóng còn ngổn ngang xa lạ, tôi hỏi đường đến trụ sở Ban quân quản Đà Nẵng. Được anh em ở đây liên hệ, rồi tận tình đưa tôi đến một khu nhà gần chợ Mới, trong con hẻm cuối đường Hoàng Diệu bây giờ.
Tôi đã tìm được gia đình, người thân tại chỗ ở mới. Nhưng trước đó, khi chiến sự diễn ra ác liệt, cả nhà đều tạm lánh xa thành phố, chỉ còn đứa cháu gái ở lại trông coi và chăm sóc cha tôi trong cơn đau nặng đang nằm thiêm thiếp trên giường. Sống chết thế nào không biết, nhưng chắc là ông mong tôi sẽ trở về, cho nên trên chiếc bàn con đặt bên cạnh giường nằm dùng để thuốc men, thức ăn nước uống, có một lá thư ngắn cha tôi viết sẵn, có nội dung chủ yếu thế này:
“...Trong suốt thời gian con đi làm cách mạng, cha và gia đình luôn nhớ lời con dặn đi dặn lại, là làm những điều tốt đẹp cho dân cho nước, như Bác Hồ đã dạy...”.
Đúng là những năm tôi xa nhà, cha tôi đã bí mật tham gia công việc cách mạng như nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cơ sở nằm vùng, chiến sĩ biệt động nội thành, mua thuốc men gửi ra vùng giải phóng. Sau này, cha tôi được khen thưởng Huân chương Kháng chiến và được công nhận “Gia đình có công với cách mạng”.
Bác Hồ với thanh niên xung phong. Ảnh tư liệu |
Đêm hôm cha con gặp lại nhau, ông như tỉnh lại, cố ngồi dậy mừng mừng tủi tủi, hỏi tôi: “Đệ đã về đó hở con” (tên hồi ở nhà của tôi là Đệ). Tôi chưa kịp thưa chuyện gì nhiều, thì cha tôi thấy mệt bảo đỡ ông nằm xuống, rồi mắt nhắm nghiền ngủ thiếp. Sáng hôm sau thức dậy, sau lúc uống thuốc, cha tôi khỏe dần ra, tươi tỉnh ngồi chuyện trò, hỏi han tôi nhiều chuyện, nhưng nhiều nhất là chuyện về miền Bắc, về Bác Hồ. Thốt nhiên cha tôi nói: “Con biết không? Bác Hồ là một vị Bồ tát đó”. Thấy tôi chưa kịp hiểu, cha tôi nói tiếp: “Những người thiện tâm, thiện ý, hiền từ và quảng đại như Bác Hồ đều là Bồ tát cả đấy! Chứ mấy năm ra ngoài đó, con làm việc ra sao. Có được gặp Bác Hồ không?”.
Nghe ông hỏi vậy, tôi liền nhớ tấm Huy hiệu do chính tay Bác Hồ trao tặng cho tôi từ năm 1963 vẫn luôn mang theo trong người như một báu vật suốt những năm kháng chiến vào sinh ra tử. Tấm Huy hiệu được Bác Hồ trao trong lần cùng 5 anh em trong đoàn chúng tôi làm bộ phim “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, mang phim vào Phủ Chủ tịch chiếu để Bác xem. Buổi chiếu kết thúc, Bác liền vẫy chúng tôi lại, tươi cười hỏi: “Các cô, các chú đã gửi thư thăm sức khỏe và cám ơn lãnh đạo và bà con trong ấy chưa?”. Chúng tôi đều đáp: “Thưa Bác! Các cháu đã làm rồi ạ!”.
Sau đó Bác ôn tồn khen phim làm tốt, rồi lấy từ trong túi áo ra 5 Huy hiệu của Người trao cho chúng tôi. Khi ấy chúng tôi vô cùng xúc động, rơm rớm nước mắt vì quá vui mừng. Cho tới bây giờ, tôi không nhớ được mình đã nói lời cám ơn với Bác như thế nào”.
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thông kể tiếp:
“Tôi lấy tấm Huy hiệu Bác Hồ cung kính đưa cho cha tôi và thưa: “Con được khá nhiều giải thưởng, nhưng đây là phần thưởng mà con quý nhất!”. Cha tôi run run đưa tay cầm tấm Huy hiệu Bác Hồ tặng ngắm nghía hồi lâu và tôi thấy ông xúc động nghẹn ngào như tôi mấy chục năm về trước khi nhận từ tay Bác Hồ trao. Một hồi lâu cha tôi mới nói: “Con để lại Huy hiệu này cho cha, được không?”. “Thưa cha! Con xin tặng lại cha!”. Ông biểu lộ sự vui mừng, bằng gọi hết con cháu trong nhà đến xem tấm Huy hiệu, mà lần đầu tiên ông được thấy. Ông bảo, đây là hồng phúc của gia đình mình, vinh dự lắm mới có được.
Cũng trong lần gặp gỡ ấy, tôi được biết thêm một câu chuyện thật cảm động về cha tôi. Đó là trong ngôi nhà cha ở có một bàn thờ Phật, vì gia đình tôi đều theo đạo Phật. Phía sau bức tranh tượng lớn hình Quán Thế Âm Bồ tát, cha lồng một tấm ảnh Hồ Chủ tịch cất giữ từ hồi kháng chiến chống Pháp. Trong suốt thời kỳ chống Mỹ xâm lược, bọn địch thường vô ra dòm ngó, theo dõi những gia đình có người đi tập kết và khả nghi, trong đó có nhà cha tôi, nhưng không tài nào bọn chúng phát hiện được. Như vậy, cha tôi vừa tụng kinh niệm Phật, vừa tưởng nhớ, hướng về Bác Hồ mà khẩn cầu những điều ông ngưỡng vọng và mong mỏi! Thỉnh thoảng con cháu trong nhà thấy ông cẩn trọng lấy ảnh Bác ra xem. Mỗi lần như thế, cha thắp hương lâm râm khấn vái. Nhất là năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ qua đời, cha đã rước thầy ở chùa về tụng kinh ba ngày ba đêm liền. Một việc làm thất thường, có người hồ nghi biết là ông làm chay tụng niệm cho ai, ông mặc kệ, rồi buồn bã đổ bệnh nằm vật vã cả tháng trời...
Có thể vì đất nước đã hòa bình thống nhất, đã có được độc lập tự do; có thể vì đứa con trai duy nhất đã nên người và trở về cùng cha, nhưng có một điều chắc chắn vì bức ảnh Bác Hồ đã được lồng khung bên cạnh tấm Huy hiệu Bác Hồ tặng đã được đặt trang trọng trên bàn thờ giữa thanh thiên bạch nhật, mà cha tôi hoan hỉ, toại nguyện, sống thêm được bốn năm nữa sau ngày giải phóng, rồi mới qua đời ở tuổi 85.
Với tôi, cha là một công dân tốt, có tấm lòng nhân hậu, tận trung, tận hiếu với nước, với lãnh tụ kính yêu của mình, bằng một tình yêu và niềm tin mãnh liệt, không gì có thể phá vỡ.
Tôi học được ở cha rất nhiều điều, trong đó có sức lay động và lan tỏa thiêng liêng, sâu sắc nhất mà Bác Hồ đã truyền cho cha con chúng tôi”.
HOÀNG HƯƠNG VIỆT