Tiếp nối mạch nguồn vùng "đất mở"

PGS - TS. NGÔ VĂN MINH 09/02/2016 15:46

Lịch sử xứ Quảng có dòng chảy qua vùng “đất mở”, tư tưởng mở với tính cách tân, đổi mới. Từ đó, hiện lên những con người năng động trên nhiều lĩnh vực, như những cây đa cổ thụ che mát một vùng tri thức giàu giá trị văn hóa, nhân văn...

Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, chúng ta nhận thấy các bậc tiền nhân người Việt trên con đường mở cõi vào phương Nam vốn có cái lợi thế là không bị lệ thuộc nhiều vào khuôn mẫu nơi bản quán, nên họ dễ dàng phát sinh những ý tưởng cách tân, đổi mới.

Đọc tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán, chúng ta biết được từ thế kỷ XVI, vị quan Tổng trấn Quảng Nam này đã có suy nghĩ: “Các tập tục hủ lậu bưng bít con người, nếu không nhân lúc khai hoang lập ấp mà cải cách đổi mới, thì khác nào cho người ngủ say, ta chỉ mời dời giường ngủ của họ thôi”. Bấy giờ, Tổng trấn Quảng Nam đã có quy định phụ nữ không dùng quần không đáy, phải đồng loạt dùng như nam giới, chỉ nhuộm đà hoặc chàm để phân biệt nam hay nữ, áo thì 5 thân gài khuy thay cho áo tứ thân gài yếm; dùng nón chóp thay cho nón thượng; tóc thì búi chứ không bao như ở ngoài Bắc.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Người Quảng cũng đã tiến hành cải tiến công cụ sản xuất. Cái cày được cải tiến bằng cách thêm vào trạnh phụ và dùng bừa hai thân để cày bừa được sâu. Nhà làm trống ở chân phên để thoát nước vào mùa lũ v.v. Trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ, người Quảng đã xây nên một kho tàng phong phú các thể loại tục ngữ, ca dao, nói vè, câu đố, nhất là các làn điệu dân ca mới.

Máy dệt cải tiến thời cụ Cửu Diễn (Võ Dẫn) còn được bảo tồn ở làng Lụa, Hội An.
Máy dệt cải tiến thời cụ Cửu Diễn (Võ Dẫn) còn được bảo tồn ở làng Lụa, Hội An.

Trên lĩnh vực chính trị, có một nét đặc sắc trong các phong trào yêu nước ở Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là về mặt nhận thức tư tưởng, người Quảng Nam cố tìm phương cách cứu nước mới và sẵn sàng chuyển hướng một khi thấy không còn thích hợp nữa. Từ giữa cuối thế kỷ XIX, tư tưởng trung quân đang là chỗ dựa để phát động phong trào Cần vương của phái chủ chiến tại kinh thành Huế thì bấy giờ người Quảng Nam đã lật lại vấn đề khi chỉ gọi phong trào là “Nghĩa hội” (tức Hội làm việc nghĩa, vì cái đại nghĩa của cả dân tộc chứ không phải chỉ vì mỗi một ông vua); gọi những người tham gia phong trào tại địa phương mình là “quân Nghĩa”; gọi hành động của họ là “trung dân” chứ không phải “trung quân”. Chủ trương Đông du cầu viện Nhật là một bước chuyển trong nhận thức của Tiểu La Nguyễn Thành, bởi ông đã không hướng về phong kiến phương Bắc như Tôn Thất Thuyết đã chủ trương. Và, tuy là người tham gia lập Hội Duy Tân, chủ trương dựa vào Nhật để đánh Pháp, nhưng Nguyễn Thành không quên lưu ý Phan Bội Châu rằng Nhật Bản đang là một nước đế quốc “dã tâm của họ hãy còn hăng hái lắm”, nên phải “thẩm thời lượng thế, khả hành tắc hành, bất khả hành tắc chỉ. Vật sử, tiền môn cự hổ, hậu hộ nghinh lang, dĩ di họa hậu thế”, nghĩa là phải tùy nghi, thấy làm được thì làm, không làm được thì thôi, không để rơi vào cảnh “đánh hổ cửa trước, rước sói cửa sau” mà di hại lại cho con cháu về sau. Đến khi bị bắt đày ra Côn Đảo, được tin về cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, Nguyễn Thành kịp chuyển hướng tư tưởng từ quân chủ sang dân chủ, khuyên các bạn đồng chí cùng bị tù hãy “trông cái gương cách mạng Trung Hoa”.

Một lớp học thời Pháp.
Một lớp học thời Pháp.

Phan Châu Trinh là người xiển dương tư tưởng dân chủ, dân quyền khi nêu ra 3 mục tiêu “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh (hay dân quyền), nhằm hướng đến mục đích dân tộc độc lập. Ông tuyên chiến quyết liệt với chế độ phong kiến, đòi “nhổ cho tận gốc, lấp cho đầy nguồn, ra tay quét sạch sành sanh” cái “ma lực chuyên chế của chế độ quân chủ đã mấy nghìn năm”. Xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” nhưng “Bộ ba xứ Quảng” Phan Châu Trinh - Huỳnh Thúc Kháng - Trần Quý Cáp quay lại đả phá lối học từ chương “Khổng viết, Thi vân” để khai mở một lối học mới. Theo các ông, học phải gắn thực nghiệp, luân lý sống ở đời, trách nhiệm công dân; dạy học toàn diện các kiến thức xã hội, tự nhiên…; đề xướng việc cải cách xã hội cả về lối ăn mặc: cắt tóc ngắn, mặc đồ ngắn. Phải nói rằng, đến thời cụ Phan Châu Trinh thì canh tân không còn là những ý tưởng mà đã trở thành một tư tưởng lớn và từ đó đã phát động thành phong trào Duy tân sôi nổi. Những năm đầu thế kỷ XX, Phan Châu Trinh nắm lấy tư tưởng dân chủ tư sản, đề cao các nhà tư tưởng Montesquieu, Rousseau, nhưng đến khi sang Pháp, sống gần gũi với Nguyễn Ái Quốc và nhiều nhà hoạt động cánh tả ở đấy ông đã dần chuyển biến tư tưởng, tin tưởng chủ nghĩa Mã Khắc Tư (chủ nghĩa Mác) không bao lâu sẽ “thâm căn cố đế” trong dân tình chí sĩ Việt Nam.

Khu kinh tế mở Chu Lai, mô hình kinh tế mới của Quảng Nam.
Khu kinh tế mở Chu Lai, mô hình kinh tế mới của Quảng Nam.

Về học thuật, Trần Cao vân khởi xướng Trung thiên dịch đặt con người vào trung tâm vũ trụ, ở giữa và bổ sung cho Tiên thiên và Hậu thiên của Kinh dịch. Phan Khôi thì khuấy động học giới đương thời bằng “nàng logic”, tranh luận sử học, đóng vai “ngự sử trên văn đàn”, đưa ra “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” bằng bài Tình già vào năm 1932, nhưng nếu ngược thêm nữa phải kể đến bài Dân quạ đình công với một bút pháp độc đáo phá cách, phá thể vào những năm đầu thế kỷ XX. Trên lĩnh vực văn nghệ, người khởi xướng và cổ vũ cho hát cải lương Nam Bộ lại là nhà báo, nhà văn người Quảng Nam - Lương Khắc Ninh.

Về khoa học - kỹ thuật, từ cuối thế kỷ XIX, Phạm Phú Thứ đã có một suy nghĩ sáng suốt: “Tảo giao Đông thổ kiêm trường kỹ/ Ba Rí, Lôn Đôn vị túc kiền”, nghĩa là nếu biết tiếp thu nền văn minh cơ xảo của phương Tây trên cái gốc tinh thần đạo lý phương Đông thì nhất định nước ta sẽ phú cường. Trong những năm 40 của thế kỷ XX, ông Võ Diễn mặc dù không qua một trường kỹ thuật nào nhưng khung cửi do ông sáng chế đã đem lại một bộ mặt mới cho các làng dệt ở Quảng Nam. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, giáo sư Hoàng Tụy đã khai sinh ra lý thuyết tối ưu toàn cục -  một ngành toán học có nhiều ứng dụng trong vận trù học và nhiều ngành kinh tế, công nghệ, hình thành nên Trường phái toán học Hà Nội, hay Thuật toán kiểu Tụy, Điều kiện không tương thích Tụy... theo cách gọi của giới toán học quốc tế.

Trên lĩnh vực kinh tế, người Quảng Nam đã mở ra làm ăn với các nước phương Tây từ thế kỷ XVII, XVIII, tức là từ lúc ấy ở xứ Quảng đã có kinh tế thị trường. Và cũng xuất phát từ cái nhìn kinh tế mở, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Quảng Nam theo đuổi và thành công trong việc đi đầu cả nước xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai. Đây thực sự là một cách nghĩ, cách làm, cách đổi mới về tư duy kinh tế tiếp nối truyền thống của vùng “đất mở” trong lịch sử.

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, thiển nghĩ người Việt nói chung, người Quảng nói riêng, cần lắm sự tiếp nối những ý tưởng, tư tưởng cách tân đổi mới, dám nghĩ dám làm vì sự phồn thịnh của quê hương, đất nước.

PGS - TS. NGÔ VĂN MINH

PGS - TS. NGÔ VĂN MINH