Nhạc sĩ Phan Văn Minh và "Đôi mắt sông Hoài"
(QNO) - Nhạc sĩ Phan Văn Minh vừa cho ra mắt DVD ca nhạc có tên gọi “Đôi mắt sông Hoài”. Ấn phẩm gồm 15 ca khúc được hòa âm phối khí công phu, quay cảnh tại nhiều địa phương trong tỉnh với phần thể hiện của những ca sĩ quen thuộc trong và ngoài tỉnh như Anh Thơ (Hà Nội ), Quang Hào, Xuân Đề, Thảo Vân, Ngọc Lê, Tiến Dũng…(TP.Đà Nẵng ) hay Ly Na (Quảng Nam)… “Đôi mắt sông Hoài” được xem như món quà đầy ý nghĩa mà nhạc sĩ Phan Văn Minh dành tặng công chúng yêu âm nhạc trong dịp Tết Bính Thân này.
Được đánh giá là một trong những nhạc sĩ sáng tác đều tay và có chất lượng ở Quảng Nam, gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phan Văn Minh hiện có khoảng 100 bài hát viết cho thiếu nhi và người lớn. Những năm qua, anh cũng là một nhạc sĩ ra mắt khá nhiều CD âm nhạc viết về những miền quê xứ Quảng.
Bìa DVD "Đôi mắt sông Hoài". |
Nổi tiếng với ca khúc thiếu nhi “Cả nhà thương nhau” từ những năm 80 của thế kỷ trước, khoảng mười năm trở lại đây, nhạc sĩ Phan Văn Minh đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng yêu âm nhạc bằng nhiều giải thưởng tại các sân chơi trong nước, khu vực và trong tỉnh. Hẳn còn nhớ, “Khúc trầm hương giao thừa” - ca khúc để lại nhiều dấu ấn vào mỗi dịp tết đến xuân về. Như thôi thúc những đứa con đi xa quay về với mái ấm quê nhà, trong hương trầm bảng lảng ngày cuối năm.
DVD “Đôi mắt sông Hoài” mà nhạc sĩ Phan Văn Minh ra mắt công chúng yêu âm nhạc dịp này gồm một số ca khúc anh đã sáng tác từ trước lẫn những ca khúc mới vừa hoàn thành. Đó là “Tình khúc Thu Bồn” (thơ Phùng Tấn Đông,1999), “Đôi mắt sông Hoài” (2001), “Người Quảng dáng nâu” (2005), “Em gái sông Tiên” (2014) hay “Gọi em là chiều Phú Ninh” (2015)… Chọn “Đôi mắt sông Hoài” làm tên gọi cho DVD ca nhạc lần này, nhạc sĩ Phan Văn Minh muốn thể hiện được nét lãng mạn, trữ tình và sự phong phú trong chất liệu âm nhạc. Bản thân ca khúc “Đôi mắt sông Hoài” được viết bởi sự hòa trộn giữa âm nhạc dân gian Chăm - Việt và Nhật.
Có thể nói rằng, 15 ca khúc trong DVD “Đôi mắt sông Hoài” là 15 bức tranh đẹp về những miền quê xứ Quảng được vẽ bằng âm nhạc. Lâu nay, các nhạc sĩ khi sáng tác về những địa phương ở Quảng Nam thường hay mắc phải lối mòn liệt kê tên gọi địa danh quen thuộc. Chính điều này đã ít nhiều khiến ca khúc rơi vào nhàm chán, không đọng lại trong lòng người nghe cái tinh túy của âm nhạc lẫn cái hồn vía, bóng dáng của từng vùng đất mà mình muốn thể hiện. Chuyện này ai cũng hiểu, nhưng để thoát ly ra khỏi lối mòn ấy bằng một cách viết khác... thì không hề dễ dàng.
Ở ấn phẩm âm nhạc mới nhất này của Phan Văn Minh, tên gọi các địa phương vẫn được nhắc tới, thậm chí được dùng làm phần tít đề ca khúc. Nhưng, việc kể lể rề rà từ làng này qua làng nọ, từ thắng cảnh cho đến di tích lịch sử tiêu biểu... không hề hoặc rất hiếm xuất hiện trong nội dung bài hát. Thay vào đó, nhạc sĩ Phan Văn Minh đã hướng tình cảm, mỹ cảm của người nghe theo cách riêng của anh. Đó là việc gợi chuyện, dẫn dắt ý tứ muốn thể hiện qua từng nhân vật trữ tình, qua ẩn dụ của ngôn từ và qua việc khai thác một cách có hiệu quả chất liệu âm nhạc dân gian từng vùng đất. Ta có thể thấy rõ điều này trong nhiều ca khúc ở DVD “Đôi mắt sông Hoài” như: “Núi Thành mở cửa mùa xuân” là câu chuyện xuân rạo rực không chỉ ở lòng người khi mùa xuân đến mà còn là câu chuyển mở ra chân trời phía biển, trên tầng không bao la của cánh bay Chu Lai. “Mở cửa đi em/ Ánh hồng đang lên trên biển Rạng/ Mở cửa em nghe/ Bóng thời gian đi trên Núi Thành… Từ bầu trời Chu Lai/ Rạo rực niềm mê say…" (Ca khúc đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác về Núi Thành).
Cũng như thế, trong “Em gái sông Tiên”, Phan Văn Minh không chọn lối kể theo lẽ thường mà lặng lẽ gieo vào lòng người nghe cảm thức về thời gian trôi chảy, qua bóng dáng của một dòng sông đã hiện hữu trong tâm hồn bao thế hệ người dân Tiên Phước. “Dòng sông lấp lánh trôi/ Qua núi đồi theo nắng chiều/ Làng sương như áo lụa/ Ai đứng chờ, ai nhớ người…”. Hoặc, với “Gọi em là chiều Phú Ninh”, nhạc sĩ đã ví bức tranh tuyệt đẹp mà con người xứ Quảng đã chung tay, góp sức để tạo nên với gương mặt kiều diễm của những cô gái mỹ miều Long Sơn - vốn được xưng tụng từ lâu. “Ta loanh quanh trên sóng hồ Phú Ninh/ Ngỡ gương mặt em/ Đi loanh quanh qua mấy khe núi xanh/ Vẫn gương mặt em… Gọi em như sông như là suối/ Hỏi em có phải là chiều/ Chiều trên hồ Phú Ninh”.
DVD “Đôi mắt sông Hoài” ngoài những ca khúc đã ghi dấu ấn như “Tình khúc Thu Bồn”, “Người Quảng dáng nâu” hay những ca khúc nêu ở trên, còn có một bức tranh đại ngàn đầy màu sắc và đậm chất liệu. Đó là những “Nhịp điệu Tây Giang”, “Babooch với ALăng Mieeh”, “Ngọc Linh mùa xuân”, “Tiếng gọi đại ngàn” hay “Rừng gọi A Sơn Dun”… Đây là 5 ca khúc được sử dụng trong phim ca nhạc “Tiếng gọi đại ngàn”, tác phẩm đoạt Huy chương Bạc thể loại ca múa nhạc của Đài PT-TH Quảng Nam tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2014. Đây có thể xem là những bài hát khá thành công của nhạc sĩ Phan Văn Minh về đề tài miền núi. Sự thành công này không chỉ thể hiện ở việc nhạc sĩ đã vận dụng đầy sáng tạo chất liệu âm nhạc truyền thống của đồng bào cũng như về giai điệu, tiết tấu âm nhạc mạnh mẽ, hừng hực men của rừng, của tình người miền núi… mà còn ở sự đón nhận của chủ nhân các bản làng. Những ca khúc này đã được các đội văn nghệ ở những huyện miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang… chọn biểu diễn ở rất nhiều chương trình văn nghệ quần chúng và tham gia các liên hoan, hội thi văn nghệ do tỉnh Quảng Nam tổ chức. Và, cũng chính những bái hát này đã góp phần làm cho DVD “Đôi mắt sông Hoài” của nhạc sĩ Phan Văn Minh trở nên đầy đặn về mặt đề tài và nặng thêm về mặt giá trị nghệ thuật.
ĐẶNG TRƯƠNG