Đậm đà hương vị thịt xông khói ngày tết của đồng bào Cơ Tu

ALĂNG NGƯỚC 08/02/2016 00:11

(QNO) - Cùng với các món ăn truyền thống khác như: bánh sừng trâu, thịt nướng ống, z’rúa,… thịt xông khói luôn được đồng bào Cơ Tu ưa chuộng và có mặt hầu hết trên các mâm rượu thết đãi khách trong ngày tết cổ truyền.

Trong mâm dọn khách ngày tết của đồng bào Cơ Tu, không bao giờ thiếu món thịt xông khói.
Trong mâm dọn mời khách ngày tết của đồng bào Cơ Tu, luôn không bao giờ thiếu món thịt xông khói truyền thống.

Đồng bào Cơ Tu có tục ăn Tết Nguyên đán khoảng chừng 50 năm trở lại, kể từ khi đồng bào một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Vì vậy, ngoài tết lúa mùa truyền thống của đồng bào vùng cao, Tết Nguyên đán trở thành tập tục đẹp được đồng bào Cơ Tu duy trì suốt hàng chục năm qua với hương vị xuân cùng các món ẩm thực truyền thống.

Cũng như anh em đồng bào các dân tộc khác, ngày tết trên các mâm cỗ thết đãi khách của người Cơ Tu luôn có đầy đủ các món ăn truyền thống lẫn hiện đại, với bánh tét, bánh chưng, dưa hành, thịt nướng ống, z’rúa, bánh sừng trâu,... Trong đó, thịt xông khói được xem như món ăn truyền thống chủ đạo, không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền. Tùy theo mức độ hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà trên mâm cỗ có ít hay nhiều món ăn được dọn ra mời khách. Đây cũng là cơ sở phản ánh rất thực về quan niệm “ăn tết” của đồng bào Cơ Tu ngày nay.

Đậm đà từng miếng thịt khô xông khói chấm với muối tiêu rừng.
Đậm đà từng miếng thịt khô xông khói chấm với muối tiêu rừng.

Theo già làng Bh’riu Nga, ở thôn Pa Liêng (xã A Ting, huyện Đông Giang), vài tháng trước Tết Nguyên đán, đồng bào Cơ Tu thường chuẩn bị sẵn các món ăn truyền thống trong nhà, đợi tết. Tất cả đều được đồng bào làm theo món xông khói, tức xâu từng miếng thịt tươi trên giàn bếp rồi xông khói lên cho khô, giúp thịt không bị hư, thối và giữ thời gian sử dụng được lâu dài. “Thịt xông khói, càng để lâu ăn càng ngon. Đây là món ăn truyền thống của đồng bào Cơ Tu từ rất lâu đời, rất được ưa chuộng trong ngày đám cưới hay lễ tết”, già Nga cho biết thêm.

Với đồng bào Cơ Tu, bất kể loại thịt động vật nào cũng đều làm được món xông khói. Đó trở thành đặc sản, không chỉ được sử dụng trong gia đình, mà còn là quà biếu ý nghĩa cho người thân, bạn bè, du khách. Ngày tết, tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình mà thịt xông khói có thể xông dai hay mềm, chế biến thành thịt khô nướng, chiên hay thái mỏng xào với rau rừng...  Nhưng, điều quan trọng trước khi chế biến các món ăn từ thịt xông khói, người làm cần phải nhúng sơ thịt với nước sôi, giúp loại bớt phần khói đen bám trên miếng thịt. Đặc biệt, món ăn truyền thống này rất hợp vị với tiêu rừng, nhất là nướng khô chấm với muối tiêu rừng và uống kèm với rượu nếp than dịu ngọt của đồng bào Cơ Tu.

Để làm nên món thịt xông khói, nhiều ngày trước Tết Nguyên đán, đồng bào Cơ Tu thường xâu từng miếng thịt tươi, rồi treo trên giàn bếp để
Để làm nên món thịt xông khói, nhiều ngày trước Tết Nguyên đán, đồng bào Cơ Tu thường xâu từng miếng thịt tươi, rồi treo trên giàn bếp để "xông khói".

Ông Bh’ling Hạnh, ở thôn Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang) cho biết, do điều kiện sinh sống ở miền núi nên đồng bào Cơ Tu chế biến nên thịt xông khói, phần giúp để giữ thịt lâu, phần có thêm mùi khói đặc trưng, rất thơm ngon và đậm đà. Ngày nay, mặc dù ở nhiều vùng Cơ Tu đã xuất hiện tủ lạnh để trữ thịt tươi, nhưng đồng bào vẫn thường chế biến thịt xông khói như một thói quen từ rất lâu đời. “Đến với đồng bào Cơ Tu trong dịp Tết Nguyên đán, thịt xông khói luôn được dọn như một món ẩm thực truyền thống không thể thiếu. Cùng với giọt nồng của rượu nếp than hay tà vạt, ngồi nhâm nhi với những miếng thịt xông khói, ngày tết thú vị không nào bằng”, ông Hạnh nói.

Ngày tết, đi khắp bản làng của đồng bào Cơ Tu, giữa sắc màu mùa xuân, hương vị của thịt xông khói tỏa theo làn gió thơm phức như hương thơm của rừng, của núi vào buổi sớm mai đón ánh nắng về.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC