Chuyện làm phim về "chú lính chì" xứ Quảng
Ai cũng khóc khi xem “chú lính chì” Thiện Nhân - cậu bé quê Quảng Nam chịu nhiều bất hạnh - trên phim. “Lửa Thiện Nhân” - bộ phim tài liệu gây sốt nhất trên màn ảnh Việt năm 2015 - mang thông điệp và bài học sâu sắc về nghị lực và tình yêu thương con người.
“Lửa Thiện Nhân” đã lan tỏa sức mạnh như mong muốn của “cha đẻ” bộ phim, đạo diễn Đặng Hồng Giang, để giờ đây mỗi khi nghĩ về nó, những khó khăn, vất vả trải qua trong quá trình làm phim đối với anh chỉ như một cái chớp mắt.
1.000 ngày 77 phút
Ba năm để hoàn thành một tác phẩm tài liệu không phải là một thời gian ngắn nhưng chưa phải là kỷ lục dài đối với một bộ phim ở thể loại này bởi trước “Lửa Thiện Nhân”, bộ phim tài liệu cũng gây tiếng vang là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã ngốn mất của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đến 5 năm. Tuy vậy, hành trình hơn 1.000 ngày đeo bám để Đặng Hồng Giang thắp lên một “Lửa Thiện Nhân” là một quãng thời gian khó quên với biết bao thử thách kiên nhẫn không chỉ đặt ra đối với đạo diễn mà còn với cả những nhân vật.
Một cảnh trong phim. Ảnh do Đạo diễn Đặng Hồng Giang cung cấp |
Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ về lý do anh làm phim “Lửa Thiện Nhân”: “Một buổi sáng năm 2006, tôi đọc báo và bàng hoàng thấy thông tin về việc một cậu bé sơ sinh ở Quảng Nam bị bỏ rơi, bị thú ăn mất chân và bộ phận sinh dục. Câu chuyện đau lòng quá khiến tôi không đủ can đảm đọc hết bài báo. Năm 2007, tôi lên đường đi du học và thời điểm đó tôi xem tin tức trên mạng, biết được cậu bé đã được chị Mai Anh đón về chăm sóc, chạy chữa. Tôi tò mò muốn biết về cuộc sống mới của Thiện Nhân cũng như thắc mắc về người phụ nữ Hà Nội đã nhận nuôi bé nên tự hứa với mình khi về nước sẽ làm phim về Thiện Nhân và Mai Anh. Trước mắt là để giải đáp cho những thắc mắc của mình. Ban đầu, tôi chỉ định thực hiện một bộ phim dài 20 - 30 phút, nhưng khi nghe những người trong cuộc kể và tiếp cận thực tế, thấy câu chuyện quá xúc động nên tôi quyết định thay đổi lại toàn bộ kế hoạch sản xuất phim ban đầu”.
Có lẽ Đặng Hồng Giang cũng không ngờ quyết định này đã lấy đi của anh không chỉ thời gian, sức lực mà cả tài lực.
Phim chỉ dài 77 phút, nhưng để có chừng ấy thời gian trên màn ảnh đó là cả một quá trình đeo bám dai dẳng của ê-kíp đoàn phim. Đạo diễn Đặng Hồng Giang lý giải: “Cái khó của thể loại tài liệu hiện thực là không thể có một shot hình mượt mà hay sự sắp đặt ánh sáng mỹ thuật được vì phải bắt nhịp từng động tác, lời nói của nhân vật tại hiện trường và tuyệt đối không được tác động đến nhân vật. Những nhân vật của tôi lại không phải là những diễn viên chuyên nghiệp, tất cả không quen với ống kính, dễ ngượng miệng khi máy quay chĩa vào nên phải đeo bám, làm thân với mọi người cho đến khi nào họ quen và quên đi sự có mặt của tôi mới thôi”.
3 con người, 1 tình yêu
Người vất vả nhất cùng Đặng Hồng Giang là mẹ nuôi Mai Anh, vừa làm việc, vừa chăm sóc ba cậu con trai nghịch ngợm lại vừa phải chấp nhận sự “quấy rối” thường xuyên của ê-kíp làm phim, có ai ở vào hoàn cảnh đó mới thông cảm được những lời lẽ cáu gắt mà người phụ nữ này dành cho anh: “Sao người ta làm vài ngày xong một bộ phim, còn anh làm hết năm này sang năm khác”. Đặng Hồng Giang với lối ăn nói nhỏ nhẹ thường thấy, chỉ khẽ khàng đáp: “Tôi muốn làm một bộ phim tử tế mà muốn tử tế thì không thể nhanh được”. Gắt là gắt vậy nhưng chị Mai Anh vẫn kiên nhẫn với đoàn phim, thậm chí dần dà còn nhiệt tình giao hết nguồn tư liệu hình ảnh mà chị ghi được, chụp được từ lúc đón Thiện Nhân về nuôi rồi trải qua quá trình đưa bé đi các nơi chữa trị. Cầm ổ cứng dữ liệu mà Mai Anh đưa, Đặng Hồng Giang mừng như bắt được vàng. Mai Anh vốn cũng định giữ gìn những hình ảnh về Thiện Nhân với mong muốn khi con lớn lên sẽ cho bé thấy hết quá trình trưởng thành của mình, dạy cho con biết cách đối diện sự thật. Trong chuyện trao - nhận chiếc ổ cứng này, không biết Mai Anh may mắn khi gặp được Đặng Hồng Giang hay ngược lại. Có lẽ là cả hai, bởi nếu không có Mai Anh giúp đỡ, hành trình làm phim của Đặng Hồng Giang hẳn không chỉ dừng ở con số hơn 1.000 ngày và nếu không có Đặng Hồng Giang, Mai Anh chắc sẽ khó hoàn thành ý nguyện làm một bộ phim nhỏ dành cho Thiện Nhân.
Tuy nhiên, những trở ngại đối với mẹ Mai Anh chỉ là chuyện nhỏ, người “hành” ê-kíp làm phim nhiều nhất chính là nhân vật chính của phim. Đặng Hồng Giang kể: “Thời gian đầu, Thiện Nhân rất khó chịu khi thấy tôi xuất hiện. Mỗi khi vào ngày quay mới, cậu bé thường vùng vằng, mè nheo. Như cảnh Thiện Nhân đạp xe trong công viên lên phim chỉ khoảng 2 phút nhưng lúc quay, đoàn phim theo chân cậu bé mất hết cả buổi sáng. Dần dần, khi bé đã bắt nhịp được với mọi người trong ê-kíp thì cả đoàn chúng tôi phải chạy bở hơi tai mới theo kịp cậu nhóc để ghi hình vì bé rất lanh lợi, hiếu động”.
Từ chỗ không quen biết, dần dà 2 người đàn ông, một lớn, một nhỏ dần trở nên thân thiết với nhau. Trong mắt vị đạo diễn, cậu nhóc là một đứa trẻ nghịch ngợm nhưng giàu tình cảm. Khán giả cũng có thể hình dung điều này qua câu nói của Nhân trên phim: “Mẹ ơi, lớn lên con sẽ chăm sóc mẹ” - lời đầu tiên thốt ra từ miệng cậu bé vừa trải qua ca mổ dài suốt 9 giờ khiến ai xem phim cũng rơi nước mắt. “Cuộc đời của Thiện Nhân chỉ có thể gói gọn trong 2 chữ thiên định” - Đặng Hồng Giang nói. Anh cũng đã dùng triết lý “thiên định” này làm mối liên kết tất cả tình tiết, sự kiện diễn ra trong phim. Một con người sinh ra trong tột cùng đau đớn như Thiện Nhân nhưng sự đau đớn đó lại mang đến khởi nguồn những niềm vui và hy vọng cho người đồng cảnh ngộ, nếu không phải “thiên định” thì là gì?
NGUYỄN NGỌC HƯƠNG NHU