Bà Năm kể chuyện làng

VŨ CÔNG ĐIỀN 06/02/2016 10:34

Hồi chưa có điện, bên ánh đèn dầu tù mù, vào những đêm tết, bà con tụ tập lại nghe bà Năm kể chuyện. Chuyện xưa bà Năm kể nhiều lắm, dân làng nghe không tài nào nhớ hết, chỉ nhớ mỗi người một ít.

Những chuyện ấy, như một thông điệp về di tích cổ xưa được lưu truyền về đất và người nơi thượng nguồn sông Thu Bồn. Bà là Đặng Thị Truật (81 tuổi, thôn Mậu Long, xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn). Người làng thường gọi là bà lang Năm, vì bà chuyên chữa bệnh bằng thuốc nam.

Ký ức bé thơ

Quê gốc của bà Năm ở làng Hà Mật, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn. Những năm chiến tranh loạn ly, cha bà cùng mấy chị em mất sớm, bà Năm theo mẹ chạy tránh bom đạn, tránh bắt bớ hết nơi này sang nơi khác.  

Mẹ bà Năm thời con gái học rất giỏi tại trường Pháp ở Sài Gòn nên tiếng Pháp rất thông thạo. Bà Năm kể, thời đó giặc càn vào làng, nhờ vốn liếng tiếng Pháp, mẹ bà nói chuyện với lính Pháp như tiếng mẹ đẻ, nên họ hiểu được và không đốt phá, sát hại vô cớ đồng bào nơi lính Pháp đóng quân. Rồi cuộc chiến leo thang giao tranh quá ác liệt, năm 1945 mẹ con dìu dắt nhau lên vùng thượng nguồn Thu Bồn.

 Bà Năm gói thuốc chữa bệnh cho dân làng.
Bà Năm gói thuốc chữa bệnh cho dân làng.

Ở vùng lánh nạn, mẹ con bà gặp nhiều người vùng xuôi cùng cảnh ngộ. Có người là ông giáo làng, là thầy lang… Trong số đó có ông Bốn Kim thầy thuốc, ông giáo làng Hồ Văn Tâm. Hai người này phối hợp với mẹ bà Năm mở lớp dạy chữ và chữa bệnh cho dân làng. Thời đó dân vùng xuôi lên sống ở đây thiếu chữ, đói khổ và nhiều bệnh tật. Bà Năm lúc đó mới hơn 10 tuổi nhưng đã biết lặn lội qua những cánh rừng để tìm lá về cho thầy Bốn Kim chế thuốc chữa bệnh. Có lẽ được di truyền trí nhớ tuyệt vời của mẹ, nên những chuyện bà Năm nghe được từ các vị cao niên của làng, bà thuộc làu làu. Rồi trong những lần vào rừng kiếm lá thuốc, vô tình nhìn thấy những di tích xưa, bà càng tin rằng, người xưa không nói sai.

Thấp thoáng trong những chuyện kể của bà Năm, tôi thấy di tích Chămpa còn ẩn hiện trong rừng. Những cánh rừng tại Khe Ngang, có bãi vàng thời Champa còn sót lại rộng gần 5ha. Rồi bia khắc chữ cổ người Chăm nơi núi Hố Nhi cùng với sử sách người xưa còn ghi lại khi lập làng… Chuyện của người Chăm, bỗng chốc mê hoặc tôi.

Lần theo dấu xưa

Tôi ở lại Mậu Long. Lần theo những câu chuyện nửa thực nửa hư, tìm về dấu tích cả trăm năm trước. Làng bìa rừng, đêm mùa đông lành lạnh, một vài dân làng ngồi tâm giao cùng tôi và họ kể về chuyện làng như bà Năm từng kể. Ông Hà Hồng Sơn, bậc cao niên trong làng, nâng chén rượu mời tôi và hứa sáng mai đưa tôi vào tận bãi vàng thời Chămpa.

Tôi đi cùng ông khi sương sớm còn phủ đầy. Chiếc xe máy gầm rú qua những con dốc lầy lội. Đến con suối nước lớn chảy xiết không qua được, đành bỏ xe bên suối, lội bộ. Đi gần một giờ mới đến nơi, ông Sơn cầm dao phát và chỉ cho tôi những lũy thành xây bằng đá. Rồi ông cào đi những lớp lá mục, hiện ra các tam cấp xếp bằng những tấm đá sa thạch cỡ vừa. “Khi nhỏ tôi theo cha đi rừng đã nhìn thấy thành đá ngang dọc cả khu rừng này. Qua chiến tranh cùng với sự khai phá vô ý của con người nên mọi thứ đã mất đi nhiều”- ông Sơn nói.

Gần trưa, cơn mưa phùn từ đỉnh núi đổ về, tôi và ông định quay ra. Chợt nghe ông nói phía bên kia một chút là Hố Dội, suối Giật Vàng. Nghe tên suối quá ấn tượng: Giật Vàng. Bèn cùng ông đi tiếp. Đến nơi, đứng bên dòng suối cách bãi vàng độ 100m theo đường chim bay, ông nói: “Đây là câu chuyện của bà Năm kể với dân làng mà tôi nghe được. Thời đó người Chăm và Việt cùng làm vàng khu vực này. Hai bên con suối này là nơi cư ngụ của chủ và phu vàng. Nhưng thỉnh thoảng có những toán cướp vào đây trấn lột vàng và con suối có tên gọi từ đó!”.

 Biết tôi đi tìm hiểu những di tích xưa qua lời bà Năm kể, chiều đó anh Đào Công Sắt, phụ trách công tác mặt trận thôn Mậu Long đưa tôi vượt rừng đến núi Hố Nhi. Trên tảng đá cao to, những nét chữ khắc ngoằn ngoèo sắc nét,  qua thời gian vẫn còn hiển hiện. “Tấm bia này nằm trên tảng đá quá cao, nên ít người biết đến, hơn nữa dưới tán cây rừng khó bị bào mòn bởi nắng mưa, nên bia còn nguyên vẹn”- anh Sắt  chia sẻ.

Tôi tìm gặp ông Hà Văn Phú làng Mậu Long và ông cho tôi xem gia phả của làng. Sau hàng trăm năm cuốn gia phả bắt đầu mục nát, nhưng nét chữ xưa viết bằng mực xạ vẫn còn rõ ràng. Ông Phú cho biết, cứ theo nhiệm vụ người trước truyền người sau, con cháu giữ gia phả này một cách cẩn thận. Ông chỉ biết nó được lưu truyền thời sơ khai khi tổ tiên có mặt ở đây. Ông không đọc được cuốn gia phả nhưng loáng thoáng nghe người già nói rằng, gia phả làng có những câu chuyện về mối quan hệ Việt - Chăm được ghi lại.  

Tôi, cũng không đọc được chữ xưa từ gia phả, không hiểu chữ trên tấm bia đá giữa rừng, nên bèn sao chụp lại, hy vọng có người am hiểu và giải mã những chuyện này.

Bây giờ bà Năm sống một mình trong căn nhà tạm không điện tại làng Mậu Long. Hàng ngày bà lặn lội đi tìm lá rừng về chế biến, ai đau gì thì bà cho thuốc ấy. Trong căn nhà chật hẹp, nơi nào bà cũng chất đầy thuốc nam. “Bây giờ thuốc nam tìm khó lắm. Bởi vì họ phát rẫy trồng keo, nên những cây thuốc quý gần như cạn kiệt, muốn có phải vào tận rừng sâu. Nhưng không dễ, bởi mỗi cánh rừng cho một loại cây lá khác nhau”- bà Năm nói.

 VŨ CÔNG ĐIỀN

VŨ CÔNG ĐIỀN